Kích động “tâm lý bài Trung” là một trong những thủ đoạn mới nhưng không hề xa lạ mà các thế lực thù địch đang tiến hành để chống phá Việt Nam. Với từ khóa trên, chỉ bằng vài thao tác kích chuột, bạn sẽ có khoảng 300 ngàn kết quả trên Google. Vậy tại sao một số kẻ lại lợi dụng “tâm lý bài Trung”, cố tình thúc đẩy nó trong thời gian gần đây và bản chất của nó là gì, mục đích ra sao?
Hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, nhất là sự bùng nổ của các trang mạng xã hội, bên cạnh những giá trị tích cực thì những trào lưu tư tưởng cực đoan, các chiêu trò chống phá của các thế lực thù địch… càng dễ dàng thâm nhập vào quần chúng nhân dân. Vô tình hay hữu ý, không ít người đã tự biến mình thành công cụ cho các thế lực đứng đằng sau các bài viết, các luận điệu phản động đó. Bài học về sự cảnh giác và cái giá phải trả cho sự mất cảnh giác là vô cùng lớn. Nhớ lại chuyện xưa, tích cũ, câu nói của Rùa thần với An Dương Vương: “Kẻ ngồi sau lưng chính là giặc đó”, đem vận vào thời cuộc hiện nay, lại càng thấy thấm thía. Thật xót xa cho người con gái xinh đẹp Mị Châu, vì nhẹ dạ mà vô tình giúp giặc rồi “trở thành giặc”, rốt cục rơi vào cảnh nước mất, nhà tan và tình yêu cũng không bao giờ giữ được.
Những năm gần đây, trước sự trỗi dậy mạnh mẽ, nhất là trước những hành động của Trung Quốc trên biển Đông làm dấy lên sự lo ngại của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, vấn đề quan tâm ở đây là tại sao lúc này các thế lực thù địch lại cố tình khoét sâu vào mâu thuẫn Việt – Trung, ra sức cổ xúy cho xu hướng “bài Trung” một cách mạnh mẽ như vậy?
“Bài Trung” để chống cộng – một mũi tên hai đích đến.
Từ sau năm 1991, quan hệ Việt – Trung sau một thời gian dài ảm đạm, đã có nhiều bước biến chuyển đáng kể. Là hai nước láng giềng, có cùng ý thức hệ, cả hai nước Việt – Trung đều có những vị trí quan trọng từ địa chính trị đến các quan hệ quốc tế đan xen. Trong cuộc đối đầu giữa CNXH và CNTB thì cả Việt Nam và Trung Quốc đều là những mục tiêu quan trọng hàng đầu, trọng điểm chống phá mà chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch hướng đến. Có thể thấy, thúc đẩy “tâm lý bài Trung” vừa khoét sâu vào mâu thuẫn vốn có trong lịch sử giữa hai dân tộc, vừa hạ thấp vai trò, uy tín, hình ảnh của cả hai nước XHCN và của cả CNXH, đồng thời tạo sự bất ổn trong khu vực. Với riêng Việt Nam, thì hệ lụy đầu tiên của xu hướng này là tạo ra sự không đồng thuận trong xã hội, trong nhân dân đối với các chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, qua đó gián tiếp phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội.
Một mũi tên, hai đích đến, không hề ngẫu nhiên khi mà các bài viết tuyên truyền cổ xúy cho việc phản đối Luật Đặc Khu, biểu tình chống Fomosa, dự án đường cao tốc Bắc – Nam… lại xuất hiện liên tục và dày đặc trên không gian mạng trong thời gian gần đây. Cứ hễ ở đâu có nhà thầu Trung Quốc thì những kẻ bồi bút phản động lại tô vẽ, thêm thắt và dựng lên cái viễn cảnh “bán nước”, “nhượng địa” cho Trung Quốc hết sức mơ hồ mà không ít người dân, do nhiều nguyên nhân về nhận thức, đã tin chúng. Đây chính là những luận điệu nguy hiểm nhằm phá hoại đường lối ngoại giao và tinh thần đoàn kết quốc tế của Việt Nam để phục vụ cho mưu đồ xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của các thế lực thù địch.
“Bài Trung” – những hệ lụy khó lường
Thế giới trong thế kỷ 21, hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, phản ánh đòi hỏi bức xúc của các quốc gia, dân tộc trong quá trình phát triển. Sau hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đạt được nhiều thành tựu quan trọng, Việt Nam tiếp tục là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trên cơ sở bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia – dân tộc, chúng ta đã ký kết với nhiều nước trong và ngoài khu vực những khuôn khổ quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện như: Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ, Hiệp định về biên giới trên bộ, Hiệp định về phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định nghề cá với Trung Quốc, Hiệp định phân định thềm lục địa với Indonexia… Các mối quan hệ song phương và đa phương đó đã góp phần không nhỏ vào việc không ngừng củng cố môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay, nước ta đang thực hiện đẩy mạnh CNH, HĐH và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Cái ta cần là phải tranh thủ đối đa cơ hội, hạn chế đến mức thấp nhất thách thức, trong đó có việc đấu tranh với vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và sự cạnh tranh không lành mạnh, không chỉ từ các doanh nghiệp Trung Quốc mà còn từ tất cả các nhà đầu tư khi đến Việt Nam. Những quan điểm cực đoan hễ liên quan đến Trung Quốc đều tẩy chay là không đúng với tinh thần hội nhập và các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết. “Bài Trung” không chỉ để lại hệ lụy to lớn trong kinh tế thương mại, nó còn đi ngược lại đường hướng phát triển đất nước, làm xấu đi hình ảnh Việt Nam thân thiện và là môi trường đầu tư an toàn, tin cậy, hiệu quả trên thế giới.
Người viết xin loại trừ mục đích lợi nhuận của một số tờ báo và người cầm bút khi cố tình cổ xúy cho “tâm lý bài Trung”, nhưng dù mục đích ra sao, dù là cổ vũ lòng yêu nước đi chăng nữa, thì phải khẳng định đó là cách làm thiếu tỉnh táo, không giúp ích gì cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, thậm chí còn phản tác dụng, phá hoại đường lối chủ trương của Đảng, phá hoại môi trường đầu tư lý tưởng của Việt Nam mà chúng ta đã dày công xây dựng. Nghiêm trọng hơn đó là, khi chúng ta là một nước nhỏ, cần tận dụng mọi cơ hội để vừa phát triển đất nước, vừa giữ vững được độc lập chủ quyền, lợi ích của quốc gia – dân tộc, việc gây thù hằn với một dân tộc khác trong lúc này và cả mãi về sau đều không đúng, không phản ánh chính xác tinh thần yêu nước, yêu chuộng hòa bình của con người Việt Nam. Yêu nước phải bằng “trái tim nóng và cái đầu lạnh”, đừng để như nàng Mị Châu năm nào, dại khờ “trái tim lầm chỗ để trên đầu” để rồi “nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”. Bởi vậy, mỗi chúng ta phải hết sức cảnh giác, một mặt kiên quyết đấu tranh với những suy nghĩa và hành động đi ngược lại lợi ích quốc gia – dân tộc nhưng mặt khác không để mắc mưu các thế lực thù địch.
Nhận xét
Đăng nhận xét