Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng
căn dặn các thế hệ cán bộ cách mạng về vai trò của lý luận. Người chỉ ra rằng:
“Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp vừa
hay vấp váp”. Đề cập vai trò của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị,
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Không có lý luận chính trị thì chí khí kém
cương quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng,
kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”.
Những căn dặn của Người đến nay vẫn còn
nguyên giá trị lý luận và thực tiễn; là “kim chỉ nam” để Đảng ta xác định đúng
vị trí, vai trò, tầm quan trọng của giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý
luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao
trình độ lý luận chính trị liên quan trực tiếp đến công tác xây dựng đội ngũ
cán bộ, đảng viên cho hệ thống chính trị, có ý nghĩa to lớn trong việc tuyên
truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường
lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân.
Trong các văn kiện Đại hội và các nghị quyết chuyên đề của Đảng, Đảng ta luôn
thể hiện sự coi trọng công tác tư tưởng, lý luận.
Những năm qua, công tác giáo dục, bồi
dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất
là những cán bộ, đảng viên ở vị trí quản lý, lãnh đạo luôn được đề cao và đạt
được những kết quả quan trọng. Nhận thức của cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, vai
trò và các giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được
nâng lên. Cán bộ, đảng viên có bước phát triển về nhận thức, trình độ, bản lĩnh
chính trị và năng lực tư duy. Nhận thức, trình độ lý luận chính trị được nâng
lên là cơ sở để cán bộ, đảng viên vận dụng vào thực tiễn nâng cao hiệu quả công
tác và giải quyết các vấn đề mà cuộc sống đặt ra. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, đảng
viên đã tích cực tham gia phổ biến, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
đến quần chúng nhân dân; thực sự là lực lượng nòng cốt, là cầu nối giữa Đảng với
nhân dân, là nhân tố kết nối, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, góp sức cùng
nhân dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần bảo vệ nền
tảng tư tưởng của Đảng, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh tư tưởng, đấu
tranh lý luận, phòng chống âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, góp phần ổn
định chính trị, tạo ra bầu không khí dân chủ, cởi mở trong xã hội.
Tuy nhiên, trên thực tế, trình độ lý luận,
nhận thức chính trị của cán bộ, đảng viên ta không đồng đều. Một số cán bộ, đảng
viên nhận thức, tư duy chính trị còn đơn giản, bản lĩnh chính trị chưa vững
vàng, ngại học chính trị. Cấp ủy, lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị nhất là cấp
cơ sở chưa coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận
chính trị cho cán bộ, đảng viên. Chính từ việc lười học tập, nghiên cứu lý luận
chính trị, không thường xuyên trau dồi đạo đức, bản lĩnh chính trị khiến cho một
bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa”…
Như vậy có thể thấy, việc bồi dưỡng,
nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là một nhiệm
vụ rất quan trọng mà mỗi cấp ủy, tổ chức đảng cần đẩy mạnh thực hiện và không
bao giờ được phép lơ là, chủ quan, xem nhẹ. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ
dạy: “Lý luận như kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc
thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”. Bởi vậy, bồi dưỡng,
nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng chính là
bồi dưỡng cái gốc, cái cốt lõi từ trong nhận thức, để mỗi cán bộ, đảng viên
trang bị cho mình thế giới quan, phương pháp luận khoa học. Trên cơ sở đó, cán
bộ, đảng viên vận dụng tri thức được trang bị vào thực tiễn công tác; thống nhất,
xuyên suốt từ trong tư tưởng, nhận thức đến hành động.
Trong những năm gần đây, thực hiện chiến
lược “diễn biến hòa bình” chống phá Việt Nam, các thế lực thù địch trong và
ngoài nước tập trung vào chống phá Đảng, chế độ và hệ tư tưởng. Trong bối cảnh ấy,
đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính
trị vững vàng để không sa ngã, “sập bẫy” của các thế lực thù địch, tích cực
tham gia đấu tranh phản bác, đập tan những luận điệu xuyên tạc, chống phá. Điều
này một lần nữa cho thấy, việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị
cho cán bộ, viên viên càng trở nên cấp thiết.
Nhận xét
Đăng nhận xét