Sáng nay 8-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).
Cho ý kiến dự thảo luật, Trưởng Ban Dân nguyện (UBTVQH) Nguyễn Thanh Hải thể hiện sự quan tâm về tính minh bạch, công khai, công bằng của việc lựa chọn, xét duyệt đối tượng đặc xá.
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an
Bà Nguyễn Thanh Hải băn khoăn về quá trình bình bầu, lựa chọn đối tượng trong dự thảo và quy trình tương đối khép kín trong nội bộ ngành công an.
Theo bà Hải, hiện nay có quy định trong chức năng trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (VKS) nhưng tôi nhận thấy chưa được rõ ràng.
Từ đó, Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị quy định rõ ràng hơn về trình tự thủ tục tham gia của VKS trong giám sát, thanh tra quá trình thực hiện đặc xá. Đồng thời cân nhắc bổ sung đại diện cơ quan dân cử như đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hay cơ quan QH khi thành lập Hội đồng Tư vấn đặc xá.
Trước băn khoăn của người đứng đầu Ban Dân nguyện, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, khẳng định: "Không có chuyện khép kín hay không minh bạch".
Ông Nguyễn Văn Sơn giải thích đối tượng được hưởng đặc xá được hướng dẫn, giải thích về luật và họ nhận thức đầy đủ quyền đến đâu, trường hợp nào được đặc xá. Bên cạnh đó, VKS thực hiện giám sát thường xuyên, chặt chẽ và là thành viên của hội đồng. Ngoài ra còn có cơ quan tổ chức khác cũng giám sát chặt chẽ quá trình xem xét đặc xá.
Góp ý dự luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đặt vấn đề quy định liên quan đặc xá trong trường hợp đặc biệt khi mở rộng với đối tượng bị kết án treo, người đã được tha tù có điều kiện trước thời hạn có khả thi.
"Đối tượng được hưởng chính sách trên về bản chất là hưởng chính là khoan hồng. Nếu cho hưởng đặc xá thì có chồng chéo về chính sách?" – ông Trần Tiến Dũng nói.
Giải đáp băn khoăn này, đại diện cơ quan thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết đặc xá trong trường hợp đặc biệt là đáp ứng yêu cầu về chính trị, đối nội, đối ngoại.
"Thực tế rất ít đối tượng được hưởng ân huệ này từ Chủ tịch nước. Với tính chất "đặc biệt" nên việc mở rộng với đối tượng không ảnh hưởng gì đến chính sách khoan hồng và vẫn đảm bảo được yêu cầu đặt ra"- bà Nga nhấn mạnh.
Tham gia giải thích vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn cho rằng người hưởng án treo là đối tượng phạm tội ít nghiêm trọng, đang thi hành án tại cộng đồng, gia đình. Còn đối tượng được tha tù trước thời hạn về bản chất cũng là chấp hành án tại cộng đồng. Vì thế quan điểm của ban soạn thảo là đủ điều kiện được xem xét đặc xá trong trường hợp đặc biệt.
Một vấn đề đáng chú ý của dự thảo luật là việc thực hiện nghĩa vụ bồi thường và các nghĩa vụ dân sự để được đề nghị đặc xá.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này để tạo điều kiện cho người chấp hành án là người nghèo, chưa có điều kiện thực hiện nghĩa vụ dân sự thì vẫn được xét đặc xá.
Theo bà Nga, Luật Đặc xá hiện hành quy định phải chấp hành xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và các nghĩa vụ dân sự khác nhưng chỉ áp dụng đối với người phạm tội về tham nhũng và một số tội phạm khác do Chủ tịch nước quyết định.
Còn dự thảo luật của Chính phủ trình sửa theo hướng bắt buộc phải chấp hành xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và các nghĩa vụ khác đối với mọi loại tội phạm.
Theo bà Lê Thị Nga, quy định như dự thảo luật là mở rộng hơn so với luật hiện hành, dẫn đến có những người mặc dù quá trình cải tạo rất tốt, đáp ứng nhiều điều kiện luật định... nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn không có khả năng thi hành nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự (mà không phải do họ cố tình chây ì, không tự nguyện chấp hành án) thì sẽ không bao giờ được đặc xá, ảnh hưởng đến công bằng xã hội và giảm đi ý nghĩa của chính sách đặc xá, đồng thời làm mất đi động lực của những người bị kết án là người nghèo phấn đấu cải tạo tốt.
Vì vậy, Ủy ban Tư pháp đề nghị chỉnh luật theo hướng người bị kết án phải thực hiện xong nghĩa vụ nhưng "trừ trường hợp có quyết định của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền về việc chưa có điều kiện thi hành án hoặc có văn bản của người được thi hành án đồng ý hoãn thi hành án, không yêu cầu thi hành án đối với tài sản không thuộc sở hữu của Nhà nước".
Ủng hộ quan điểm của Ủy ban Tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhìn nhận: "Nếu áp quy định này thì các trường hợp người nghèo không có tiền nộp thì họ bị "tước quyền" đặc xá?".
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng mục đích đặc xá là tha tù chứ không phải xoá phần trách nhiệm dân sự. Và người được đặc xá ra ngoài làm ăn thì khi có điều kiện phải thực hiện trả nợ.
"Để người được đặc xá có kinh tế trả nợ theo quy định thì phải gắn trách nhiệm đôn đốc của cơ quan chức năng, chứ không chỉ trông vào sự tự giác. Vì vậy dự luật cần bổ sung căn cứ, thủ tục để gắn trách nhiệm của người ra quyết định để tránh lạm dụng" – ông Nguyễn Khắc Định góp ý.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị Chủ tịch QH giao cho Ủy ban Tư pháp và Bộ Công an hoàn chỉnh lại dự thảo của Luật Đặc xá sửa đổi và hoàn thiện lại báo cáo giải trình tiếp thu để gửi cho các đoàn ĐBQH cho ý kiến trước khi trình ra kỳ họp thứ 6 vào cuối năm.
Nhận xét
Đăng nhận xét