GIÁ TRỊ CỦA HÒA BÌNH CÁI NHÌN TỪ MỘT SĨ QUAN CỦA VIỆT NAM TẠI CHÂU PHI
“Thầy, ước gì Angelina được ở Việt Nam”, cô học trò người Trung Phi cầm cái bánh chưng trên tay, nói với tôi.
Bài viết gửi từ Cộng hòa Trung Phi của tác giả Lê Ngọc Sơn, sĩ quan gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Liên hợp quốc có quy định, các sĩ quan không được phép cho trẻ em đồ ăn, tiền bạc. Ngoài công việc ở phái bộ, chúng tôi chỉ có thể giúp đỡ bọn trẻ bằng cách dạy học. Học trò của tôi là bốn đứa trẻ con nhà hàng xóm: Choula 16 tuổi, Benita 14 tuổi, Emmanuel 11 tuổi và Angelina 7 tuổi.
Angelina nhỏ nhất lớp và ham học. Cô bé từng lục lọi trong đống vở cũ, tìm được một tờ giấy còn trống vài dòng và cố tách xem có phải hai tờ dính liền nhau không để làm giấy viết. Tôi còn nhớ như in, niềm háo hức của cô trò nhỏ trong khung cảnh tối om, đầy muỗi khi tôi cho chúng xem ảnh chụp gia đình mình ở Việt Nam, hai con đang đi học, ở nơi có điện sáng trưng, nhà sạch sẽ.
Máy bay đưa chúng tôi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Bangui, Cộng hòa Trung Phi vào một ngày nắng gắt, tháng 4/2017. Cảnh tượng đầu tiên mà tôi trông thấy là bụi bay mù trời, trẻ em chơi trên đường băng, nhân viên sân bay đi dép lê và mặc quần áo cũ.
Xe đưa chúng tôi về Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (MINUSCA). Trên đường phố thủ đô Bangui, người dân không ai đội mũ. Tất cả nam giới đầu cạo trọc. Phụ nữ tóc cắt ngắn và buộc lại thành từng túm. Trẻ em nằm trên lưng trong một cái khăn buộc vòng qua người mẹ. Dưới nắng gắt và bụi đường, những cái đầu trần lúc nghẹo trái, nghẹo phải vì không có gì đỡ.
Đây là nơi mà chúng tôi – những sĩ quan gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đến từ nhiều quốc gia sống và làm việc trong vòng một năm. Những người lính Việt Nam đã có mặt ở đây từ năm 2015. Tại Phái bộ MINUSCA hiện có 5 sĩ quan Việt Nam đang làm nhiệm vụ. Chúng tôi ở trong một khu trọ có tường bao quanh, được MIMUSCA đánh giá là “an toàn ở thủ đô Bangui”.
Nội chiến gần 5 năm ở đất nước này khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hàng trăm nghìn phải lánh nạn ở các nước láng giềng. Nhiều tổ chức nhân đạo đã có mặt, giúp người dân tị nạn, hỗ trợ dạy học, dạy kỹ năng sống.
Cách trung tâm thủ đô chừng 20km, người dân vẫn sống trong những ngôi nhà lá, vách đất. Có lần dừng lại ở một nhà dân, khoảng gần 20 đứa trẻ chạy ra vây quanh chúng tôi. Đứa cởi trần, đứa mặc áo hở ngực vì đứt hàng cúc. Những đôi mắt ngây thơ vẫn ánh lên niềm vui khi nhìn thấy người khác màu da.
Ở đây nhiều trẻ vô gia cư. Hàng ngày, các em vạ vật nhặt những đồ rơi rụng cố nhét vào bụng cho qua cơn đói. Các em đi lang thang xin ăn, nhưng cũng chẳng ai có để cho. Buổi tối, bọn trẻ tìm về ngủ dưới hiên các nhà thờ. Nhiều em đã bị cưỡng hiếp và giết hại. Sinh mệnh của những đứa trẻ ở nơi không có hòa bình mỏng manh như tờ giấy.
Một tối từ phái bộ trở về, tôi gặp người hàng xóm bế trên tay đứa trẻ. Qua những câu diễn giải khó nhọc, tôi biết bé gái trên tay anh là con gái 6 tháng tuổi và đang bị bệnh. Bốn ngày trước, đứa cháu trai ba tháng tuổi của anh cũng qua đời vì bệnh. Và người mẹ mới 18 tuổi thì khóc không ngừng.
Tôi khuyên anh đưa con đi khám, nhưng anh nói không có tiền. Cả gia đình đau buồn khi mới mất một đứa bé và tuyệt vọng khi không biết tính mạng của đứa bé thứ hai ra sẽ sao?
Bàn bạc với người đồng đội – thiếu tá Đinh Đức Long – chúng tôi quyết định giúp bằng cách nói chuyện với Chỉ huy trưởng của một bệnh viện quân sự. Bệnh viện đồng ý khám và điều trị miễn phí cho em bé, điều chưa từng có tiền lệ. “Tôi từng đọc sách về các chiến dịch ở Việt Nam. Người Việt Nam rất kiên cường”, chỉ huy bệnh viện nói với tôi.
Việt Nam mất mát, đau thương quá nhiều vì chiến tranh, nên có lẽ người Việt là những người thấu hiểu giá trị của hòa bình và luôn khao khát lan tỏa giá trị ấy. Những người lính mũ nồi xanh đến từ nhiều quốc gia khác nhau, mỗi người một nhiệm vụ, một góc nhìn, nhưng đều có chung mong muốn góp phần mang lại bình yên và cải thiện cuộc sống cho người dân nơi này. Đó là ý nghĩa sâu sắc của công việc “gìn giữ hòa bình” mà Liên hợp quốc đang làm trong nhiều năm.
Những ngày đầu năm, chúng tôi đón Tết ở nơi cách quê hương 10.000 cây số với bánh chưng, xôi nếp và mâm ngũ quả. Lần đầu tiên, bốn đứa trẻ trong lớp học của tôi biết đến loại bánh đặc biệt làm từ gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh. Sau gần hai tiếng cùng gói, bọn trẻ đã cho “ra lò” 7 cái bánh chưng.
Những ngày tháng làm nhiệm vụ nơi này, làm tôi nhận ra, rằng biết cách trân trọng hòa bình và những điều giản dị mình đang có, cũng là điều phải học.
Nhận xét
Đăng nhận xét