Với một số người
đang ra sức cổ xúy cho cái gọi là “nền dân chủ phương Tây”, phải chăng họ không
quan tâm đến việc áp đặt dân chủ là nguyên nhân gây ra bất ổn tại một số nước
và ngay ở chính phương Tây, cái gọi là “nền dân chủ” cũng đang lâm vào khủng hoảng?
Tin tức thời sự hằng ngày về tình hình
chiến sự cũng như về tình trạng bất ổn ở nhiều nước hiện đang là một phần sự
thật chứng minh “nền dân chủ nhập khẩu” không thể tồn tại khi không phù hợp với
điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, đặc biệt là khi không phải là yêu cầu tự
thân của một quốc gia. Còn về sự khủng hoảng của nền dân chủ ở phương Tây, tốt
nhất nên tham khảo ý kiến của các nhà khoa học sống, làm việc ở phương Tây.
Chẳng hạn như khi bàn về cuộc khủng hoảng của nền dân chủ, các nhà chính trị học
phương Tây thường sử dụng khái niệm “sự chán chường chính trị” (tiếng Ðức:
Politikverdrossenheit). Theo họ, “sự chán chường chính trị” rất gần gũi với “sự
khủng hoảng dân chủ” (tiếng Ðức: Demokratiekrise).
Khái niệm “chán chường chính
trị” được sử dụng từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng cuộc khủng hoảng dân
chủ ở phương Tây lại bắt đầu từ những năm 60. Một trong những tác giả đầu tiên
nghiên cứu hiện tượng này là ông Ernst Fraenkel. Sau khi nghiên cứu tiến trình
bầu cử Quốc hội CHLB Ðức năm 1965, trong một bài phân tích công bố năm 1966,
ông đưa ra khái niệm tạm dịch là “sự chán chường quốc hội” (tiếng Ðức:
Parlamentsverdrossenheit). E. Fraenkel sinh ở Ðức và hành nghề luật sư, năm
1933 ông di cư tới Anh, sau đó sang Mỹ và trở thành công dân Mỹ. Cuối 1945, ông
là một trong các cố vấn của Mỹ ở Hàn Quốc giúp nước này xây dựng hệ thống pháp
luật. Những năm 50 và 60, ông trở thành nhà chính trị học và giảng dạy ở CHLB
Ðức. Ông chủ yếu nghiên cứu bốn hệ thống chính trị là: nền Cộng hòa Weimar, nhà
nước Ðức quốc xã, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, CHLB Ðức. Năm 1999, toàn tập bài viết
của ông được xuất bản gồm bảy quyển…
Năm 1992, tổ chức chăm lo giữ
gìn và phát triển tiếng Ðức có tên viết tắt là GfdS, chọn khái niệm “sự chán
chường chính trị” là từ ngữ của năm. Và việc năm 1994, khái niệm này chính thức
được đưa vào từ điển tiếng Ðức lớn nhất ở khu vực sử dụng tiếng Ðức Duden, đã
cho thấy sự hệ trọng của vấn đề. Như vậy, một câu hỏi được đặt ra là: sự khủng
hoảng của nền dân chủ phương Tây thể hiện như thế nào và làm sao nhận biết
được? Nhiều công trình nghiên cứu của các nhà chính trị học và rất nhiều bài
báo trên các nhật báo, tạp chí danh tiếng trong khu vực sử dụng tiếng Ðức đã
tham gia trả lời. Thí dụ, ngày 27/12/2006, tạp chí danh tiếng Ngôi sao (Stern)
đăng bài Một chính phủ không có nhân dân, trong đó nhận định vết rạn nứt giữa
chính trị và người dân chưa bao giờ sâu thẳm như hiện nay; theo kết quả của
cuộc thăm dò dư luận công khai của Viện thăm dò dư luận Forsa thì 82% người dân
Ðức tin rằng, họ chẳng có quyền hành gì về chính trị, nhiều người nghi ngờ bầu
cử sẽ thay đổi một chút ít; và cũng theo kết quả thăm dò dư luận của Viện Fors,
82% người dân Ðức và tới 90% người dân Ðông Ðức tin rằng, các quyền lợi của
người dân không được chú ý tới…
Bàn về sự khủng hoảng dân
chủ, ngày 1/10/2010, Báo Frankfurter khái quát (Frankfurter Allgemeine Zeitung)
đăng bài Sự mất lòng tin của nhà báo Klaus-Dieter Frankenberg, trong đó có
đoạn: “Vết rạn nứt giữa người cai trị và người bị cai trị ngày càng lớn hơn, cụ
thể là với toàn bộ các vấn đề chính trị. Thực tế này có thể dẫn đến đâu, đã chỉ
rõ ở Hoa Kỳ. Ở đó, sự xung đột chính trị đã bị thoái hóa thành một mối thù lộ
rõ toàn bộ và mang nặng tính ý thức hệ. Chính trị bị căm thù, những nỗi oán hận
được tăng trưởng. Washington là từ đồng nghĩa cho những gì xấu xa… Rất nhiều cử
tri đã tự cách biệt, không muốn bị làm phiền”. Về hiện tượng này tại Cộng hòa
Áo, năm 2013, bà Tamara Ehs, nhà chính trị học làm việc ở Học viện khoa học và
nghệ thuật Viên, giảng dạy tại Trường ÐH tổng hợp Salzburg đăng trên Báo Thành
Viên (Wiener Zeitung) bài Lối thoát cho khủng hoảng dân chủ. Bà viết: “Hệ thống
chính trị của chúng ta đã mất tính chính trị. Ðiểm hứa trọng tâm của nền dân
chủ đại diện đã bị phá vỡ. Chúng ta không còn những phe đối kháng. Ði bầu cử
không còn ý nghĩa là thay đổi đường lối. Chúng ta thực sự không có một sự lựa
chọn nào, vì thực chất tất cả các đảng đều có một lời hứa như nhau và cuối cùng
đều hành động như nhau. Vì sự kinh tế hóa toàn bộ những phạm vi cuộc sống nên
các chính trị gia, và cả rất nhiều người trong chúng ta, đã mất đi niềm tin ở
tính khả thi trong xây dựng chính trị đối với xã hội…”.
Ở nhiều quốc gia châu Âu
khác, khủng hoảng dân chủ cũng lộ rõ không kém. Gert Scobels – nhà báo, nhà
triết học, cũng từng viết về hiện tượng này (có thể xem bài viết của ông trên
trang mạng Ðài truyền hình 3 Sat – đài truyền hình công cộng, hoàn toàn không
phát quảng cáo, do CHLB Ðức và CH Áo phối hợp sản xuất). Ông viết: “Cách đây
không lâu, một nhà khoa học hay chu du đã nói với tôi, khắp nơi ở châu Âu, thí
dụ ở Italia, Pháp và các nước khác, ông ta cảm nhận sự thụt lùi đáng kinh sợ
của nền dân chủ. Tuy vẫn cho bầu cử như từ trước đến nay. Nhưng bầu cử đã trở
thành một cuộc chiến truyền thông và nhân dân nằm yên thụ động một cách lạ lùng,
đôi khi thờ ơ một cách rõ ràng. Trong khi sự tham gia bầu cử giảm sút, thì
đường vào giáo dục ngày càng bị sự bất bình đẳng định đoạt. Tính minh bạch của
các tiến trình chính trị giảm đi, trong khi quyền lực của giới tinh hoa kinh tế
lại tăng mạnh. Nhà chính trị học và xã hội học người Anh là Colin Crouch đã làm
rõ tính đặc trưng của khái niệm “hậu dân chủ” (post-Democracy). Ông cho rằng,
bầu cử vẫn được tiến hành, dưới hình thức nào đó thì dân chủ vẫn được lưu giữ,
song những người vận động hành lang (Lobbys) thì định đoạt, trong khi nhân dân
ngày càng im lặng”.
Từ lâu, các nhà lãnh đạo ở
phương Tây đã nhận rõ sự khủng hoảng dân chủ và hứa sẽ làm hết mình để thay đổi
tình hình. Thí dụ, Tổng thống CHLB Ðức, ông Joachim Gauck, ngày 23/3/2012,
trong bài phát biểu tại lễ nhậm chức tuy không nhắc đến khái niệm “chán chường
chính trị” hay “khủng hoảng dân chủ” nhưng có đề cập và cho rằng, đây là nhiệm
vụ quan trọng, ông cương quyết hành động trong nhiệm kỳ của mình. Ông nói, hy
vọng, trong tương lai “sẽ có sự tiến lại gần giữa những người nắm quyền lực và
dân chúng”. Trong phạm vi toàn châu Âu, khi có cơ hội, các nhà lãnh đạo của EU
cũng có lời hứa tương tự. Theo bản tin của Thông tấn xã Ðức (DPA), ông
Jean-Claude Junker, cựu Thủ tướng Luxembourg, người mới làm Chủ tịch Ủy ban
châu Âu thay ông José Manuel Barosso, trong thời gian tranh cử của mùa hè 2014,
đã dành nhiều thời gian nói về vấn đề này. Nhưng quan sát tiến trình bầu cử
Quốc hội tiểu bang Saxony, một tiểu bang với bốn triệu dân, đứng thứ sáu về số
dân trong tổng số 16 tiểu bang của CHLB Ðức, vào ngày 31/8/2014 thì sự khủng
hoảng dân chủ vẫn tiếp diễn, như theo bản tin của DPA ngày 1/9/2014, thì chỉ có
49,02% số cử tri bỏ phiếu. Nhân dịp này, ngày 6/9/2014 Báo Frankfurt khái quát
đăng bài Hiện tại, tương lai của dân chủ – khủng hoảng? khủng hoảng!, trong đó
có đoạn: “Ở Ðức, ở tây và đặc biệt ở Ðông Âu, sự tham gia bầu cử giảm mạnh. Ở
Tây Âu, năm 1975, trung bình 82% số cử tri đi bỏ phiếu trong các cuộc bỏ phiếu
quốc gia, trong năm 2012 chỉ còn 72%. Ở Ðông Âu sự tụt lùi còn nghiêm trọng hơn
nhiều: từ 72% trong năm 1991 xuống còn 55% trong năm 2012… Vấn đề chính không
phải là sự không tham gia bỏ phiếu, mà là tiến trình chọn lọc về phương diện xã
hội kéo theo đó. Cách tính đơn giản nhưng đáng tin theo kinh nghiệm thì khi tỷ
lệ tham gia bỏ phiếu giảm sẽ tăng lên sự cách biệt xã hội. Các tầng lớp phía
dưới biến mất, tầng lớp trung lưu thì giữ nguyên. Nếu hỏi những người của tầng
lớp phía dưới, liệu việc bầu cử của họ, sự tham gia chính trị có gây ảnh hưởng
gì tới các quyết định chính trị, thì hơn hai phần ba số người được hỏi trả lời
một cách thất vọng là “không”. Nếu tiếp xúc với người dân của lớp trung lưu và
đặt cùng câu hỏi này thì hơn hai phần ba trả lời một cách tự tin là “có”… Những
gì đang lộ dần ra một cách đau đớn ở Liên hiệp châu Âu được cho là còn lớn hơn
trên phương diện toàn cầu. Sự thống trị bên ngoài nhà nước quốc gia không chỉ
khác đi và phức tạp hơn mà còn ít dân chủ hơn”.
Ðến nay, các nhà nghiên cứu
vẫn tranh luận về nguyên nhân của khủng hoảng của “nền dân chủ phương Tây”.
Theo họ, một trong các nguyên nhân là sự nghèo khổ của người dân, là khoảng
cách rất lớn giữa người giàu và người nghèo; người nghèo ngày càng nghèo đi,
người giàu ngày càng giàu thêm. Các năm qua, số người sống nghèo khổ tăng nhiều
ở các nước phương Tây, đặc biệt ở Hy Lạp. Theo thống kê của các tổ chức xã hội,
trong khu vực EU, cứ bốn người thì có một người sống trong nghèo khổ. Ðiều này
cho thấy, dù không phủ nhận trên thực tế nhiều tinh hoa, giá trị quý báu của
loài người đã ra đời từ các nước phương Tây, được nhiều nước, trong đó có Việt
Nam, đã và đang tiếp nhận để xây dựng đất nước; thì cũng nên nhận thức rằng
“nền dân chủ phương Tây” không phải là mô hình phổ quát để từ đó hô hào, cổ vũ
một thứ dân chủ ngoại lai, nhân danh dân chủ để tuyên truyền các ý kiến đi
ngược, thậm chí là ngăn cản và chống lại sự phát triển của dân tộc.
Nhận xét
Đăng nhận xét