Ngày 27/3, cả cộng đồng mạng xôn xao trước câu chuyện về cậu bé đạp xe không phanh, vượt hơn 100 km từ Sơn La xuống Hà Nội để thăm em.
Đầu đuôi câu chuyện vốn dĩ thế này. Trưa 25/3, Chiến được ông nội cho 10 nghìn đồng, em lập tức đạp xe từ Sơn La để xuống Hà Nội thăm em trai bị ốm nặng. Được biết chiếc xe đạp là của một người bác cho cậu bé cách đây 2 năm và đã bị đứt phanh từ lâu. Vì vậy, khi đổ dốc đôi lúc cậu phải dùng chân hãm, khiến đôi dép mòn đến thủng lỗ, bàn chân bị xước xát. Một số đoạn quá dốc cậu xuống đi bộ. Khi mệt mỏi, thậm chí Chiến đã phải ngủ ở ống cống.
Đạp xe khoảng 100 km trong 5 tiếng đồng hồ, đến địa phận tỉnh Hòa Bình, Chiến bị xỉu. Một tài xế xe khách trông thấy đã chở cả cậu và chiếc xe đến bến xe Mỹ Đình, Hà Nội lúc 11 giờ đêm. Anh Vì Văn Nam (30 tuổi, bố của Chiến) nhận được tin đã tới đón con về bệnh viện.
Hầu hết cư dân mạng đều thán phục trước tinh thần và nghị lực của Chiến. Tôi cũng vậy, Chiến rất nghị lực, đáng khâm phục, nhưng tôi sẽ không ủng hộ mà là phản đối. Và cái cách cộng đồng mạng và người lớn đang làm, nó là không đúng.
Một hành động thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực hết mình - hướng đến điều tốt đẹp - nó cần được trân trọng. Một cậu bé 13 tuổi, nhớ mẹ thương em, quyết tâm đạp xe từ Sơn La xuống Hà Nội để thăm mẹ và em - mục đích rất tốt, nhưng phương thức hành động sai lầm, vậy thì nó vẫn là sai lầm, là không đúng.
Chiến còn nhỏ, mới 13 tuổi, em bồng bột và cảm tính - điều này dễ hiểu và thông cảm được. Chúng ta trân trọng hành động này của Chiến, nhưng không nên khuyến khích ủng hộ và cổ vũ nó. Vì nếu như thế này, nó rất dễ tạo thành tiền lệ xấu, đã có tiền lệ xấu thì dễ tạo nên hệ lụy vì người ta (đặc biệt là trẻ con) rất dễ học theo.
Dù hoạt bát, lanh lợi, nhưng Chiến bị mắc một căn bệnh bẩm sinh, khiến cậu dễ bị ngất xỉu và đôi lúc không được tỉnh táo. Giờ ta đặt ra tình huống giả định như sau ví dụ: Chiến đang đi xe xuống dốc thì mất kiểm soát không thể phanh. Giả sử như đang trên đường gặp ô tô mà cậu bị ngất xỉu, hoặc giả như cậu bé bị lạc đường chỗ vắng rồi đói và ngất ... Và giả sử như có chuyện không may xảy đến, ai sẽ là người thương tâm. Dạ thưa, đó là ông nội cậu bé sẽ đau lòng áy náy vì quản cháu không nghiêm, cha mẹ cậu bé sẽ đau lòng xót xa vì gia cảnh và thương tâm... Và kể cả là cậu bé có thể đến đích, vậy sẽ giải quyết được gì. Có phải tạo thêm gánh nặng cho bố mẹ đang chăm sóc em bé ở Hà Nội, rồi tốn thêm mấy cái vé xe khách và công sức để đưa con mình trở lại Sơn La không?
Vậy đấy, con người ta đôi lúc hơi cảm tính, cứ thích gì là hành động bồng bột, bất chấp hậu quả. Hành động của Chiến, mục đích tốt nhưng nó là bồng bột và dại dột, không đúng cách. Chúng ta thông cảm được chuyện này, trân trọng sự thiện lương và nghị lực của Chiến - song tuyệt đối không nên tung hô, cổ vũ Chiến mà ngược lại, cần nghiêm khắc cảnh báo để tránh tạo thành hệ lụy xấu.
Các bạn ạ! Chúng ta đừng nên quá cảm tính và để ý đến cốt lõi vấn đề, nhìn sự vật hiện tượng cần có cái nhìn đa chiều, tốt - xấu, đúng - sai, cân nhắc nặng - nhẹ đủ cả. Nghị lực là tốt, gia cảnh nghèo khó cần cảm thông, nhưng chớ quá cảm tính.
Năm 2012, Ngô Văn Thuận ở xóm 8, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) đạp xe hơn 300 km ra Hà Nội thi đại học đã làm xôn xao dư luận. Đặc biệt, khi biết gia cảnh khó khăn của cậu, nhiều tấm lòng hảo tâm khắp nơi gửi thư, quà về động viên khích lệ, đặc biệt, điều đó rất tốt. Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao Thuận được đặc cách vào trường Sĩ quan Tăng - Thiết Giáp. Điều này sẽ tạo thành tiền lệ rất xấu.
Được biết, vào học được ít ngày, Thuận phải vào khoa Thần kinh Bệnh viện Quân y 103 để điều trị về chứng bệnh thần kinh của mình. Nghe xót xa không?
Năm 2017, cậu bé Lê Hữu Tuấn Anh (sinh năm 2005) đã đạp xe từ Thanh Hóa vào Nghệ An với quãng đường 250 km để đi thăm họ hàng. Đáng tiếc, cậu bé đã bị lạc đường và có lúc ăn bờ ngủ bụi, may mắn Tuấn Anh đã gặp được nhà hảo tâm giúp đỡ.
Các bạn thấy đó, yêu mẹ thương em là trân trọng, nhiệt tâm là tốt, nghị lực càng tốt hơn - nhưng luôn cần hành động tốt. Trẻ em cần phải được giáo dục, rằng: Phải biết suy nghĩ để lường trước hậu quả, cần chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Nên nhớ, nhiệt huyết hành vi phải đi đôi với năng lực. Năng lực không đủ nhưng mục đích cao xa, càng quyết tâm sẽ càng chuốc lấy đau khổ.
Có những đam mê chỉ nên dừng lại ở sở thích, một người chỉ thành công khi biết khai thác thế mạnh của mình. Đừng cố chấp theo đuổi đam mê. Tỷ phú Mark Cuban từng có nói: "Theo đuổi đam mê là một trong những lời khuyên dối trá nhất trên đời". - Và cá nhân tôi, hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Năng lực không đủ càng cố chấp, càng nghị lực thì lại càng dễ chuốc khổ đau, nhiều khi người ta gọi đó là mù quáng. Việc của chúng ta, cần nhất đó là phải kiểm soát được cuộc sống và có năng lực chịu trách nhiệm trước hành vi.
Lý tưởng cao cả, nhưng một khi năng lực không đủ, vậy thì càng nỗ lực càng quyết tâm theo đuổi đến cùng thì đó là sai. Như trong tiên hiệp, hay có những gã điên chấp niệm yêu đơn phương 1 người con gái trong vô vọng suốt ngàn năm vạn kiếp, đó là mù quáng. Chỉ có điều, thứ mù quáng này lại được rất nhiều bạn trẻ cảm tính tung hô.
Chúng ta, cần hạn chế cảm tính!
Nhận xét
Đăng nhận xét