Có ý kiến cho rằng: quân đội nên “trung lập”, không tham gia vào chính trị.
Thực ra, quân đội nào cũng mang bản chất giai cấp, phục vụ lợi ích của giai cấp đã tổ chức và nuôi dưỡng nó, không có quân đội nào là “trung lập”, hay “đứng ngoài chính trị”.
Trong lịch sử nhân loại, sự xuất hiện của chế độ tư hữu, giai cấp và đấu tranh giai cấp đã làm nẩy sinh nhà nước. Giai cấp thống trị không chỉ tổ chức ra nhà nước mà còn có quân đội, cảnh sát, nhà tù… là các công cụ bạo lực để trấn áp các lực lượng đối lập, duy trì trật tự xã hội, bảo vệ lợi ích và địa vị của giai cấp mình. Vì thế, các kiểu quân đội của giai cấp bóc lột thống trị xã hội đều thực hiện 2 chức năng cơ bản: về đối nội là trấn áp cuộc đấu tranh của nhân dân lao động, bảo vệ địa vị, lợi ích của giai cấp thống trị bóc lột; về đối ngoại, chúng xâm lược, can thiệp quân sự, cướp bóc, nô dịch các quốc gia, dân tộc khác. Trong trường hợp phải tự vệ, chúng cũng đặt lên hàng đầu lợi ích của giai cấp thống trị bóc lột, sẵn sàng hy sinh lợi ích quốc gia, dân tộc.
Quân đội của giai cấp công nhân do Đảng Cộng sản và Nhà nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) tổ chức ra. Quân đội các nước XHCN cũng có 2 chức năng cơ bản: về đối nội là trấn áp bọn phản động, bảo vệ Đảng Cộng sản, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ nhân dân; về đối ngoại, quân đội chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, chống chiến tranh xâm lược, sẵn sàng làm nghĩa vụ quốc tế, gìn giữ hòa bình.
Thực tế lịch sử cho thấy: từ những đội quân đầu tiên trong xã hội chiếm hữu nô lệ ở Hy Lạp, La Mã cổ đại luôn là công cụ bạo lực hữu hiệu của giai cấp chủ nô. Trong xã hội phong kiến, kể cả ở phương Đông và phương Tây, quân đội các nước đều là quân đội của giai cấp phong kiến, của nhà vua. Ở các nước tư bản chủ nghĩa, dù có nhiều đảng hay một đảng, quân đội đều là công cụ bạo lực của giai cấp tư sản thống trị. Nếu quân đội tuyên bố “trung lập”, quân đội sẽ không ủng hộ chính phủ hiện hành mà đi theo phe đối lập, hoặc tiến hành đảo chính quân sự và lực lượng quân đội không bao giờ đứng ngoài chính trị. Ở Thái Lan, từ khi thiết lập chế độ quân chủ lập hiến (năm 1932) đến nay đã có 19 lần đảo chính quân sự. Bài học xương máu của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu trước đây khi từ bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với quân đội, quân đội mất phương hướng, bị vô hiệu hóa, rơi vào tay lực lượng chính trị đối lập. Năm 1987 - 1989, gần 50% cán bộ chiến lược và 30% tướng lĩnh quân đội Liên Xô phải ra quân. Ngày 23/8/1991, Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng sản Liên Xô. Ngày 29/8/1991 Gooc-ba-chốp ra lệnh giải tán các cơ quan chính trị và sau đó chấm dứt mọi hoạt động của Đảng trong Quân đội, quân đội bị vô hiệu hóa. Đó là một trong những nguyên nhân cơ bản, trực tiếp dẫn đến sự tan rã và sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô.
Ở nước ta, do yêu cầu của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức ra Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngay từ đầu, đó là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, là “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”, lấy tuyên truyền làm chính. Từ đó đến nay, sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội luôn là nhân tố hàng đầu bảo đảm cho việc củng cố, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của quân đội, quyết định nguyên tắc tổ chức và hoạt động của quân đội, quyết định mục tiêu lý tưởng chiến đấu của quân đội là vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Quân đội trung thành và bảo vệ lợi ích của Đảng cũng là trung thành và bảo vệ lợi ích căn bản của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động của cả dân tộc Việt Nam.
Từ khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đến nay, Quân đội ta là công cụ bạo lực của Nhà nước, do Nhà nước quản lý, điều hành. Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Quân đội là công cụ bạo lực của Nhà nước thực chất cũng chính là công cụ bạo lực của Nhân dân, là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, Tổ quốc và Nhân dân; quân đội bảo vệ Nhà nước xét đến cùng cũng chính là bảo vệ Nhân dân, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng.
Nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, sự đùm bọc, chở che của nhân dân mà quân đội ta luôn trưởng thành, lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm được giao. Quân đội luôn nhận rõ kẻ thù, xác định đúng đối tượng, đối tác của cách mạng; đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân, đã tạo nên sức mạnh to lớn để chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” luôn tỏa sáng.
Thực tế hiện nay, có một số người lợi dụng những hạn chế, khuyết điểm, hiện tượng vi phạm pháp luật, kỷ luật của một số cán bộ, sĩ quan để xuyên tạc bản chất, hạ thấp uy tín của quân đội; đòi quân đội “trung lập”, “đứng ngoài chính trị”… Họ không muốn quân đội tham gia vào chính trị là để vô hiệu hóa lực lượng vũ trang, thực hiện mưu đồ tổ chức lực lượng vũ trang phản động, tiến hành bạo loạn lật đổ, thay đổi chế độ ở nước ta.
Nhận xét
Đăng nhận xét