ANTD.VN - Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) lại một lần nữa bất chấp thực tế khách quan, tiếp tục đưa những thông tin và nhận định xuyên tạc cũ rích và hoàn toàn sai lệch về tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam.
Hàng nghìn đại biểu quốc tế, trong đó có nhiều vị lãnh đạo quốc gia và các tổ chức tôn giáo quốc tế tham dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2019 tại Việt Nam
Trong báo cáo thường niên năm 2019 của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) công bố mới đây có đưa ra nhận định rằng “tình hình vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam tiếp tục “có khuynh hướng tiêu cực” và “tình trạng chung của các nhóm tôn giáo ở Việt Nam” đã xấu đi trong năm 2018” (?!). Những đánh giá tiêu cực này của USCIRF không làm mấy ai ngạc nhiên bởi đó là những luận điệu cũ rích, hoàn toàn phiến diện, sai lệch về vấn đề về tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam mà họ luôn đưa ra trong các báo cáo thường niên nhiều năm qua.
Có chăng, cũng để ra vẻ khách quan, trong báo cáo năm 2019 này, USCIRF còn ra vẻ ghi nhận những điều mà họ cho là “thành tựu và tiến triển trong công tác bảo đảm và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam”, song bao trùm trong đó vẫn là những thông tin hoàn toàn sai lệch và xuyên tạc về vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
Cũng không khó để thấy vì sao mà USCIRF cứ mãi lặp đi lặp lại luận điệu xuyên tạc cũ rích về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam. Rất nhiều năm qua và năm nay cũng vậy, USCIRF luôn chủ yếu lấy “chất liệu” cho bản phúc trình thường niên từ một số nghị sĩ cực đoan Mỹ, những cá nhân bất mãn, chống đối trong nước và nhất là các tổ chức phản động lưu vong, tổ chức phi chính phủ quốc tế thường lợi dụng dân chủ, nhân quyền chống phá nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Từ những thông tin bị bóp méo, xuyên tạc, hoàn toàn sai lệch về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam ấy, USCIRF đã “nhào nặn”, thêm thắt những đánh giá nặng định kiến chủ quan của họ để đưa ra những phán xét sai lệch, ảm đảm về bức tranh tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Rõ ràng, họ đã cố tình “mũ ni che tai”, bất chấp những nỗ lực không ngừng và thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong việc đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.
Tuy nhiên, dù bóp méo và xuyên tạc đến đâu, những luận điệu của USCIRF cũng không thể phủ nhận được thực tế sống động về tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam, điều mà bất cứ ai đến đất nước ta hay có cái nhìn khách quan đều có thể thấy rõ như ban ngày. Việt Nam là một quốc gia đa tín ngưỡng, đa tôn giáo, trong đó có 6 tôn giáo lớn, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Cao Đài, Hòa Hảo. Hàng năm, ở Việt Nam có khoảng 8.500 lễ hội tôn giáo hoặc tín ngưỡng từ cấp quốc gia đến địa phương được diễn ra, các tín đồ tôn giáo tự do thực hiện các nghi lễ tôn giáo, bày tỏ và thực hành đức tin tôn giáo của mình.
Cùng với đó, khoảng 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng với trên 24,3 triệu người là tín đồ của các tôn giáo khác nhau, chiếm 27% dân số; gần 53 nghìn chức sắc, 134 nghìn chức việc, 28 nghìn cơ sở thờ tự… Những năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt việc thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Những con số cùng cuộc sống sống động đã khiến không ai có thể bác bỏ thực tiễn sống động của tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam. Không ai có thể cố tính xuyên tạc, lập lờ đánh lận những trường hợp vi phạm pháp luật với việc đảm đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
Việt Nam luôn tôn trọng và nỗ lực tối đa để đảm bảo quyền tự to tín ngưỡng, tôn giáo cũng như quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của mọi công dân. Song không phải vì thế mà không phê phán những ai lợi dụng điều này để có những hành động vi phạm luật pháp, đi ngược lợi ích của đất nước và nhân dân. Bất kỳ ai nếu vi phạm pháp luật, dù với bất kỳ lý do, “chiêu bài” gì đều sẽ bị xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật.
Sự thành công rất tốt đẹp của Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2019 với sự tham dự của hàng nghìn đại biểu quốc tế thuộc 570 phái đoàn quốc tế đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, cùng hơn 20 đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam vào giữa tháng 5-2019 là minh chứng cho thành tựu tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam, nơi mọi tôn giáo và công dân đều có đầy đủ quyền tự theo Hiến pháp và pháp luật.
Nguồn: anninhthudo.vn
Nhận xét
Đăng nhận xét