Năm tác phẩm của Hồ Chí Minh nằm trong danh mục 30 bảo vật quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt và công nhận năm 2012.
Đường Kách mệnh tập hợp những bài giảng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại lớp Huấn luyện chính trị ở Quảng Châu (Trung Quốc) trong những năm 1925 - 1927, do Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông ấn hành và bí mật chuyển về trong nước theo nhiều ngả đường khác nhau.
Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong thời gian bị giam giữ tại nhà tù tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc từ tháng 8/1942 đến 9/1943 với 133 bài thơ chữ Hán. Tác phẩm giúp chúng ta hình dung được thế giới tâm hồn nhiều cung bậc của Người, thấy được tầm vóc trí tuệ của một con người vĩ đại, tinh thần tu dưỡng đạo đức, nghị lực sống phi thường trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) và Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước (17/7/1966) như một thông điệp lịch sử, lời hịch của non sông đất nước cổ vũ tinh thần yêu nước của toàn dân đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược. Đây là những văn kiện mang tính cương lĩnh quân sự có giá trị lịch sử trong mọi thời đại, thể hiện ý thức sâu sắc giá trị của độc lập dân tộc và niềm tin vững bền về con đường cách mạng mà toàn Đảng, toàn dân ta đã lựa chọn: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi thảo vào năm 1965 và qua những lần chỉnh sửa, bổ sung, viết lại đã hoàn thành vào năm 1969. Chỉ 1000 chữ thôi nhưng tập đại thành này có thể được coi là áng thiên cổ hùng văn, thông điệp thiêng liêng của đất nước, đồng thời còn là văn kiện chính trị vô giá của một trí tuệ cao cả và tấm lòng nhân văn sâu sắc.
5 tác phẩm nói trên mãi mãi là quốc bảo của dân tộc, mang giá trị trường tồn với thời gian. 50 năm qua, toàn đảng, toàn dân, toàn quân đã thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, uy tín và vị thế quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao.
Nhận xét
Đăng nhận xét