BẢO VỆ LÂU DÀI THI HÀI CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH - TÌNH CẢM, NGUYỆN VỌNG CỦA TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN TA VÀ BẠN BÈ QUỐC TẾ
Việc Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị giao cho Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, mãi mãi thi hài Bác là niềm vinh dự, trọng trách và cũng là nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó" - "việc thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, mãi mãi thi hài Bác; tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là tại Khu Di tích K9 nơi Bác từng làm việc và là nơi giữ gìn thi hài Bác trong những năm chiến tranh, mang lại một ý nghĩa sâu sắc, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; đồng thời góp phần củng cố và giữ vững niềm tin của cán bộ, Đảng viên và nhân dân. Đây chính là cách tuyên truyền tốt nhất về tinh thần, tư tưởng và sự nghiệp vĩ đại của Bác Hồ kính yêu" - THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC (phát biểu tại buổi làm việc với Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 2017).
Kể từ khi Bác qua đời đến nay đã có 6 lần thi hài của Người được di chuyển để đáp ứng yêu cầu đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, ngày 29/11/1969, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng Quyết nghị: Với tấm lòng kinh yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ gìn giữ lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người”.
9h47 ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trút hơi thở cuối cùng. Theo kế hoạch, thi hài Bác được chuyển về Quân y Viện 108 để đồng chí trong Tổ y tế đặc biệt và các chuyên gia Liên Xô tiến hành việc bảo quản thi hài Bác. Sau Lễ Quốc tang, thi hài của Người được giữ gìn tại Công trình 75A.
Khi đó, ta cũng quyết định xây dựng thêm một công trình khác như 75A nhưng ở xa Hà Nội, bí mật, yên tĩnh, đi lại thuận tiện để khi cần sẽ di chuyển thi hài Bác tới đó giữ gìn bảo đảm tuyệt đối an toàn. Và K9 (Ba Vì, Hà Nội) là nơi được lựa chọn. Tháng 12/1969, công trình K9 hoàn thành và được đổi tên thành K84 để giữ bí mật.
Việc di chuyển thi hài Bác được cân nhắc rất cẩn trọng. Sau khi bàn bạc, chúng ta chọn phương án di chuyển thi hài bằng đường bộ.
Hành trình 6 lần di chuyển
Trong 6 năm kể từ khi Người qua đời, thi hài của Người được di chuyển tổng cộng 6 lần do nhiều nguyên nhân, điều kiện khác nhau.
Đêm 23/12/1969 là lần di chuyển đầu tiên. Khi ấy, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định di chuyền thi hài Bác từ 75A lên K84. Sau hơn bốn giờ hành quân, thi hài Bác đã đến K84 an toàn.
Sau đó, Bộ Tổng Tham mưu quyết định thành lập Đoàn 69 trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu, có nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc giữ gìn thi hài Bác.
Lần thứ hai, rạng sáng 21/11/1970, trước cuộc tập kích bất ngờ của lính Mỹ bằng đường không vào một trại giam ở TX Sơn Tây, Bộ Chính trị và Quân uỷ T.Ư đã quyết định di chuyển thi hài Bác về công trình 75A ở Hà Nội để đảm bảo an toàn. Đêm 3/12, đoàn xe rời căn cứ K84 và về đến Công trình 75A vào 3h sáng 4/12.
Mùa thu năm 1971, miền Bắc xảy ra những trận mưa lớn dữ dội, Hà Nội có nguy cơ ngập lụt nên quyết định di chuyển thi hài Bác lần thứ ba được đưa ra. Di chuyển thi hài từ công trình 75A lên K84. Cuộc di chuyển lần này diễn ra vào ban ngày, sau 6 giờ hành quân, thi hài của Bác được đưa đến địa điểm an toàn.
Lần thứ tư, tháng 3/1972, Mỹ tiến hành leo thang đánh phá trở lại miền Bắc, nhất là Thủ đô Hà Nội. Vì K84 nằm trên đường bay của không quân Mỹ nên Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đã quyết định di chuyển thi hài Bác từ K84 đến địa điểm mới H21.
21h ngày 11/7/1972, đoàn xe chở thi hài Bác rời K84 và đến H21 lúc 0h15 ngày 12/7.
Nửa năm sau đó, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định đưa thi hài Bác về K84.
Và lần di chuyển cuối cùng được thực hiện khi Lăng Bác được xây dựng và hoàn thành. Ngày 26/5/1975, Đoàn 69 nhận được lệnh chuẩn bị mọi mặt để đón thi hài Bác về Lăng. Đúng 16h ngày 18/7, đoàn xe đặc biệt chở thi hài Bác được lệnh xuất phát, đưa thi hài Bác về tới Quảng trường Ba Đình.
Nhiệm vụ thiêng liêng và trọng trách lớn lao đó được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao cho Quân đội mà trực tiếp là Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân uỷ Trung ương Bộ Quốc phòng, lớp lớp cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của đơn vị nối tiếp nhau đoàn kết một lòng,vượt qua mọi khó khăn, nêu cao ý chí độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, với một ý thức trách nhiệm cao vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Thành công lớn nhất và xuyên suốt 50 năm qua đó là: Dù bất kì trong điều kiện, hoàn cảnh nào nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chính Minh luôn hoàn thành xuất sắc. Đội ngũ cán bộ, các y, bác sĩ đã phát huy cao độ ý thức độc lập tự chủ, tự lực tự cường, tích cực học tập, nghiên cứu, từng bước vươn lên làm chủ vững chắc, tiến tới làm chủ hoàn toàn công nghệ giữ gìn thi hài Bác.
Do điều kiện chiến tranh, sau thời gian chuẩn bị kỹ về thiết kế và đàm phán với Đảng, Nhà nước Liên Xô, ngày 29/5/1973, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng, quá trình xây dựng, thi công lắp đặt hệ thống thiết bị kĩ thuật, cùng với các chuyên gia Liên Xô, các công nhân Việt Nam nhất là lực lượng trong quân đội đã trực tiếp tham gia, đây là điều kiện quan trọng vì sau khi Lăng khánh thành, chính các cán bộ được lựa chọn ở lại vận hành các thiết bị bảo đảm cho nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác, tổ chức thăm và bảo quan công trình.
Cùng với sự hướng dẫn của các chuyên gia Liên Xô (cũ), đội ngũ cán bộ, công nhân của đơn vị đã tích cực nghiên cứu, học tập tiếp cận làm chủ công tác quản lí, vận hành các thiết bị kĩ thuật, đồng thời từng bước khắc phục sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, nhất là những thiết bị quý hiếm, đặc chủng để đảm bảo thông số môi trường theo quy định không để ra xảy ra sai sót.
Đặc biệt, sau năm 1991, khi Liên Xô cũ tan rã, các cán bộ, chuyên gia vận hành kĩ thuật rút hết về nước, nhưng đội ngũ, cán bộ, công nhân kĩ thuật của Việt Nam đã thay thế vững chắc, thực hiện hiện giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm, tăng cường công tác kiểm tra, bảo dưỡng nâng cấp hệ thống thiết bị, đồng thời chủ động nghiên cứu, cải thiệt kĩ thuật, tham mưu để xuất từng bước thay thế hệ thống thiết bị đã cũ, đã hết hạn sử dụng.
Từ năm 1975 đến nay, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã đón tiếp và phục vụ chu đáo, an toàn 57 triệu lượt người, trong đó có trên 9 triệu lượt khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phục vụ hơn 2.500 đoàn tổ chức sinh hoạt chính trị tại Lăng, tổ chức đón tiếp gần 1.000 đoàn Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng về Lăng viếng Bác.
Tại Khu di tích K9, từ năm 1998 đến nay đã đón tiếp phục vụ an toàn hơn 40 nghìn đoàn với trên 3 triệu lượt khách đến tưởng niệm Bác Hồ và tham quan Khu Di tích. Từ 19/5/2007, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị đã tổ chức đón thêm khách quốc tế và tham quan Khu di tích K9.
Từ năm 2012, thực hiện Đề án 2341 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Nghị quyết 122 của Thường vụ Quân uỷ Trung ương về “lãnh đạo nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hoá của công trình Lăng trong giai đoạn mới”.
Bên cạnh công tác nghiên cứu, hợp tác làm chủ về lĩnh vực y tế, đơn vị đã phối hợp với các nhà khoa học tiến hành thay thế hệ thống thiết bị kĩ thuật công trình Lăng theo hướng đồng bộ, hiện đại, tiết kiệm năng lượng phục vụ tốt hơn cho nhiệm vụ chính trị đặc biệt và các sinh hoạt chính trị diễn ra tại Lăng Bác như: hệ thống điều hoà trung tâm, hệ thống điều khiển tự động, hệ thống chiếu sáng…
Nhận xét
Đăng nhận xét