Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Đây không phải là lần đầu tiên cơ chế kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền được đề cập nhưng việc ban hành riêng một Quy định về vấn đề này trong bối cảnh các cấp ủy Đảng đang chuẩn bị nhân sự cho Đại hội các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã cho thấy những bước đi bài bản, quyết liệt và cứng rắn của Trung ương trong việc ngăn chặn, đẩy lùi các vi phạm trong công tác cán bộ.
Ngay từ buổi đầu thành lập và gánh trên vai sứ mệnh, trọng trách của một Đảng cầm quyền, công tác cán bộ luôn được Đảng ta xác định là “cái gốc của mọi việc, muôn việc thành hay bại đều do cán bộ”. Dù vậy, trong thời gian qua, tình trạng lạm dụng, tham nhũng, thao túng quyền lực trong công tác cán bộ cũng đã xuất hiện, biểu hiện ngày càng tinh vi và gây ra những hệ lụy phức tạp, lâu dài cho đất nước. Quy trình bổ nhiệm cán bộ dù ngày càng được hoàn thiện nhưng vẫn có, thậm chí là có nhiều cán bộ vi phạm pháp luật, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để thực hiện các hành vi sai trái, tham ô, tham nhũng, “chống lưng” cho các cá nhân, tổ chức “làm mưa làm gió” trong lĩnh vực thuộc quyền quản lý của mình… Nguyên nhân khiến những cán bộ không đủ tiêu chuẩn cả về năng lực, phẩm hạnh đạo đức, uy tín vẫn “lọt” được vào các vị trí chủ chốt của các cơ quan nhà nước như thế cũng đã được nhận diện và chỉ rõ, chính là bởi cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ vẫn chưa đủ, còn nhiều lỗ hổng.
Vì thế, Quy định 205 có thể nói là cụ thể hóa rõ ràng nhất cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ từ bên trong của Đảng cho đến thời điểm này.
Nhiều giải pháp quyết liệt, cụ thể đã được đưa vào Quy định 205, đặc biệt là việc đề cao và nêu rõ chế tài xử lý trách nhiệm cá nhân của các chủ thể liên quan trong toàn bộ quy trình cán bộ. Với thành viên cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị, Quy định yêu cầu phải “thể hiện rõ chính kiến và chịu trách nhiệm về ý kiến của mình”, phải “chịu trách nhiệm cá nhân trong việc đề xuất nhân sự và trong việc nhận xét, đánh giá, xác nhận hồ sơ, lý lịch, các giấy tờ có liên quan của nhân sự thuộc thẩm quyền phụ trách” đồng thời phải “chịu trách nhiệm liên đới đối với từng quyết định không đúng về công tác cán bộ của tập thể lãnh đạo”.
Với người đứng đầu Cấp ủy, tổ chức Đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị “không được có biểu hiện vận động, tranh thủ, dẫn dắt, thao túng, áp đặt ý kiến chủ quan, tác động, gây nhiễu thông tin, gây sức ép để người khác nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu, quyết định nhân sự theo ý mình”; phải “chịu trách nhiệm về kết luận của mình khi chủ trì hội nghị về công tác cán bộ”...
Ngay với cán bộ tham mưu, đề xuất - hiện hầu như chẳng phải chịu trách nhiệm gì nếu công tác cán bộ xảy ra sai sót, vi phạm - thì lần này, Trung ương cũng yêu cầu phải “chịu trách nhiệm về đề xuất của mình và tính chính xác, kịp thời của hồ sơ nhân sự”, phải “kịp thời phát hiện, báo cáo bằng văn bản với cấp có thẩm quyền những dấu hiệu tiêu cực, sai phạm trong công tác cán bộ ở địa bàn, lĩnh vực được phân công theo dõi và kiến nghị việc xử lý”...
Về cơ chế xử lý trách nhiệm với các vi phạm về công tác cán bộ, bên cạnh việc xử lý theo quy định hiện hành, theo Quy định, cán bộ đang công tác còn bị áp dụng các biện pháp rất cụ thể và nghiêm khắc như: Đình chỉ công tác, chức vụ; không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra”...
Không chỉ “siết trách nhiệm” trong công tác cán bộ nói chung, Quy định 205 còn tập trung vào nội dung có thể nói là gây bức xúc nhất trong dư luận xã hội vừa qua, đó là chạy chức, chạy quyền, trong đó, dành riêng một điều quy định cụ thể về xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Trung ương cũng nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính những hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ hoặc các hành vi vi phạm khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Có thể ví Quy định 205 như “thanh kiếm sắc” không chỉ rõ ràng, minh bạch và nghiêm khắc khi xử lý các vi phạm trong công tác cán bộ mà còn thiết lập một cơ chế phòng ngừa đủ mạnh mẽ để những cá nhân, tập thể có nhiệm vụ và quyền lực trong công tác cán bộ không dám vi phạm. Một cơ chế kiểm soát quyền lực từ bên trong như vậy sẽ củng cố và nhân lên niềm tin của không chỉ đội ngũ cán bộ, đảng viên chân chính đang thực sự là những công bộc của nhân dân mà còn là niềm tin mà nhân dân trao gửi đối với Đảng!
Nhận xét
Đăng nhận xét