Nhân vụ thảm hoạ 39 người chết trong xe tải đông lạnh ở Anh, cư dân mạng lại sốt lên xình xịch về chủ đề “tại sao người Việt bỏ nước ra đi nhiều đến thế thế?”.
Có người cho rằng người Việt ra đi là “vì khủng hoảng niềm tin”, có người thì cho là vì “tị nạn: tị nạn giáo dục, tị nạn ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, tị nạn thực phẩm bẩn”, có người thì cho là vì “lý do kinh tế, việc làm, thương mại”, “tị nạn để mưu cầu hạnh phúc”.... Nhiều người đã đưa ra câu hỏi “làm cách nào để người Việt không phải bỏ nước ra đi?”.
Nhiều người đưa ra con số 2.5 triệu người Việt đã di dân trong 25 năm qua (từ năm 1990-2015). Rất nhiều người đã sửng sốt về con số 2.5 triệu đó. Có người còn cho rằng người Việt là dân tộc di dân (rời đất nước ra đi) nhiều nhất thế giới trong mấy chục năm qua (Lưu ý rằng con số 2.5 triệu là con số di dân chứ không phải rời bỏ Việt Nam hẳn, bởi đa số lao động xuất khẩu, du học là đi mấy năm rồi lại về).
Thế nhưng theo báo cáo của tổ chức di dân quốc tế (IOM) của Liên hiệp quốc thì những nhận định trên không đúng. Vấn đề di dân quốc tế đang là xu thế của cả thế giới trong mấy thập niên gần đây. Xu thế toàn cầu hoá, sự cởi mở của nhiều quốc gia về visa lao động, về quốc tịch, sự phát triển của giao thông, sự phát triển của Internet, sự thiếu hụt nguồn lực lao động, xung đột sắc tộc, bất ổn chính trị... chính là những nguyên nhân gia tăng di dân quốc tế.
Theo báo cáo của IOM mới nhất, năm 2018, Việt Nam không thuộc top 25 quốc gia có số di dân quốc tế nhiều nhất.
Trong số các nước nghèo, thì những nước di dân nhiều nhất là Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Afghanistan, Philippines, Indonesia, Ai Cập, Romania, Ukraine, Syria... Số di dân quốc tế của Việt Nam còn thấp hơn các nước có thu nhập khá như Trung Quốc, Nga, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Columbia và thấp hơn một số nước giàu có như Anh, Đức, Italy, Ba Lan, Pháp, Bồ Đào Nha, thậm chí là cả Mỹ.
Ngay trong châu Á thì số di dân của Việt Nam cũng không thuộc top 20, không những thấp hơn Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Afghanistan, Philippines, Indonesia, Syria, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ mà còn thấp hơn cả Myanmar, Uzbekistan, Iran, Malaysia, Hàn Quốc.
Nhìn vào số liệu di dân của những nước giàu có như Anh, Đức, Italy, Ba Lan, Pháp, Bồ Đào Nha, Mỹ, Hàn Quốc thì chúng ta sẽ thấy câu hỏi “làm cách nào để người Việt không dời quê hương” là không có lời giải, thậm chí di dân hợp pháp còn là tốt, có lợi cho phát triển kinh tế, đúng xu thế của thời đại.
Đến giàu có như Anh, Đức, Pháp, Italy, Bồ Đào Nha, Ba Lan người ta vẫn di cư đến các quốc gia khác. Ba Lan là quốc gia Đông Âu có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất châu Âu, giàu có gấp 6 lần Việt Nam, chỉ có 35 triệu dân mà năm 2015 vẫn có 2.6 triệu người Ba Lan di dân sang các nước giàu có hơn.
Cá nhân tôi cho rằng di dân du học, hôn nhân, đoàn tụ gia đình, việc làm, đầu tư, thương mại, định cư thì tốt chứ, khuyến khích chứ.
Thế cho nên câu hỏi đúng nhất phải là “làm cách nào để người Việt không di dân bất hợp pháp”, “không di dân đi làm những công việc mà pháp luật nước sở tại cấm, không trộm cắp, không buôn bán ma tuý”.
Câu trả lời có lẽ là giáo dục và ngành giáo dục, một lĩnh vực có lẽ là lạc hậu nhất, cần cải tổ nhất của Việt Nam chúng ta.
Nhận xét
Đăng nhận xét