ùng với sự phát triển, tiếp cận mạnh mẽ của mạng internet, 3G, 4G, 5G... đối với đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội thì dấu hiệu "cách mạng màu" cũng ngày càng thể hiện rõ nét trên không gian mạng, cụ thể là qua các âm mưu, lời kêu gọi tập hợp lực lượng lật đổ chính quyền thời gian qua.
Chúng ta có thể thấy, dịp Quốc khánh năm ngoái (2018), hàng loạt người lôi kéo nhau trên mạng, tập hợp lực lượng từ khắp nơi, nổi lên là tại Hà Nội, Huế, Bình Thuận, TP HCM - coi đây là địa điểm quan trọng để tổ chức các hoạt động phá hoại, chống đối, sau đó mở rộng ra phạm vi toàn quốc.
Các thế lực thù địch lợi dụng những kênh truyền hình trên internet, hàng ngàn trang web và mạng xã hội để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, cổ vũ giá trị dân chủ tư sản, tuyệt đối hóa tính toàn cầu, tính phổ cập của quyền con người với luận điệu:“nhân quyền cao hơn chủ quyền”; “lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng, quốc gia”. Đồng thời, xuyên tạc, bóp méo những hạn chế, yếu kém trong quản lý xã hội, những sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách, pháp luật hoặc những vụ việc phức tạp nảy sinh trong lĩnh vực dân tộc, tôn giáo nhằm vu cáo Nhà nước vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp dân tộc, tôn giáo, tạo cớ để bên ngoài can thiệp.
Thông qua internet, mạng xã hội, chúng đẩy mạnh các chiến dịch “phá hoại tư tưởng” khi đất nước tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng, như: Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; Quốc hội họp thông qua hay lấy ý kiến dự thảo các luật hoặc khi Việt Nam tham gia các hội nghị quốc tế quan trọng,... từ đó kích động, lôi kéo người dân thiếu hiểu biết tham gia biểu tình, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.
Đáng chú ý, chúng tăng cường sử dụng internet, mạng xã hội để móc nối, cấu kết với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện tha hóa, biến chất nhằm lôi kéo, mua chuộc, tạo dựng ngọn cờ tập hợp lực lượng chống phá từ bên trong. Dưới chiêu bài “bảo vệ dân chủ, nhân quyền”, “yêu nước”,... các đối tượng ở nước ngoài đã cấu kết với số đối tượng trong nước, tìm cách hình thành, phát triển cái gọi là “xã hội dân sự” cùng các tổ chức, hội nhóm bất hợp pháp, như: “Hội phụ nữ nhân quyền”, “Nhóm tuổi trẻ yêu nước”, v.v. Trong đó, số bên ngoài chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí hoạt động; các đối tượng trong nước tích cực tập hợp lực lượng, thu thập tin tức để cung cấp cho bên ngoài vu cáo, xuyên tạc tình hình đất nước, xuyên tạc, vu cáo nước ta đàn áp dân tộc, tôn giáo nhằm làm cho cộng đồng quốc tế hiểu không đúng tình hình ở Việt Nam.
Đặc biệt, chúng triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội để lan truyền các tài liệu xuyên tạc, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, Công an,... nhằm phá hoại nội bộ, tác động tiêu cực tới nhận thức, quan điểm, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, gây tâm lý hoang mang, hoài nghi, làm suy giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với xã hội.
Trước thực trạng trên, những năm qua, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh mạng và phòng, chống hoạt động lợi dụng internet, mạng xã hội chống phá nước ta, như: Chỉ thị 28-CT/TW, ngày 16-9-2013 của Ban Bí thư (khóa XI) “Về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng”; Chỉ thị 15/CT-TTg, ngày 17-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới”; Luật An toàn thông tin mạng năm 2016 và mới đây nhất là Luật An ninh mạng; tăng cường chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác quản lý báo chí, xuất bản, internet; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong đấu tranh, phản bác các thông tin và luận điệu sai trái, âm mưu, hoạt động lợi dụng internet, mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước.
Bộ Công an chủ động triển khai công tác phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng internet, mạng xã hội để vi phạm pháp luật, đặc biệt là đã phát hiện và xử lý nhiều "nhóm kín" hoạt động tập hợp lực lượng nhằm tiến hành các hoạt động phá hoại.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống các hoạt động lợi dụng không gian mạng chống phá, xâm phạm an ninh, trật tự vẫn còn những hạn chế, bất cập, như: Công tác tuyên truyền, định hướng và đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch vẫn còn thụ động, thiếu sắc bén. Năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách phòng, chống tội phạm lợi dụng internet, mạng xã hội có mặt còn hạn chế; trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật còn thiếu, lạc hậu nên gặp nhiều khó khăn trong phát hiện, thu thập chứng cứ và thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh... Thẳng thắn nhìn nhận, cơ quan chức năng chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, xử lý triệt để thông tin xấu trên mạng. Nhất là các thông tin bịa đặt, xuyên tạc, kêu gọi kích động biểu tình gây rối an ninh trật tự...
Do đó, cần phải có hệ thống giải pháp căn cơ và sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của toàn dân để bảo vệ sự lành mạnh trên không gian mạng, xóa bỏ các yếu tố, điều kiện mà các thế lực thù địch có thể lợi dụng tiến hành các hoạt động phá hoại. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và quần chúng nhân dân về âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch trên không gian mạng. Tổ chức tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện và kiên quyết đấu tranh với các đối tượng chống phá. Thường xuyên kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm nhiệm vụ đấu tranh, phòng, chống tội phạm lợi dụng internet, mạng xã hội hoạt động chống phá nước ta.
Đây là công việc khó khăn, phức tạp, lâu dài. Vì vậy, đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao, ý thức, trách nhiệm - trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và Tổ quốc.
Nhận xét
Đăng nhận xét