Chúng ta chắc chắn vẫn còn nhớ hình ảnh người Hàn Quốc ném trứng vào Bộ trưởng Bộ Nội Vụ nước này hay hình ảnh hàng chục chiếc máy kéo xếp hàng dài ở cao tốc để phản đối quyết định đưa hàng trăm người Hàn Quốc từ Trung Quốc về hai thành phố Asan và Jincheon để tránh dịch.
Câu chuyện ấy, đã kết thúc cách đây gần hai tháng và nó diễn ra tưởng như ở một nơi rất xa nhưng viễn cảnh của nó lại thật gần và có vẻ như sẽ lặp lại tại Việt Nam, chỉ khác là chúng ta không ném trứng vào ai, cũng chẳng đưa máy xúc ra ngăn cản, nhưng chúng ta, lại làm đau cho những con người trở về nước trách dịch bằng một đòn đau hơn nhiều: Sự kỳ thị.
Đặt giả sử: Nếu chúng ta là một trong những người Hàn Quốc về nước tránh dịch mà nhìn thấy hình ảnh máy xúc chặn đường, những biểu ngữ nói rằng chúng ta là “mầm họa quốc gia”. Chúng ta sẽ nghĩ sao? Tương tự, nếu đặt hoàn cảnh vào hàng chục ngàn du học sinh, người lao động trở về nước dịp này, đọc những bình luận kỳ thị, ác cảm, phân biệt, chúng ta sẽ thế nào? Cái cảm giác bơ vơ ngay giữa Tổ Quốc, thật tệ đúng không?
Phải thú thực, ngoài dịp Tết Nguyên Đán hàng năm, đợt này là lúc chúng ta đón đông đảo kiều bào và người dân xa xứ về nước, nhưng cái sự về lần này, không phải vì chúc tụng, ăn mừng hay dịp gì đặc biệt. Đồng bào về nước là để tránh dịch, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, Chính phủ và hệ thống y tế đã chứng minh được thực lực trong thời gian qua. Đồng bào mong nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ. Mình biết rằng, phải nhìn thẳng vào một sự thực rằng, hầu hết những ca bệnh Covid-19 hiện tại đều có nguồn gốc trực tiếp từ những người Việt trở về từ ngoại quốc. Nhưng cái điều này, chúng ta đã lường trước ngay từ khi dịch bệnh bắt nguồn từ Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản, nhưng chúng ta vẫn cử các tàu bay đón các du học sinh, người lao động trở về nước mặc dù biết rằng những con người ấy có thể mang bệnh. Nhưng trong tình cảnh nước bạn gặp khó, đồng bào ở xa xứ bơ vơ, những chuyến bay đi thẳng đến các tâm bão đại dịch ấy, đã cứu vớt biết bao nhiêu trái tim lạc lõng và khẳng định với gần trăm triệu người dân trong nước rằng: Đồng bào cần thì chúng tôi có.
Chính vì nghĩa cử ấy, Việt Nam đã trở thành một điểm sáng giữa thế giới toàn là một màu tối đen của đại dịch. Hàng triệu người Việt có lý do để tin tưởng, chờ mong và nhìn về Tổ Quốc từ sớm từ xa.
Mình biết là có nhiều người trở về có thái độ bố láo, thượng đẳng, hạch sách khi trở về từ phương Tây, nhưng trong vài chục ngàn người trở về, nhất định sẽ bao gồm nhiều thể loại người, trong đó cả lũ người xấu và những người tốt. Người xấu thì chắc chắn là rất ít và chúng ta đã thấy cả rồi, những người tốt khác thì hẳn là nhiều hơn và chúng ta lại ít thấy, vì cái xấu xí thì được biết đến nhiều hơn, những cái tốt lại luôn ẩn mình chờ thời.
Chó không chê chủ nghèo, con không chê cha mẹ khó.
Vì thế, đừng nhìn vào những ví dụ kiểu như Hoa Kỳ sẽ phát cho công dân của nước này 1000 USD để chống dịch, mà quay lại nói rằng, Việt Nam là một nơi kém cỏi và không đáng sống. Đóng thuế để làm gì?
Đáng sống hay đóng thuế bao nhiêu hay không chẳng biết, nhưng Việt Nam tuyên bố rõ ràng rằng, sẽ chữa bệnh miễn phí cho toàn bộ những người mang quốc tịch Việt Nam bị nhiễm, chi phí cách ly, chi phí xét nghiệm thì sẽ miễn phí cho cả người nước ngoài lẫn người Việt, hỗ trợ chi phí di chuyển từ nước ngoài về Việt Nam thông qua những chuyến bay rỗng chiều đi. Điều này, có lẽ 1000 USD sẽ chẳng bao giờ là đủ và đừng lấy đồng tiền ra so sánh ở lằn ranh giữa sống và chết, ở những nơi Tư Bản, người ta có thể đem tiền ra đong đếm, còn ở Việt Nam thì không.
Nhưng, đến ngay cả cái khái niệm so sánh như vậy, cũng sẽ chẳng thành hiện thực nữa khi Thượng viện Mỹ chính thức bác đề xuất hỗ trợ kinh tế ngàn tỷ USD và sẽ chẳng có một xu một cắc nào đến tay những người thượng đẳng nói tiếng Việt nữa cả.
Tổng thống Brazil là Jarl Bolsonaro đã từng chỉ trích chủ nghĩa xã hội, thẳng tay mắng nhiếc những quốc gia chủ nghĩa đang ở “dưới đáy thế giới”, đó là Cuba, Việt Nam, Trung Quốc hay Triều Tiên. Và chính những chính sách của Jarl Bolsonaro đã khiến cho khoảng 10.000 bác sĩ Cuba bị trục xuất ra khỏi quốc gia này, trước đó, những bác sĩ Cuba đã ở lại đất nước của những vũ công Samba, chủ yếu ở những nơi xa xôi để làm công tác khám chữa bệnh, những điều này, chính quyền của Jarl Bolsonaro đã không làm được. Ngày 17/03/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế Brazil là João Gabbardo đã cầu cứu Cuba, đưa những y bác sĩ đã bị họ trục xuất trở lại làm nhiệm vụ cứu rỗi đất nước này.
Jarl Bolsonaro cũng có thể được ví như những con người thượng đẳng hay chê bai nhưng cái đầu lại rỗng tuếch. Brazil đã phải cầu cứu những bác sĩ đã bị trục xuất. Đất nước anh em của chúng ta dù đã bị cô lập, phong tỏa nhưng vẫn luôn làm tròn nghĩa vụ và bổn phận quốc tế, tính đến thời điểm hiện tại, Cuba đã đưa lực lượng hỗ trợ tại châu Âu - những đồng minh của Hoa Kỳ, hỗ trợ các nước Nam Mỹ và châu Phi chống dịch bệnh. Liệu một ngày khi hết dịch, các nước ấy có vào cuộc để phản đối cuộc chiến tranh cấm vận của Mỹ đơn phương áp dụng vào Cuba không? Mình không chắc chắn nữa.
Nhưng mình có thể chắc chắn một điều rằng, những việc mà chúng ta đã, đang và sẽ làm, đủ để những con người khó tính nhất cũng phải thầm gật đầu trong bụng. Có những con người luôn lẩn tránh sự thực, vì trong tâm trí của họ đã áp đặt rằng Việt Nam phải thật là tệ, bây giờ Việt Nam lại không tệ như họ nghĩ nữa, họ sẽ phải làm sao? Kiểu như bộ não ra lệnh nhưng trái tim hông có nghe.
Những chuyến bay vẫn tiếp diễn, những đồng bào xa xứ trở về ngày càng nhiều và chắc chắn số bệnh nhân bị nhiễm không dừng lại, nhưng chúng ta vẫn phải chiến đấu và căng mình ở thời gian tới. Một bác sĩ đã nói: “Chúng tôi không sợ bị nhiễm bệnh, chúng tôi không vì bệnh mà bỏ chạy, chỉ mong đồng bào vững tâm.”
Đôi khi, mình nghĩ rằng mỗi chúng ta có thể không giúp được gì nhiều nhưng chỉ cần không kỳ thị đồng bào về nước, vững tâm vào Đảng, Nhà nước, Chính phủ, làm theo những gì anh Bộ Y Tế nói, thì cuộc chiến này, chúng ta sẽ vượt qua được.
Nhận xét
Đăng nhận xét