GIẢI ĐÁP MỘT SỐ CÂU HỎI LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI "TRUNG QUỐC XÂM PHẠM CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM Ở BIỂN ĐÔNG"
Gần đây, Trung Quốc liên tiếp có nhiều hành vi gây hấn với Việt Nam ở biển Đông, tàu hải cảnh của Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, tàu thăm dò của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và mới đây nhất là việc Trung Quốc tuyên bố thành lập Quận Tây Sa và Quận Nam Sa trên hai quần đảo Hoàng Sa và trường Sa của Việt Nam. Có nhiều nhiều câu hỏi đưa ra và đây là những giải đáp giúp các bạn hiểu rõ hơn
1. Hỏi: Vì sao Việt Nam chỉ "quan ngại" phản đối Trung Quốc từ ngày này qua ngày khác mà không có biện pháp gì khác?
Trả lời: Việc "quan ngại" phản đối thông qua ngoại giao chính là 1 biện pháp, và cho đến thời điểm hiện tại thì đó là biện pháp hữu hiệu nhất. Thông qua tiếng nói của Bộ Ngoại giao thể hiện quan điểm nhất quán của Nhà nước Việt Nam, vừa khẳng định chủ quyền để cộng đồng quốc tế biết, vừa cho thấy Việt Nam không làm ngơ khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và Việt Nam đang hành xử 1 cách chừng mực, hợp pháp, tuân thủ luật pháp quốc tế. Nói ví von đơn giản thế này, nếu trong 1 lớp học, bạn Việt bị bạn Trung bắt nạt, do quá bực tức mà Việt đấm thẳng mặt Trung, hai bên đánh nhau, đập bàn đập ghế, làm hỗn loạn lớp học, thì khi sự việc đến tai Ban giám hiệu, dù Trung là thằng bắt nạt trước, dù Việt là nạn nhân nhưng cả 2 cũng đều sẽ bị kỷ luật vì đã không giải quyết thông qua Nhà trường mà tự giải quyết bằng vũ lực, gây mất trật tự. Như vậy, kể cả khi lý lẽ thuộc về Việt Nam, nhưng những người đứng đầu không chọn cách giải quyết phù hợp thì cũng sẽ bị chỉ trích nếu để xảy ra hậu quả xấu.
2. Hỏi: Vì sao Việt Nam không kiện Trung Quốc ra Tòa quốc tế?
Trả lời: Thực ra, phương án này luôn được cân nhắc đến, nhưng là phương án gần cuối cùng khi các nỗ lực ngoại giao không còn khả năng xử lý. Các tòa trọng tài quốc tế không có cơ quan thi hành án, nên việc thi hành các quyết định của Tòa phần đa đều dựa vào uy tín của các quốc gia, thông thường sẽ có rất ít quốc gia dám đi ngược lại quyết định của Tòa được cộng đồng quốc tế công nhận để hạ uy tín của mình. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc và đối với vấn đề lãnh thổ thì lại khác. Như trường hợp của Philippines, kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế ở Hà Lan, mặc dù thắng kiện nhưng vẫn chưa đòi được quyền lợi của mình, Trung Quốc ngang ngược bác bỏ quyết định của Tòa và có nhiều động thái hung hăng hơn trên biển đông. Nếu Việt Nam cũng làm tương tự thì kể cả thắng cũng chưa chắc lấy lại phần lãnh thổ bị mất, ngược lại những nỗ lực ngoại giao trước đó đều sẽ đổ sông đổ bể, Trung Quốc sẽ có những đòn đáp trả ảnh hưởng đến rất nhiều phương diện đời sống của người dân.
Nhận xét
Đăng nhận xét