Theo tôi, điểm thi môn Lịch sử thấp lỗi chính do học sinh, không phải lỗi do nội dung và phương pháp truyền tải chưa phù hợp!
Nói thêm, đây là phản bác với quan điểm chứ hoàn toàn không có ý công kích con người.
Đồng ý, điểm môn Lịch sử thấp, một phần có lỗi do nội dung sách giáo khoa và cách dạy của nhiều giáo viên Sử không được tốt. Nhưng đấy không phải nguyên nhân, vấn đề chính nằm ở định vị của xã hội đối với môn Sử là chưa quan trọng, dẫn tới ngay các em học sinh không thực sự có động lực để tìm hiểu về nó.
Vẫn câu nói cũ: Nếu thực sự muốn người ta sẽ tìm cách, khi không thích sẽ tìm lý do.
1. Cách dạy môn lịch sự chưa thực sự phù hợp với tư duy lịch sử
Nói, Việt Nam chúng ta thua xa Trung Quốc về khoản này, đó là định vị “tầm quan trọng của bộ môn lịch sử” trong nhận thức xã hội. Nhưng nếu ai đó nói nhiều người Việt hiểu biết lịch sử Trung Quốc hơn lịch sử Việt Nam thì đó là hồ đồ, không khác gì người si nói mộng.
Bản chất, những thứ họ biết đều không phải lịch sử mà đều là biến tướng của nó. Tức là trong chiều dài của dòng lịch sử, họ biết những câu chuyện gì lẫn trong đấy. Và đấy không phải lịch sử.
Nhớ, lịch sử thì cần là lịch sử, dã sử/huyền sử và ấn phẩm xoay quanh không mang cốt lõi lịch sử thì nó sẽ là những thứ giải trí. Đừng đánh đồng 2 thứ với nhau. Muốn hiểu đúng lịch sử xin mời đọc lịch sử, muốn thư giãn có thể tìm xem giải trí. Nó là 2 phạm trù khác nhau, phải tách biệt để tránh ngộ độc thông tin.
Đáng buồn, vì nhiều bạn ko chịu hiểu theo tư duy này, nên bị đám xét lại lịch sử nó dắt mũi. Ng ta tin vào ngôn tình của Mỹ viết về chiến tranh Việt Nam hơn là cả lịch sử trong SGK. Haha, lạ đời thế đấy.
Các bạn cứ muốn sách viết nó phải hào hùng, nhưng hào hùng kiểu gì khi mà trong tâm tưởng các bạn chưa thực sự cảm thấy điều đó. Đòi gì ở Sách Giáo Khoa khi tóm lược hàng ngàn năm lịch sử dân tộc và diễn biến của thế giới trong 3 năm học với chừng 200 tiết? Sách Giáo Khoa muốn viết hấp dẫn, muốn đầy đủ thì phải tinh giản rất rất nhiều đấy. Lịch sử, đôi lúc bản chất của nó là phải khô khan thôi.
(Nhưng dạy và học lịch sử của Mỹ, của Sing, haha, tôi nghĩ đôi lúc “lâm li bi đát” được ngay thôi mà! Nhưng lịch sử Việt Nam ta là hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước hào hùng cơ)
Phải công nhận rằng phương pháp dạy lịch sử của Việt Nam chúng ta đang mắc một số khiếm khuyết, nhưng sửa như thế nào thì lại là bài toán thực sự khó. Khác với các môn khoa học tự nhiên như Toán học, Vật lý, Hóa học v.v thì Sử học với tư cách là bộ môn khoa học về lịch sử đã không được đưa vào trong chương trình giáo dục của Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua, thay vào đó là môn học lịch sử như hiện tại.
Sở dĩ có hiện tượng như vậy là bởi Việt Nam ta đôi khi đã lơ là lịch sử, có lẽ xã hội không thực sự đưa môn Sử như là sản phẩm của quá trình tư duy, nhận thức về lịch sử dân tộc trọn vẹn. Vậy nên với những thầy cô giáo không đủ chuyên môn và lòng nhiệt thành, đã chưa hề chỉ dẫn cho các em học sinh biết phải làm như thế nào để tự nhận thức về lịch sử, cũng như nhận thức về cuộc sống hiện tại không khơi gợi được sự ham muốn tìm hiểu về lịch sử.
Đấy, là giáo viên chưa kích thích yếu tố tinh thần dân tộc của các em học sinh, khi các em còn trong ghế nhà trường. Lỗi một phần lớn là do Việt Nam ta đang trong thời kỳ phát triển kinh tế, hội nhập thế giới, dẫn tới văn hóa ngoại lai đang tràn vào khó kiểm soát. Và thế là có nhiều học sinh thờ ơ với lịch sử dân tộc, các em có quá nhiều thứ “lạ và độc” để nghiên cứu và tìm hiểu thay vì lịch sử đất nước.
Đúng rồi, tìm hiểu sâu mà làm gì khi bộ môn Lịch sử chưa được định vị đúng trong xã hội, đôi lúc 2 năm mới thi tốt nghiệp một lần, các trường ĐH top đầu đều cũng chẳng có thi xét tuyển lịch sử, cũng chẳng có gameshow đình đám gì về chủ đề lịch sử cả.
Nhưng chỉ cần em học sinh nào thực sự cảm nhận được sự hào hùng của lịch sử dân tộc Việt Nam, tự khắc sẽ thấy nó hấp dẫn.
2. Xã hội cần định vị lại vai trò của lịch sử trong nhận thức giới trẻ
Để làm được điều này, Việt Nam chúng ta nên học Trung Quốc. Đúng, cần học Trung Quốc chứ chẳng cần học đâu xa. Và tôi tin, trên đà phát triển như hiện tại thì vấn đề này sẽ sắp được đưa ra thảo luận nghiêm túc và chặt chẽ.
Đó là: Định vị lại vai trò của lịch sử, phát huy tinh thần dân tộc của lớp trẻ, yếu tố then chốt để đưa Việt Nam chúng ta “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Việt Nam cần học Trung Quốc, ko cần học đâu cả. Học sinh phải biết học lịch sử dân tộc trước khi biết tới giải trí. Mà ngay cả thứ giải trí mà vi phạm nguyên tắc “tính dân tộc”, “trảm” là chuyện hiển nhiên. Hãy xem ngôn tình và cung đấu mà đụng chạm đến “tính dân tộc” đã bị cấm ở Trung Quốc triệt để như nào thì biết.
Ở Trung Quốc, Tam Quốc Diễn Nghĩa – Hán Sở hay Thủy Hử đơn giản chỉ là truyện phim dã sử, và lớp trẻ Trung Quốc thừa biết điều ấy. Nhưng để đạt được thành tích ấy, chính quyền và truyền thông đại chúng của Trung Quốc cũng đã hoạt động hiệu quả khi định vị xã hội, định vị quan điểm cho lớp trẻ hiểu đúng về lịch sử.
Phải nói thêm một điều, gã láng giềng Trung Quốc có lợi thế hơn Việt Nam đó là họ toàn quyền kiểm soát truyền thông. Nhưng cũng phải kể thêm với các bạn về 2 sự kiện để hiểu hơn về vấn đề này.
Năm 2006, Trung Quốc có một cuộc đại cải tổ về giáo dục, cùng với Toán và Trung văn, thì Lịch sử được nâng lên tầm “một trong 3 môn quan trọng nhất” trong hệ thống các môn học. Đồng thời, nhà cầm quyền Bắc Kinh đưa bộ sách giáo khoa Sử mới vào giảng dạy, bất chấp trong bộ SGK ấy còn nhiều điểm các học giả thế giới cho là không trung thực, thiếu khách quan. Nhưng kệ, chỉ cần nó dào dạt tinh thần dân tộc, Trung Quốc cứ làm tới.
Trong giáo trình lịch sử tân biên, các cuộc chiến tranh, các triều đại và cuộc đại cách mạng vô sản đã nhường chỗ cho các kiến thức kinh tế, công nghệ, tập tục và công cuộc toàn cầu hóa. Nguyên nhân, có thể là để hạn chế nảy sinh mâu thuẫn giữa các dân tộc bởi thực tại Trung Quốc ngày nay là sáp nhập bởi nhiều quốc gia khác nhau trong quá khứ.
Lần cải tổ này, tinh giản giờ học nhưng nhấn mạnh vai trò của lịch sử, có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đại cải tổ, nhưng có thể nhận ra một điều đó chính là tinh thần dân tộc của lớp trẻ Trung Quốc đang ngày một lên cao. Và tinh thần dân tộc, nó được xem là một trong những tiền đề để làm nên sự trỗi dậy của con rồng Trung Hoa.
Gần đây nhất, mới năm ngoái thôi, tháng 09/2019, Trung Quốc đã chính thức đưa vào sử dụng bộ sách giáo khoa lịch sử cấp THPT mới nhất với nhiều nội dung được bổ sung, sửa đổi. Đặc biệt, vấn đề chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên Biển Đông đã thay đổi. Ngoài ta, còn đưa thêm khá nhiều nội dung mới vào SGK lịch sử như: “Triều Hán mở rộng lãnh thổ”, “Vai trò quan trọng của các dân tộc thiểu số phía Bắc trong sự nghiệp thống nhất quốc gia đa dân tộc Trung Quốc trong thời kỳ nhà Liêu, Tây Hạ, Kim và Nguyên”, “Các biện pháp liên quan để thống nhất đất nước và mưu tính biên cương thời kỳ Minh Thanh” … Dưới góc độ ng Việt, mình ko thích điều này vì mơ hồ nghĩ đến về một thứ gọi là “Tinh thần Đại Hán”. Và vẫn như cũ, SGK Sử ấy của Trung Quốc dào dạt tính dân tộc. Cũng đúng, cần gì phải khách quan, người Trung Quốc cần nhìn lịch sử dưới lập trường của chính họ.
Được biết, việc sửa đổi sách giáo khoa lịch sử lần này có định hướng thực tế cụ thể. Các yêu sách ly khai dân tộc và chủ trương độc lập hiện đang diễn ra trong giới trẻ ở Đài Loan và Hồng Kông đang thách thức tuyên bố thống nhất quốc gia truyền thống của Trung Quốc. Khuynh hướng ly khai này được cho là phần lớn bắt nguồn từ việc thiếu kiến thức và nhận thức sai về lịch sử Trung Quốc của người Đài Loan và Hồng Kông.
Việt Nam ta cần học Trung Quốc, ko cần học đâu xa đâu, hãy bắt chước gã láng giềng truyền thông về lịch sử và tinh thần dân tộc.
Sử, trước hết phải là lịch sử đã. Và người dân tộc nào, trước khi khách quan đa chiều cần phải đứng trên lập trường dân tộc.
Đạo sỹ
Nhận xét
Đăng nhận xét