Thằng cu em có bài tập vẽ về nhà, nó được yêu cầu vẽ 1 danh nhân
lịch sử mà nó yêu thích. Về mày mò trên mạng, nó quyết định vẽ ông Trần Hưng
Đạo, hì hục một lúc nó cho tôi xem bản vẽ vừa xong, vẽ lại na ná hình ảnh tượng
đài Đức thánh Trần ở Trường Sa. Tôi hỏi
– Sao lại vẽ ông ấy mặc áo dài, thắt lưng, khăn đóng, búi tóc ra
sau thế?
Nó gãi đầu: – Thì em có biết ông ấy mặc gì đâu, thấy trên mạng
họ khắc thế nào em vẽ y như thế. Chứ ai biết hồi xửa xưa họ mặc gì.
Tôi táy máy lên mạng search về từ khóa “Trần Hưng Đạo”, thì 90%
là các bức hình, bức họa, phù điêu, tượng khắc Đức Thánh Trần trong trang phục
áo bào vải, khăn đóng, búi tó ngược phía sau, đầu đội khăn xếp… là 1 kiểu trang
đặc sệt của thời Nguyễn. Tại sao người ta lại có thể cho một ông tướng đời Trần
mặc đồ thời Nguyễn và vẽ tranh, khắc tượng đặt khắp đất nước như thế? Trong khi
giáp phục Lý Trần đáng lẽ phải là những Mũ Đâu Mâu; Giáp che cổ; Giáp bảo vệ
vai; Minh Quang giáp; Dây đai để cố định giáp cổ cũng như buộc cho cả phần giáp
trên chặt hơn; Thắt lưng; Giáp bảo vệ cổ tay; Áo bào mặc trong; Quần mặc trong;
Giáp bảo vệ ống chân và Giày. Một sự xuyên tạc lịch sử, làm sai lệch về hình
ảnh của Trần Hưng Đạo.
Ở Việt Nam bây giờ, không hiểu vì lý do gì mà hầu như tất cả
tượng Trần Hưng Đạo đều được khắc theo motip như trên, hiếm hoi lắm mới tìm ra
một bức tượng Đức Thánh Trần ở Quảng trường Quận 1 phác họa tương đối chuẩn về
trang phục, áo mũ của thời Lý – Trần. Rõ ràng, nhiều người có trách nhiệm bây
giờ đang quá cẩu thả, quá hời hợt, quá thờ ơ với những điều này, họ không có sự
nghiên cứu, đánh giá một cách chuẩn xác dẫn đến sai lệch nghiêm trọng trong tư
duy của người dân.
Và điều đó thực sự đang diễn ra trong đời sống. Ví như nhắc đến
thời Hùng Vương thì y như rằng người ta hình dung ra các cụ mặc khố, chân đất,
cởi trần, đội mũ lông chim cầm nỏ đánh giặc, một sự lạc hậu cực lớn khi so với
quân đội Trung Quốc cùng thời, trong khi đã khai quật được nhiều bằng chứng
lịch sử về vải, giáp sơ khai dưới thời Hùng Vương.
Hay nhắc đến vua Lý Công Uẩn là người ta lại nhìn ngay đến tượng
của ông ở Hà Nội, trong khi bức tượng đó sai hoàn toàn về lễ phục, đáng lẽ ra
vua mặc áo cổn thêu 12 chương, đội mũ miện gắn 12 lưu, mỗi lưu xâu 12 châu thì
người điêu khắc lại cho vua đội 1 cái mũ gì đó rất giống cái bàn là. Để rồi bây
giờ, hỏi lũ trẻ cổn miện là gì, tế Giao là gì, tế xã tắc là gì, tông miếu, giáp
trụ là gì chúng nó cũng ù ù cạc cạc, lại mô tả y như những gì mà chúng thấy
người lớn làm ẩu trước đó. Vậy thì lịch sử đời sau lấy ai duy trì, ngàn năm áo
mũ lấy ai gìn giữ?
Nhớ đến dự án Sử Hộ Vương với câu hỏi kinh điển: “Đã ai nhìn
thấy Vua Quang Trung ngoài đời thật chưa ạ?” mà chua xót, rõ ràng chẳng ai thấy
các nhân vật lịch sử ngoài đời thật, cộng với đó là sự thiếu nghiêm túc của
những người có trách nhiệm khiến cho lịch sử bị xuyên tạc, điển lễ, quy chế mấy
nghìn năm bị nhầm lẫn. Thật chua xót.
Sắp tới đây, người ta sẽ lại chuẩn bị dự án đặt một phiên bản
khác của tượng vua Lý Thái Tổ là vua Lý Thái Tông ở trụ sở các Tòa án. Một điều
đắng lòng là so với phiên bản đặt ở vườn hoa Lý Thái Tổ, phiên bản Lý Thái Tông
này chẳng có gì khác ngoài cái biển trên và cái cân. Rồi đây, mấy chục năm nữa,
hình ảnh tổ tiên bị sai lệch, ai chịu trách nhiệm với con cháu đời sau?
Nhận xét
Đăng nhận xét