Mấy ngày qua, nhiều bạn bè hỏi tôi, nghĩ sao về vụ Hồ Duy Hải. Tôi chưa vội trả lời, không phải vì tôi không có câu trả lời, mà tôi muốn xem dư luận sẽ như thế nào. Đọc về vụ này, từ mấy hôm trước, tôi đoán chắc đến 99% Hội đồng Thẩm phán sẽ giữ nguyên bản án và Hồ Duy Hải sẽ bị tử hình. Và tôi cũng đoán trước báo chí, các nhà luật sư mạng, nhà báo mạng cũng sẽ dẫn dắt dư luận vào những tình tiết bên lề nhằm xóa đi tội danh cho anh ta. Những giọt nước mắt của người mẹ, tiếng ủng hộ của bạn tù (kiêm dân chủ viên) chắc chắn không giúp Hồ Duy Hải phải trả giá cho hành vi phạm tội của mình.
Nếu ai theo dõi các phiên trọng án thì chẳng có ai là không kêu oan cả. Bùi Văn Công (hung thủ vụ án cô gái giao gà) khi ra tòa cho rằng mình vô tội, bị ép cung, rồi bị mớm cung, bị đánh đập nhiều quá nên phải giữ tính mạng để ra tòa. Đinh La Thăng, một quan chức vung tay phá của nhà nước hàng ngàn tỷ khi ra tòa cũng một mực kêu oan, cho rằng đó là “lỗi của tập thể”. Cha mẹ nào khi con mắc tội chẳng tin vào sự lương thiện của con cái, cho rằng, cháu ở nhà chỉ trộm gà trộm chó chứ chưa giết ai bao giờ. Tình thương nhiều khi quá lớn, khiến người ta luôn biện hộ cho những sai trái của con cái mình. Ai cũng khóc cho mẹ con Hải, liệu ai có khóc thương cho nỗi đau của gia đình 2 nạn nhân hay chưa, nếu Hải là hung thủ thật sự?
Không phải vô cớ cơ quan tố tụng kết án tử hình Hồ Duy Hải về tội giết người, cướp tài sản. Không phải vô cớ Bộ Công an – Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao – Tòa án Nhân dân tối cao thống nhất quan điểm tử hình Hồ Duy Hải. Cũng không phải vô cớ Chủ tịch nước bác đơn xin ân xá của gia đình Hồ Duy Hải. Và còn nhiều cái “không phải vô cớ” nữa tôi chưa thể công khai. Tất cả đều được cân nhắc một cách kỹ lưỡng, bởi mạng người đâu phải con ngóe?
Những bất thường trong vụ án này được nhiều người đặt ra không phải không có cơ sở. Nó xuất phát từ những sai sót nghiêm trọng trong quá trình điều tra, của cơ quan tố tụng 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Nhưng nói gì thì nói, sự thật vẫn là sự thật, nhiều bằng chứng xác định Hồ Duy Hải chính là thủ phạm sát hại 2 nữ nhân viên Bưu cục Cầu Voi, rồi cướp tài sản 12 năm về trước. Nhiều bằng chứng cho thấy Hồ Duy Hải còn có hành vi hiếp dâm nạn nhân Hồng, nhưng bất thành.
Sau khi án mạng xảy ra, cơ quan điều tra đã khoanh vùng đối tượng, lấy dấu vân tay và lập hồ sơ 144 người. Trong đó, 2 đối tượng bị tình nghi đầu tiên chính là Nguyễn Huy Sol và Nguyễn Văn Nghị (2 đối tượng nhiều người nghi chính là thủ phạm). Các mũi điều tra đã lập tức làm việc với 2 đối tượng này, nhưng kết quả xác định dấu vân tay tại hiện trường không phải của 2 đối tượng, cùng với đó, cả 2 đối tượng đều có nhân chứng, bằng chứng chứng minh ngoại phạm, không có mặt tại hiện trường thời điểm đó; không hề có việc đối tượng bỏ trốn như dư luận đơm đặt.
Trước khi nói tới việc tại sao hồ sơ có lời khai của Sol, không có lời khai của Nghị, xin được nói về việc vì sao rút lời khai ban đầu của nhân chứng Đinh Vũ Thường ra khỏi hồ sơ vụ án. Đinh Vũ Thường là một trong những đối tượng có mặt tại hiện trường, trước thời điểm vụ án xảy ra, thuộc diện tình nghi, được cơ quan điều tra làm việc đầu tiên. Sau khi làm việc, xác định không phải thủ phạm, cơ quan điều tra đã chuyển Thường là nhân chứng.
Đối với những trường hợp cơ quan điều tra lấy dấu vân tay, xác minh, lập hồ sơ, sau đó xác định không phải thủ phạm, hoặc lời khai không liên quan tới vụ án, đều được rút khỏi hồ sơ, chuyển về Bộ Công an để lưu trữ và được gọi là hồ sơ AK (hồ sơ mật). Chính vì lẽ đó, lời khai ban đầu của Đinh Vũ Thường mới bị rút khỏi hồ sơ. Nghị cũng vậy. Còn lời khai của Sol có nhiều tình tiết giá trị, nên buộc phải đưa vào hồ sơ vụ án.
Riêng đối tượng Hồ Duy Hải, rất nhiều ngày sau mới bị cơ quan điều mời làm việc. Hải là một trong những người gọi điện vào số của Bưu cục Cầu Voi vào trưa ngày án mạng xảy ra. Buổi làm việc đầu tiên, Hải khai thời điểm đó đi đám ma nhà người thân. Các mũi điều tra lập tức xác minh theo lời khai của Hải, kết quả xác định lời khai của Hải là giả. Cùng với đó, dựa trên lời khai của Đinh Vũ Thường, cô Ngân (người bán hoa quả) gần bưu cục và nhiều bằng chứng khác, Hải đã bị bắt để điều tra (xin được nói ở dưới).
Từ lời khai về hành trình di chuyển của Hải ngày hôm đó, điều tra viên và kiểm sát viên đã thực nghiệm hiện trường, mỗi người một xe máy, di chuyển đúng lộ trình Hải khai cho kết quả phù hợp, là cơ sở khoa học vững chắc chứng minh đúng khoảng 19 giờ 30 phút ngày xảy ra vụ án, Hải có mặt tại Bưu điện Cầu Voi. Chứ không phải ngồi bàn giấy tính toán như ai đó.
Một tình tiếp nữa vô cùng giá trị là Hải đã tự vẽ sơ đồ vị trí cửa hàng bán tài sản chiếm được tại TP Hồ Chí Minh, từ đó cơ quan điều tra đã tới xác minh. Mặc dù chủ cơ sở đó không nhận dạng được Hải, nhưng những lời khai bán điện thoại bao nhiêu tiền, ghi phiếu tính tiền như thế nào… của Hải đều khớp với cửa hàng. Xin được nói thêm rằng đây là bản tự khai của Hải, trên cơ sở đó cơ quan điều tra lần theo manh mối để xác minh.
Trở lại với lời khai của cô Ngân (bán hoa quả) và anh Đinh Vũ Thường. Lịch sử cuộc gọi ngày xảy ra vụ án mạng xác định 19 giờ 39 phút 22 giây, Đinh Vũ Thường có mặt tại Bưu cục Cầu Voi. Khi đó, anh Thường thấy một người phụ nữ ngồi nói chuyện với một nam thanh niên trong ghế salon bưu cục. Người thanh niên này, dù anh Thường không thể nhận diện nhưng mô tả về ngoại hình, quần áo, hành vi lúc đó đều khớp với lời khai của Hải: “Áo trắng kẻ sọc, tóc hai mái, dùng điện thoại, có xe dream có gọng gương chiếu hậu ngắn đỗ ở sân…”.
Còn lời khai của chị Ngân, cho biết trước thời điểm xảy ra án mạng, có một cô gái ở bưu cục ra mua hoa quả. Cô này kể nay bưu cục có khách, tiền do vị khách nữa. Lời khai này được lấy ngay sau hôm án mạng xảy ra, trước thời điểm Hồ Duy Hải bị bắt, cho thấy sự khách quan, phù hợp với diễn biến vụ án.
Đây là một phiên tòa đặc biệt, có sự tham dự của đại diện cơ quan chức năng Quốc Hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Nội chính Trung ương, đại diện Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, đại diện Bộ Công an, cơ quan tố tụng cấp phúc thẩm và sơ thẩm… (tổng hàng trăm người). Vậy nên, yên trí là phiên tòa khách quan, công tâm.
Nhận xét
Đăng nhận xét