Dã tâm bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông thì ai cũng thấy rõ. “Ông lớn” này cậy nước to, tiềm lực lớn nên gần như bất chấp luật pháp, công ước quốc tế. Vậy nếu cứ đương đầu đối diện để huých nhau có giải quyết được vấn đề bảo vệ chủ quyền hợp pháp của ta trên Biển Đông?
Tôi ủng hộ quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế trước bất cứ hành vi vi phạm nào đối với vùng biển, thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Chính phủ đã thường xuyên chỉ đạo các bộ, ngành huy động tổng lực, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng-an ninh, ngoại giao-chính trị, kinh tế-xã hội, dư luận và tuyên truyền hợp tác giải quyết vấn đề và các biện pháp khác nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), trong đó có việc thực thi chủ quyền trên biển, bảo vệ các hoạt động kinh tế biển như hoạt động hợp tác thăm dò khai thác dầu khí của các doanh nghiệp, hoạt động đánh bắt bình thường của ngư dân trên các vùng biển Việt Nam.
Trước các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán cũng như các quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông, Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo rất kiên quyết, rốt ráo, bên cạnh hoạt động đấu tranh trên thực địa, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, các cơ quan Chính phủ và các Cơ quan đại diện ở ngoài nước đã kịp thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành đấu tranh ngoại giao ở các cấp, các kênh khác nhau, dưới nhiều hình thức, thường xuyên liên tục bác bỏ yêu sách phi lý, vi phạm của Trung Quốc trên Biển Đông.
Bộ Ngoại giao thường xuyên và kịp thời tuyên bố, trả lời phỏng vấn, qua đó củng cố lập trường và bảo đảm lợi ích của Việt Nam; qua nhiều kênh kịp thời thông tin trong dư luận và các diễn đàn quốc tế. Riêng trong năm 2019, Người Phát ngôn BNG ta đã trả lời hơn 100 câu hỏi về Biển Đông; khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, lập trường và chủ trương giải quyết vấn đề của Việt Nam; cung cấp quan điểm, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, hài hòa lợi ích quốc gia với các luật pháp quốc tế; đồng thời chính thức cung cấp thông tin về một số diễn biến phức tạp tại Biển Đông và lập trường nhất quán của ta trong giải quyết vấn đề Biển Đông, phản bác các thông tin sai lệch ảnh hưởng đến hiệu quả đấu tranh gìn giữ chủ quyền cũng như ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia.
Đối với Trung Quốc, Việt Nam tăng cường tiếp xúc, đối thoại, trao công hàm, giao thiệp phản đối, trong các dịp tiếp xúc và chuyến thăm cấp cao, hội đàm song phương, trao đổi bên lề các hội nghị quốc tế và diễn đàn đa phương hoặc trong khuôn khổ các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc; kiên quyết bác bỏ các yêu sách phi lí và hoạt động vi phạm của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc phải chấm dứt ngay và không tiếp diễn các hành động làm phức tạp tình hình, xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, nhất là hoạt động quân sự hóa, cản trở các hoạt động phát triển kinh tế biển chính đáng của Việt Nam.
Đối với các nước, các đối tác, bạn bè gần xa, các tổ chức quốc tế và khu vực, tôi thấy Việt Nam ta chủ trương chủ động tiếp xúc, thông tin, vận động sự ủng hộ của cộng đồng và dư luận quốc tế, làm rõ để các nước hiểu chính sách của Việt nam. Lập trường và chính nghĩa của Việt Nam được nhiều nước trong và ngoài khu vực ủng hộ, ghi nhận trong các văn kiện của các hội nghị quốc tế có liên quan. Đồng thời, nhiều nước cũng có tiếng nói mạnh mẽ phê phán các hành động đơn phương, vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.
Chuẩn bị hồ sơ đấu tranh pháp lý để đưa ra quốc tế vào thời điểm thích hợp.
Tôi đồng tình với quan điểm mà Bộ Quốc phòng đã khẳng định, “kiên quyết, kiên trì”, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ kiên quyết không nhân nhượng, song phải có đối sách phù hợp, vì truyền thống văn hóa giữ nước của chúng ta là hòa hiếu, hòa bình, giữ vững chủ quyền biển, đảo nhưng phải ổn định chính trị, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Đồng tình kiến nghị Chính phủ có biện pháp kiên quyết hơn nữa đối với hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc. Xem xét giải pháp khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Và chúng ta cũng yên tâm rằng cơ quan chức năng của CP đã, đang tích cực chuẩn bị, thu thập tài liệu, chuẩn bị sẵn hồ sơ đấu tranh pháp lý đưa ra quốc tế vào thời điểm thích hợp.
Điều rất mừng là, nội dung giáo dục về biển đảo cũng đã được đề cập khá toàn diện trong các trường học, ở nhiều bài học trong sách giáo khoa hiện hành của một số môn học cấp THCS, THPT, ĐHCĐ, ở các môn khoa học xã hội và lịch sử các địa phương. Các cơ sở giáo dục đã kết hợp các hoạt động ngoại khóa để giáo dục chủ quyền biển đảo, giáo dục lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương như ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu…
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung biển đảo đã được quy định trong chương trình các môn Tự nhiên và xã hội, Khoa học, Lịch sử và Địa lí (ở cấp tiểu học); Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí (ở cấp THCS); Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật (ở cấp THPT).
Kết quả những nỗ lực bảo vệ chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên biển Đông như vậy rất cần được tiếp tục phát huy mạnh mẽ. Đây cũng là kết quả nỗ lực của nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Hiện nay, trên mạng xã hội nhiều thong tin lợi dụng sự phức tạp của vấn đề, sự ngang ngược của Trung Quốc để nói xấu Đảng, Nhà nước, kích động nhân dân. Cho nên để cuộc đấu tranh này thắng lợi, rất cần mọi người dân Việt Nam hiểu rõ, có trách nhiệm đóng góp, tùy theo sức của mình, nhưng cần nhất là bình tĩnh, nắm chắc chứng cứ lịch sử, pháp lý, luật biển quốc tế để tuyên truyền lan tỏa trên không gian mạng. Đồng thời bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng tình hình phức tạp trên Biển Đông để kích động, lôi kéo tụ tập gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…/.
Nhận xét
Đăng nhận xét