Hỏi: Vì anh xuất thân trong một gia đình danh gia vọng tộc, với ông ngoại là Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, ông nội là NGND Nguyễn Lân, bố là ĐBQH – GS Nguyễn Lân Dũng… Với gia thế như thế, năng lực như thế, vị trí như thế, lý do gì anh lại chưa vào Đảng?
PGS. BS Nguyễn Lân Hiếu: Vì tôi bận quá. Tôi dường như không có thời gian đi học cảm tình Đảng từ thời sinh viên đến giờ. Lúc ở trường thì bận học, đến lúc đi làm thì bận công việc. Nên chuyện đó qua đi.
Tôi không vượt qua được cảm giác, hầu như những người có tuổi trên 35, khi công việc ổn định rồi, đa phần chủ yếu sắp sửa để làm chức này, chức kia, để quy hoạch bổ nhiệm. Như vậy, khi vào Đảng tôi lại cảm giác mình đang muốn lên chức. Chính vì thế tôi mang tâm lý e ngại, không muốn tham gia vào lớp cảm tình Đảng.
Mà ít người biết rằng, trong gia đình chúng tôi không có ai là Đảng viên, trừ mẹ tôi, vì bà là Đại tá quân đội. Bố tôi, ông nội tôi, ông ngoại tôi cũng không phải Đảng viên. Nhưng tôi đã chứng kiến họ sống một cuộc đời tử tế, cống hiến hết mình cho đất nước, yêu nước đến mức không ai có quyền nghi ngờ nhân cách của họ.
Tôi muốn học họ! Dù có vào Đảng hay không tôi và gia đình vẫn cống hiến hết mình cho đất nước, để làm sao cho xã hội tốt đẹp hơn.
Hỏi: Anh có biết lý do vì sao mà ông ngoại anh – cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên – dù là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nhưng lại không vào Đảng?
PGS. BS Nguyễn Lân Hiếu: Vì đó là yêu cầu của Bác Hồ với ông ngoại tôi. Năm đó, Bác Hồ đề nghị ông ngoại tôi không vào Đảng để phục vụ tốt nhất cho Chính phủ lâm thời, vì tình hình đất nước cần thiết phải như thế. Và ông tôi đã giữ lời hứa với Bác.
Ông mất từ khi tôi còn bé quá. Tôi chỉ nhớ cảnh ông đón tôi ở nhà trẻ, đi xe Vonga. Những điều tôi biết về ông ngoại mình chủ yếu qua báo chí hay qua lời cha mẹ kể lại. Họ nói, ông là người trí thức vĩ đại, luôn đau đáu với công việc. Là một người luôn luôn cống hiến hết sức vì hệ thống giáo dục của nước nhà phát triển tốt nhất, không nề hà bất kể một lý do gì.
Những năm cuối cuộc đời khi ông ngoại tôi làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, tôi được nghe kể lại rằng, vì không phải là Đảng viên, nên đương nhiên ông không tham gia Đảng ủy. Vì thế nên quyền quyết của ông trong nhiều vấn đề giáo dục bị ảnh hưởng nhiều. Điều đó khiến ông có đôi lúc chạnh lòng, nhưng vì lời hứa với Bác Hồ, đến phút cuối đời, ông tôi vẫn kiên định với việc là một trí thức đứng ngoài Đảng.
Tôi luôn tự hào về gia đình mình. Nhiều người trong gia đình tôi ở ngoài Đảng, nhưng tôi tin họ yêu nước và cống hiến cho đất nước nhiều hơn rất nhiều người khác. Cả đời bố tôi, tôi chưa từng chứng kiến ông làm bất cứ điều gì xấu, ảnh hưởng đến đất nước, đến dân tộc, đến Đảng. Lúc nào ông cũng muốn mọi sự phát triển nằm trong khuôn khổ của Đảng.
Hỏi: Nhưng giống như ông ngoại mình, việc anh không phải là Đảng viên, theo nhiều quy định hiện nay, sẽ khiến anh khó khăn hơn trong cơ hội thăng tiến, khiến tầm ảnh hưởng của anh bị hạn chế?
PGS. BS Nguyễn Lân Hiếu: Anh họ tôi, GS Tôn Thất Bách cũng không phải là Đảng viên, nhưng anh Bách vừa là Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội, vừa là Giám đốc BV Việt Đức. Bác tôi, GS Tôn Thất Tùng từng làm Thứ trưởng Bộ Y tế, cũng không phải Đảng viên.
Tôi cho rằng, một số người không thực sự có khả năng, thoái hóa, thì lại hay vin vào cái cớ có là Đảng viên hay không, để tố nhau nhau đủ tiêu chuẩn. Nhưng những người làm khoa học như nghề Y chúng tôi thì không đặt nặng vấn đề đó. Tất nhiên, tôi không phải là Đảng viên thì tôi cũng không thể làm Ủy viên Bộ này, Bộ kia. Nhưng cũng không ai có thể ngăn trở việc tôi làm chuyên môn được cả.
Năm xưa, chẳng phải đã có bao nhiêu trí thức Tây học nổi tiếng đã từ bỏ cuộc sống vật chất đủ đầy để đi theo tiếng gọi của Bác Hồ, của Đảng đó hay sao? Đấy là những người cực kỳ yêu nước. Nhiều người như thế chưa từng làm một điều gì xấu cho Đảng. Thế nên chúng ta đâu cần e ngại họ?
Nhận xét
Đăng nhận xét