Trong bài viết gửi Báo Nhân Dân năm 2019, ông phác họa bức tranh về các tổ chức chính trị của người Việt ở hải ngoại, hy vọng qua đó mong giúp các bạn trẻ có thêm kinh nghiệm, đồng thời có thể rút ra một số bài học, tránh đi vào vết xe mà ông đã trải qua.
Bài viết đạt giải A Báo Nhân nhân. Chúng tôi cho rằng đó là thái độ chân thành và có trách nhiệm. Xin giới thiệu bài báo để bạn đọc tham khảo.
Năm 1975, khi đang là cậu bé 13 tuổi, tôi cùng gia đình sang Mỹ. Là hậu duệ của “Việt Nam cộng hòa” (VNCH) nên lúc đó tôi suy tư theo cách suy tư của người VNCH chống lại cộng sản. Năm 1983 vào đại học, tôi tiếp xúc với nhiều đảng phái, tổ chức của người Việt ở hải ngoại.
Tổ chức đảng phái nào cũng mong muốn có những người “trẻ” như tôi lúc đó tham gia để phát triển tổ chức. Cuối cùng tôi tham gia “Mặt trận Việt Nam tự do” của các ông Hà Thúc Ký, Nguyễn Văn Kim. Đến năm 1996, tôi gia nhập “Đại Việt cách mạng đảng” của ông Hà Thúc Ký. Cuối năm 1999, tôi chính thức rời khỏi đảng này vì thấy lãnh đạo của tổ chức “tranh giành quyền lực” hơn là “lo cho nước, cho dân” như họ vẫn tuyên truyền. Những gì tôi viết trong bài này là trải nghiệm của bản thân tôi trong hơn 30 năm để chia sẻ với các bạn trẻ, ngõ hầu giúp các bạn tránh đi vào vết xe mà tôi đã đi, tốn biết bao nhiêu công sức, thời giờ, tâm huyết, tưởng là mình đóng góp xây dựng đất nước mà trên thực tế lại làm công cụ cho những mưu đồ tham vọng của nhóm này, người nọ.
1 – Về các đảng phái trước năm 1975: Các đảng phái thành lập trong thời chống Pháp dù chưa đi đúng hướng như “Việt Nam Quốc dân đảng” với người sáng lập như Nguyễn Thái Học đều là những người yêu nước, nhưng khi ra hải ngoại, những người kế thừa lại phân hóa trầm trọng. Họ sử dụng tổ chức và đảng phái làm công cụ cho mưu đồ tranh giành quyền lực cá nhân, phe nhóm. “Đại Việt” có chủ trương “lãnh tụ chế” với lý do cộng sản là tổ chức chặt chẽ thì đấu tranh chống cộng cần có một lãnh tụ để bảo vệ bí mật.
Điều này là nghịch lý và gây phân hóa trầm trọng để rồi ngày càng tách thành nhiều hệ phái, nhiều lãnh tụ, ai cũng cho rằng chỉ có họ mới giỏi nhất, mới làm đúng đường lối nhất, những người khác là sai, hoặc là theo “đơn đặt hàng của cộng sản”, dẫn tới mâu thuẫn và hệ lụy như:
Họ kêu gọi đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhưng lại coi cá nhân lãnh tụ là quyền lực tối thượng như thần thánh, bất khả xâm phạm, hầu như kế sách vạch ra chỉ để chiều theo ý muốn của lãnh tụ. Tôi từng góp ý với ông Hà Thúc Ký để phê phán tiêu cực, hoặc góp ý xây dựng ý tưởng tích cực mà không theo bè phái thì lập tức bị trù dập, bị chụp “cái nón cối”, vì thế tôi quyết định lập tức rời khỏi tổ chức này. Trước khi ra khỏi tổ chức, tôi viết thư gửi ông Hà Thúc Ký, đóng dấu văn phòng của tôi để chứng nhận điều tôi viết, đề nghị trong lúc ông Hà Thúc Ký còn sống thì công khai trực diện với tôi, còn không thì sau khi ông mất, những gì tôi viết về ông là từ lương tâm của tôi chứ không phải từ động lực nào khác. Và tôi không có chút áy náy.
Vì xây dựng trên quan niệm “lãnh tụ chế” nên lãnh đạo các đảng phái của người Việt ở hải ngoại sống trong ảo tưởng, họ nghĩ rằng một ngày nào đó mình nắm quyền điều hành đất nước, quyền sinh sát trong tay, nên, dù chưa nắm quyền hành gì, cách hành xử của các vị này rất trịch thượng, kiêu căng, vì sống trong ảo mộng. Ai không làm theo ý thì tìm cách triệt hạ, dù người bất đồng là thành viên đóng góp tâm huyết một cách không vụ lợi; do vậy, nạn quăng “nón cối” lên đầu thành viên lại từ lãnh đạo, và đảng phái bị tách ra làm 2, rồi làm 4, rồi làm 8.
Hiện nay, mỗi đảng phái như vậy chí ít cũng có 5 hệ phái, có hệ phái chỉ vài người, hệ phái khá nhất cũng chỉ khoảng trăm người. Năm 1990, trong cuộc họp ở San Francisco (San Phran-xít-cô), lãnh đạo “Đại Việt cách mạng” và “Đại Việt quốc dân” quyết định hợp nhất, nhưng vì quan niệm “lãnh tụ chế” nên không ai chịu nhường ai, để rồi cả hai trở thành “đồng chủ tịch” trong thời gian ngắn, sau đó thì lại tách ra, làm trò cười cho thiên hạ. Điều này làm cho tôi hiểu tại sao trước năm 1975, “Việt quốc” chủ trì vùng Quảng Nam, “Đại Việt” chủ trì ở Thừa Thiên, thành viên nào bước qua vùng bên kia thì bị trù dập không nương tay. Nên tôi tự hỏi, họ lo cho dân cho nước hay lo cho quyền lợi và quyền lực cá nhân, phe nhóm?
Đa phần thành viên các đảng phái này lúc đầu muốn cống hiến tâm huyết cho việc chung, nhưng qua thời gian, bị lãnh đạo lạm dụng và qua bao biến thiên, họ thấy không đi về đâu nên nản chí, quay về sống thụ động, không dám nói gì hết, vì nói ra thì bị kết án là phản đảng, bị cộng sản mua chuộc; ai không khuất phục, quyết tìm con đường hợp với suy tư của mình thì trở thành kẻ thù, và bị thù còn hơn thù cộng sản. Tôi là một trong các nạn nhân của bối cảnh và mâu thuẫn này trong 20 năm qua.
2 – Về các tổ chức, đảng phái sau năm 1975: Sau chiến thắng của những người cộng sản vào ngày 30-4, nhiều quân nhân của “quân lực VNCH” di tản sang nước ngoài, họ quây quần lại với nhau, lúc đầu thành lập nhóm sau dần thành “mặt trận”, có nhóm thành lập tổ chức, trong đó phải kể đến “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam” (“mặt trận”) của Hoàng Cơ Minh. Với thành viên lúc đầu là cựu quân nhân của “quân lực VNCH”, tổ chức của Hoàng Cơ Minh chủ trương bạo lực, và khi Hoàng Cơ Minh bị tiêu diệt tại Lào năm 1987, thì “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam” đã biến hình, để tới năm 2001 thành “đảng Việt tân” (chính quyền Việt Nam coi “Việt tân” là tổ chức k.h.ủ.n.g b.ố).
“Việt tân” có nguồn lực tài chính vì trước đó “mặt trận” đã quyên góp được chút tiền bạc rồi kinh doanh có lời, nên tài chính là huyết mạch giúp “Việt tân” có thể sống tới ngày hôm nay, cho dù bị chính người hải ngoại đã có nhiều đợt và nhiều cao trào tẩy chay. Khi tẩy chay “Việt tân”, họ cho rằng tổ chức này có quá nhiều thủ đoạn, không thành thật trong vụ quyên tiền, không thành thật về cái c.h.ế.t của Hoàng Cơ Minh, gian dối tuyên truyền thổi phồng lực lượng, thủ đoạn với chính các thành viên… thậm chí nhiều người còn khẳng định rằng, nếu “Việt tân” may mắn được nắm quyền chắc chắn sẽ đưa đất nước vào nội loạn, nồ.i d.a x.áo t.hịt. “Việt tân” chủ trương “đa đảng” nhưng kiểu dân chủ đa đảng vô trật tự, tiêu biểu nhất là tại Hội đồng TP Westminster (Oét-min-tơ) hiện nay lục đục, nát như tương.
3 – Về các thứ “chính phủ”: Một số người Việt ở hải ngoại hám danh sống trong ảo tưởng, tự lập “chính phủ” và tự phong mình làm “thủ tướng”, có “chính phủ” chỉ có một người nhưng dành cả thời giờ lên mạng tung đủ tin giả ồn ào chỉ đánh bóng cái danh hão của bản thân. Có “chính phủ” quy tụ vài trăm người. Như “chính phủ” của ông Nguyễn Hữu Chánh, được dư luận gọi là “chú phỉnh”, vì ông Nguyễn Hữu Chánh lập “chính phủ” chỉ để ai nhẹ dạ nghe theo thì mất tiền. Hết năm 2001, đến năm 2002, đến năm 2008,… Nguyễn Hữu Chánh tuyên bố về tiếp thu “chính quyền”, rồi không có gì, nay lại nói là đã thành lập “đảng dân tộc” có khoảng hơn vài chục người với những ông già trên 80 tuổi, tuyên bố sẽ dẫn phái đoàn đi Hoàng Sa, Trường Sa. Nói mãi ai nghe cũng sượng sùng, vì bịp quá trắng trợn.
Gần đây ồn ào nhất là “chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” phường chèo của Đào Minh Quân (chính quyền Việt Nam cũng coi “chính phủ” này là một tổ chức khủng bố). Đào Minh Quân không có thực lực như Nguyễn Hữu Chánh, nhưng có khả năng phịa chuyện trên mạng, một số người dân trong nước không biết lại tưởng là thật, liền bị sập bẫy giống như gia đình ông Vương Văn Thả ở miền tây. Đào Minh Quân bỏ ra ít tiền thuê mấy em trẻ đ.ặ.t b.o.m k.h.ủ.n.g b.ố ở phi trường Tân Sơn Nhất, các em trẻ bị bắt, bị k.ế.t án ở tù, Đào Minh Quân phủi tay. Bà Angel Phan ở San Diego (San Đi-ê-gô), nghe lời dụ dỗ ngon ngọt của Đào Minh Quân, lò mò về Việt Nam theo chỉ đạo từ Đào Minh Quân. Angel Phan bị bắt và phải nhận án tù, Đào Minh Quân lập tức tránh xa gia đình bà, tảng lờ như không biết. Ở Nam California (Ca-li-pho-ni-a), Đào Minh Quân tới đâu đều bị coi như “ghẻ”, các tổ chức và hội đoàn biết Đào Minh Quân chuyên môn chơi trò “chôm credit (tín dụng)” nên tẩy chay, và đuổi Đào Minh Quân như đuổi tà.
Vì một số người muốn được làm “thủ tướng, tổng thống” mà bây giờ tại hải ngoại “chính phủ” mọc ra như nấm, tựu trung chỉ vì muốn làm “lãnh tụ” để khoe trên mạng, không cần biết hệ lụy tới đâu, như “nhà tiên tri vũ trụ”, “chính phủ pháp định”,… rồi nay “chính phủ” này ra thông báo đánh nhau với “chính phủ” kia, mai “chính phủ” kia ra tuyên bố kết án “chính phủ” nọ làm tay sai cho nước này nước khác. Họ tính truyền bệnh tâm thần vào người dân Việt Nam ở trong nước, nên mong bà con hãy tỉnh táo. Mấy cái thứ “chính phủ” này về Việt Nam thì không biết đâu mà lần, và sẽ loạn ngay.
Lời kết: Chuyện đất nước là chuyện hệ trọng, phải cân nhắc kỹ lưỡng, và không phải là chuyện đùa, hoặc vô tổ chức. Người Việt ở nước ngoài có quá nhiều đảng phái, tổ chức, hội đoàn, chính phủ, nhóm, không ai phục ai, ai cũng muốn làm “lãnh chúa trong giang san CÁI TÔI” đầy kịch tính của họ, mà họ còn muốn mang cái quan niệm này về áp dụng cho đất nước, thì đó là mầm họa loạn lạc của dân tộc đưa đến mất nước. Sự loạn lạc đó đã và đang được chứng minh qua hoạt động chính trị của một số người trong các cộng đồng Việt Nam trên thế giới, không có quyền, không có tài chính, chỗ nào cũng phân hóa chia năm xẻ bảy, phe này “choảng” phe kia hằng ngày.
Chỗ nào có chút thực quyền và lợi ích như hội đồng thành phố thì nạn chụp mũ, phân hóa như đang xảy ra ở Westminster, làm ô nhục cộng đồng gốc người Việt. Đa đảng dân chủ kiểu này mang về áp dụng cho Việt Nam thì đất nước sẽ loạn, nước ngoài sẽ lợi dụng phân hóa, nguy cơ mất nước không còn là giả thuyết. Vì thế tôi kêu gọi các bạn trẻ hãy cảnh tỉnh cao độ trước cảnh đa đảng, dân chủ loạn cào cào này, vì đó sẽ là sự tiêu vong của dân tộc Việt.
HOÀNG DUY HÙNG
(Houston, ngày 21-10-2019)
P/s: Luật sư Hoàng Duy Hùng là người Mỹ gốc Việt ở Houston (Hiu-xtơn, Mỹ) và là cựu Ủy viên Hội đồng của thành phố này. Như đã đôi lần công khai tâm sự, ông cho biết mấy chục năm trước từng hoạt động chống đối Việt Nam, song từ khi nhận ra lòng yêu nước của mình đặt không đúng chỗ, ông đã tự điều chỉnh và thay đổi.
Nhận xét
Đăng nhận xét