Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, cộng đồng quốc tế chia ra làm hai hệ thống:
1- Hệ thống các quốc gia tư bản chủ nghĩa, tiêu biểu là Mỹ, Anh, Pháp,… và 2- Hệ thống các nước (gọi là ) xã hội chủ nghĩa, tiêu biểu là Liên xô, các nước Đông Âu và Trung quốc.
Sau khi Liên xô tan rã vào 1989-1991, cộng đồng quốc tế không còn chia ra làm hai hệ thống nữa,… tất cả đều nằm trong một cộng đồng nhân loại nói chung, tuy các quốc gia dân tộc vẫn còn sự khác biệt về chế độ chính trị,… vẫn còn nhiều quốc gia tuyên bố đi theo con đường xã hội XHCN, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là các quốc gia có chế độ chính trị khác nhau không còn sự đối đầu về chính trị, kinh tế xã hội,…mà đều thừa nhận Hiến chương Liên hợp quốc cùng với nguyên tắc tôn trọng chế độ chính trị của nhau, hai bên cùng có lợi,… đồng thời tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, nhất là Luật biển-UNCLOS, 1982.
Vừa qua – vào ngày 6/8/2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có cuộc điện đàm trực tuyến, trao đổi với ông Phạm Bình Minh, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam (nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ – Việt Nam) trong năm 2020. Chủ đề về quan hệ quốc tế và hai nước cũng đã được nhắc lại. Trong cuộc điện đàm này, hai ông Mike Pompeo và Phạm Bình Minh đã “tái khẳng định sức mạnh, sự bền vững của quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước”. Tuy nhiên trong cuộc trao đổi này hai bên chưa đề cập đến chủ đề “nâng cấp quan hệ hai quốc gia lên quan hệ cao hơn – quan hệ “đối tác chiến lược”.
Cảm nhận được vấn đề chính trị liên quan đến chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông và quyền tự do hàng hải, hàng không trên biển đông, ông Mike Pompeo nhấn mạnh “sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với các quốc gia ven biển tại Đông Nam Á nói chung trong đó có Việt Nam về việc bảo vệ các quyền chủ quyền và lợi ích của mình theo luật pháp quốc tế. Đồng thời ông ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của “một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Về vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN, ông Mike Pompel đã cám ơn Việt Nam nhất là về vai trò điều phối của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch Covid-19.
Đáp lời ông Mike Pompeo Bộ trưởng Phạm Bình Minh “khẳng định Việt Nam coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu”của Việt Nam. Ông Phạm Bình Minh còn nhấn mạnh: “quan hệ Việt Nam – Mỹ ngày càng phát triển sâu rộng và thực chất trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị – ngoại giao, kinh tế – thương mại, an ninh – quốc phòng đến khoa học – công nghệ, giao lưu nhân dân”.
Còn nhớ trong dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ ngày 2/7/2020, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink bình luận rằng quan hệ hai nước “chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay”. Ông Daniel Kritenbrink cho rằng “hai nước cam kết sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ này và hợp tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ những giá trị chung về một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, cởi mở, thịnh vượng, không còn tình trạng cá lớn nuốt cá bé. Và “sự hợp tác này sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn nữa bất kể chúng ta gọi tên mối quan hệ đó là gì”.
Có người cho rằng, quan hệ ngoại giao “ba bên”: Mỹ-Trung Quốc-Việt Nam, Hà Nội dường như đang đứng ở “ngã ba đường”. Vậy câu trả lời cho quan hệ Việt Nam- Trung quốc; Việt Nam- Hoa kỳ hiện nay như thế nào?
Thiết nghĩ quan hệ chính trị ngoại giao, kinh tế của Việt Nam ngày nay đã khác thời kỳ chiến tranh lạnh. Còn nhớ trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Việt Nam nằm trong hệ thống các nước xã hội XHCN- Một hệ thống chính trị, đối lập với hệ thống tư bản chủ nghĩa. Điều này là dễ hiểu, vì đó là thời kỳ Việt Nam kháng chiến chống đế quốc xâm lược, trong đó Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ to lớn của các nước XHCN, nhất là của Liên Xô (nay nước Nga là một thành phần quan trọng…) và Trung Quốc,…
Ngày nay tình hình chính trị quốc tế đã thay đổi cơ bản. Hai hệ thống chính trị (hệ thống XHCN và TBCB) dường như đã hòa tan trong cộng đồng quốc tế. Quan hệ quốc tế ngày nay của Việt Nam dựa trên lợi ích quốc gia dân tộc và nhận thức mới về “đối tác”và “đối tượng”.
Khác với thời kỳ chiến tranh lạnh, Việt Nam “sẵn sàng chia sẻ” lợi ích quốc gia với lợi ích chung của hệ thống XHCN,… ngày nay, Việt Nam luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Nói như vậy không có nghĩa Việt Nam không có sự khác biệt trong ứng xử với các quốc gia có chế độ xã hội khác nhau. Ngày nay Việt Nam vẫn luôn luôn nhớ ơn các quốc gia đã từng giúp đỡ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược, trong đó có nhân dân Liên xô (ngày nay là nước Nga và nhiều nước cộng hòa,…) và nhân dân Trung Quốc.
Tuy nhiên ngày nay Việt Nam luôn luôn đứng trên lợi ích quốc gia, đặc biệt là bảo về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải để xác định “đối tác”, và “đối tượng”của cách mạng của Việt Nam: “Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác”. “Bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta”[1].
Không quên quá khứ- cho dù quốc gia nào đó đã từng gây ra chiến tranh xâm lược Việt Nam (trong các thời kỳ lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX ), cho dù ngày nay quốc gia đó là chế độ xã hội gì,…Việt Nam vẫn dựa trên hành động thực tế, dựa trên lợi ích quốc gia dân tộc để xác định họ là bạn bè hay kẻ thù của dân tộc Việt Nam.
Lợi ích quốc gia là trên hết!
Nhận xét
Đăng nhận xét