Từ trước đến nay, khi nhắc về người hâm mộ
K-pop, người ta hay gắn chữ “cuồng” vào, người ta truyền tải nhau về những hình
ảnh khóc lóc hay chen chúc để thấy thần tượng, hoặc dành một đống tiền để mua
những ấn phẩm liên quan đến thần tượng hay những tranh cãi không đầu cuối trong
nội bộ cộng đồng mà người ngoài đôi khi thấy nhạt nhẽo.
Khi nhắc đến cộng đồng hâm mộ K-pop nói chung,
người ta sẽ nghĩ ngay đến điều gì? Một đám trẻ trâu hay những người đang học
lớn? Một đám con nít cuồng thần tượng với suy nghĩ nông nổi và bất cần?
-Tụi bay chỉ biết thần tượng chứ yêu gì Đất
Nước
-Toàn một đám ngửa tay xin tiền bố mẹ…
-Fan K-pop đã làm được gì cho Tổ Quốc?
Những câu hỏi đó vẫn thường xuyên được đem ra
để chỉ trích và miệt thị.
Nhưng, còn những hành động khác, mà có rất
người nhiều thấy hoặc biết, nhưng họ cố tình phớt lờ hoặc bẵng đi.
Xin thứ lỗi vì mình không thể liệt kê hết
những gì mà các bạn ấy làm vì nó…nhiều quá. Không phải chỉ là những phong trào
kêu gọi mới đây, hướng về miền Trung từ cộng đồng người hâm mộ BTS, EXO hay
Blackpink…, mà những câu chuyện từ thiện của các bạn hâm mộ K-pop đã diễn ra
trong bao nhiêu năm tháng qua, bao nhiêu chiến dịch đã được thực hiện, từ việc
góp gạch xây Trường Sa, ủng hộ chống dịch, góp đá xây nhà tình nghĩa, xây trường
vùng cao, xây cầu miền Tây, rồi những ủng hộ đến các trung tâm trẻ em khuyết
tật hay người già neo đơn, hiến máu, hiến tạng.
Kiểu như nói vui một chút là ở đâu cũng thấy
các bạn ấy có mặt.
Những người ấy cho rằng những bạn này “lấy
tiền của cha mẹ để ủng hộ, phải cám ơn cha mẹ chúng nó chứ cám ơn chúng nó làm
gì”, “sao không lấy danh nghĩa nào đó liên quan đến Việt Nam mà lại lấy danh
nghĩa thần tượng?” hay cạnh khóe kiểu như “Fan K-pop toàn trẻ trâu mà giàu có
nhỉ”.
Lại quy chụp “lấy tiền cha mẹ để ủng hộ”, căn cứ nào lại phát ngôn như vậy? Đúng là fan K-pop có nhiều người trẻ, mà người trẻ thì thường không làm ra tiền, nhưng “không làm ra tiền” thì có thể “tiết kiệm” được mà? Việc tiết kiệm tiền ăn sáng, tiền tiêu vặt… để ủng hộ từ thiện là việc cần được khuyến khích, vì điều đó cho thấy trách nhiệm và sự trưởng thành trong suy nghĩ của tụi nhỏ.
Câu chuyện “mượn danh thần tượng” là chuyện
bình thường như ở huyện. Đơn giản chỉ là việc họ có chung một sở thích, hâm mộ
chung một nhóm, cùng sinh hoạt và trò chuyện trong một tập thể thì lấy danh
nghĩa chung ra để sử dụng, điều đó chẳng có gì đáng bàn tán cả. Nhiều chiến
dịch từ thiện, tình nguyện của fan bóng đá cũng lấy danh nghĩa câu lạc bộ, thần
tượng nước ngoài ra để kêu gọi quyên góp đó thôi.
Ngoài ra, fan K-pop đâu phải chỉ toàn là đám
trẻ ranh, có nhiều người hâm mộ K-pop từ những thế hệ đầu tiên thì bây giờ cũng
đã ở độ tuổi tầm trung, đã đi làm, có điều kiện và việc làm ổn định.
Ngoài ra, hãy chú ý rằng việc ủng hộ hầu hết
đều được tiến hành qua hình thức trực tuyến, mà để sử dụng các nền tảng trực
tuyến thì phải trên 18 tuổi. Mình tin rằng đã có nhiều bạn nhỏ đã thuyết phục
được bố mẹ, người thân, anh chị chuyển khoản ủng hộ mà những người đó thì chẳng
kêu ca gì, đằng này lại có một đám người tự dưng “kêu hộ”.
Thực sự khó hiểu vì những người luôn tự nhận
là trải đời, tự cho mình là già dặn, lại có những nhận xét phiến diện và đầy sự
hằn học như vậy. Liệu họ đã ủng hộ được bao nhiêu? Mình tin rằng những người
Việt đã ủng hộ thì chẳng bao giờ đi soi mói như vậy cả.
Hâm mộ K-pop thì vẫn là người Việt Nam, có
nghe nhạc hay hâm mộ thần tượng, thì hàng ngày, các bạn ấy vẫn là công dân Việt
Nam như chúng ta, và dĩ nhiên, cũng yêu Tổ Quốc. Khi thấy Tổ Quốc và đồng bào
gặp khó khăn, vẫn đáp lại và không bỏ mặc.
Đúng là việc ghét hay anti BTS, Blackpink,
Twice hay bất cứ nhóm nhạc K-pop nào là việc của cá nhân mỗi người. Nhưng đem
chuyện ghét/anti đó ra chỗ khác, chứ câu chuyện người hâm mộ của họ từ thiện và
quyên góp là việc rất đáng hoan nghênh và học hỏi.
Tuổi nhỏ không phải chỉ làm việc nhỏ, tuổi nhỏ
cũng có thể làm việc lớn.
Nhận xét
Đăng nhận xét