Từ năm 1967 - 1975, ông Phạm Xuân Sanh, nguyên đội trưởng đội đặc công nước 170 đã chỉ huy đánh thắng nhiều trận trên mặt trận B4 Quảng Đà, khiến đối phương phải treo thưởng 100.000 USD để lấy đầu ông.
Dù thời gian đã
lâu nhưng ông Sanh (76 tuổi, trú ở đường Trưng Nữ Vương, TP.Đà Nẵng) vẫn nhớ
như in những chiến công lẫy lừng trong suốt 9 năm chỉ huy đội đặc công hải quân
170 trên chiến trường Quảng Đà.
Tốt nghiệp khóa
huấn luyện đặc công hải quân vào tháng 10.1966, ông Sanh cùng 59 chiến sĩ khác
và tổ đài 15W xuất quân bằng xe đạp từ Quảng Yên (Quảng Ninh) vào tới Quảng
Bình. Sau hơn 2 tháng đi đêm, nghỉ ngày, đoàn đến A Vương (Quảng Nam) và chọn
núi Hòn Tàu, huyện Quế Sơn làm căn cứ, để cơ động tác chiến quanh các vùng địch
tạm chiếm như Điện Bàn, Hội An, Đại Lộc, Duy Xuyên...
Nhiệm vụ của đội
170 là đánh sập các cầu, cống chiến lược trên đường 1A, đường tỉnh chiến lược
từ Huế vào Tam Kỳ, không cho địch vận chuyển người, vũ khí, lương thực chi viện
cho các chiến dịch đánh phá ta... Đội này còn có nhiệm vụ phá hủy các kho tàng,
bến cảng ven sông; tiêu diệt các sĩ quan cấp cao của địch.
Đội 170 mà ông Sanh chỉ huy đã đánh thắng nhiều trận, khiến quân
địch tuyên bố sẽ thưởng 100.000 USD cho người bắt được hoặc giết chết Quách
Sanh (biệt danh của ông Sanh). Chỉ tính riêng từ năm 1966 - 1970, đội 170 do
ông Sanh chỉ huy đã 5 lần đánh sập cầu, trong đó cầu Giao Thủy nối huyện Đại
Lộc qua miền tây Duy Xuyên, nơi có 2 sư đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ đóng quân, bị
đánh sập 3 lần.
Để đáp trả lời
tuyên bố, đội 170 do ông Sanh chỉ huy đã ra quyết định hết sức táo bạo: đúng
ngày sinh nhật Bác Hồ 19.5.1972 sẽ đánh bồi một trận bất ngờ giữa lúc địch đang
xây mới cầu Giao Thủy. Thời điểm đánh được lựa chọn là lúc 5 - 7 giờ sáng, khi
tổ canh gác tuần tra bảo vệ cầu lơ là và chuẩn bị cho ngày lao động của lính
công binh. Một tổ chiến đấu gồm 2 chiến sĩ Hồ Phi Thiện và Giang Hồng Mão mang
theo 60 kg thuốc nổ C4 và tiếp cận mục tiêu thành công. Khoảng 8 giờ, cả công
trường thi công cầu Giao Thủy nổ tung, trụ cầu gãy và thợ cầu, máy móc rơi
xuống sông.
“Lúc này, nông
dân trên cánh đồng Quảng Huế phía Đại Lộc và nhiều bà con đi làm, đi chợ Mỹ
Lược bên Duy Xuyên kéo ra xem và kháo nhau: Bọn địch cứ rêu rao Việt cộng chỉ
là thổ phỉ trên núi đói khát, bệnh tật, gầy ốm đến nỗi 7 Việt cộng mà đu không
gãy nổi một cọng đu đủ. Thế mà hàng trăm tên lính địch bị Việt cộng đánh nhăn
răng, sợ mất mặt như gà sợ quạ”, ông Sanh kể và cho biết, cùng ngày đánh sập
cầu Giao Thủy, một tổ chiến đấu khác đã đánh sập cầu Thanh Quýt trên quốc lộ
1A.
Tham luận tại
buổi hội thảo khoa học “Đặc công hải quân - Hành trình 50 năm (1966 - 2016)
diễn ra vào ngày 25.3 vừa qua, ông Sanh đã nhắc lại trận đánh đầu tiên của đội
đặc công hải quân 170 Quảng Đà, đó là làm sập cầu Thủy Tú, mạch máu giao thông
chi viện của địch trên hai chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, Trị - Thiên - Huế.
“Lính Mỹ từng tuyên bố rằng: Nếu Việt cộng đánh sập cầu Thủy Tú thì tất cả các
sông Quảng Nam - Đà Nẵng đi Thừa Thiên - Huế sẽ chảy ngược”, ông Sanh cho biết.
Vì cầu Thủy Tú có
vị trí chiến lược quan trọng như vậy nên địch phòng bị kiên cố. Tổ trinh sát
mất 4 đêm liền bí mật đến Cồn Dâu, cách cầu Thủy Tú gần 300 m nắm tình hình,
rồi 2 ngày vùi mình trong cát nằm lại quan sát mục tiêu ban ngày. Ban chỉ huy
kết luận cầu Thủy Tú dài 720 m, cấu tạo xi măng cốt thép có 12 trụ cầu bê tông
đúc đặc, hình hột xoài (một loại trụ cầu rất khó đánh của đặc công nước). Cách
đầu cầu 100 m về phía thượng nguồn có một lớp rào dây thép gai qua sông, cứ 2
giờ có 2 chiếc bo bo đi tuần tra dọc hàng rào.
Tối ngày
2.4.1967, một tổ 3 người đã vượt sông, cắt hàng rào, đặt khối thuốc nổ vào trụ
cầu và hẹn giờ 30 phút. Đội vừa rút về nơi an toàn cũng là lúc ánh sáng chói
lòa kèm theo tiếng nổ lớn vang lên trên cầu Thủy Tú. Cầu bị sập, hai nhịp cầu
gãy gục xuống sông thành hình chữ V. Quân địch nhốn nháo, la hét om sòm, pha
đèn loạn xạ, xe cộ ùn tắc lại hai đầu cầu, bấm còi inh ỏi tìm cách tháo lui.
Ông Sanh hồi
tưởng: “Còi báo động rú lên từng hồi dài, pháo sáng các loại trong căn cứ Mỹ
gần đó thi nhau bắn lên. Rạng sáng hôm sau, đoàn xe chở viên trung tá chỉ huy
liên đoàn 10 công binh địch đến kiểm tra. Hắn đứng ngắm nghía hồi lâu rồi dò
dẫm leo lên leo xuống, sau đó bất ngờ nhảy xuống sông tự tử, chết chìm theo số
phận chiếc cầu”.
Tối 28.2.1969,
những “kình ngư” của đội đặc công 170 từ cửa sông Thủy Tú vượt biển hướng về
kho xăng Liên Chiểu (Đà Nẵng). Gần một giờ bò trong cống thoát nước, tổ chiến
đấu do Quách Sanh chỉ huy đã đánh nổ 4 bồn xăng, thiêu hủy 10 triệu lít xăng.
Ngoài ra, tối 30.10.1969, 3 chiến sĩ đội 170 còn diệt pháo hạm thuộc hạm đội 7
của Mỹ neo ở phía trong hòn Sơn Trà Nhỏ, khiến cho cả vùng biển Đà Nẵng “dậy
sóng”.
Nhận xét
Đăng nhận xét