Phải kiên quyết
không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền
tham gia Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp là yêu cầu đã được Ban Tổ chức
Trung ương bổ sung trong hướng dẫn về công tác nhân sự.
* Lựa chọn đại
biểu đủ tiêu chuẩn, đủ tâm, đủ tầm
Vừa qua, bộ Nội
vụ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử
đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 –
2026.
Thông tin về
những điểm mới trong Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về
công tác nhân sự đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp
nhiệm kỳ 2021 - 2026, ông Đặng Cao Đức, Phó Vụ trưởng vụ 5, Ban Tổ chức Trung
ương cho biết, luật Tổ chức Quốc hội và luật Tổ chức chính quyền địa phương đã
quy định cụ thể về tiêu chuẩn của ĐBQH và đại biểu Hội đồng Nhân dân.
Thông báo kết
luận số 174-TB/TW của Bộ Chính trị về phương hướng bầu cử ĐBQH khóa XV và đại
biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (Kết luận số 174) đã cụ thể
hóa đầy đủ hơn đối với người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các
cấp đang công tác tại các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính
trị-xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước. Theo đó, ĐBQH và
đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp phải là những người trung thành với Tổ quốc,
nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đối với cán bộ,
đảng viên, phải là những người tiêu biểu, xuất sắc, có quan điểm lập trường
chính trị vững vàng, có năng lực, kinh nghiệm, thể hiện trách nhiệm nêu gương,
không vi phạm những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được
làm. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân
dân tín nhiệm; có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội và Hội đồng
Nhân dân. Mặt khác, quán triệt Kết luận số 174, Hướng dẫn 36 đã bổ sung cụ thể
yêu cầu phải kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người
chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp.
Ngoài tiêu chuẩn
chung, Hướng dẫn 36 cũng quy định chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện của ĐBQH
chuyên trách và đại biểu Hội đồng Nhân dân chuyên trách.
Về tuổi tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng
Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, ông Đặng Cao Đức cho biết, đối với cán
bộ, công chức, viên chức lần đầu ứng cử phải đủ tuổi tham gia 2 khóa Quốc hội,
Hội đồng Nhân dân các cấp trở lên hoặc ít nhất trọn một khóa tính đến tháng
5/2021, nam sinh từ tháng 02/1966, nữ sinh từ tháng 01/1971 trở lại đây.
Đại biểu Quốc hội
chuyên trách tái cử (trừ các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội), đại biểu Hội
đồng Nhân dân chuyên trách tái cử phải còn đủ tuổi công tác ít nhất là 1/2
nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tính đến tháng 5/2021, nam sinh từ tháng 8/1963, nữ
sinh từ tháng 7/1968 trở lại đây (đây là điểm khác so với Kết luận 174 là nam
sinh từ 11/1963 và nữ sinh từ 11/1968 trở lại đây, vì khi ban hành Kết luận thì
Bộ luật Lao động năm 2019 chưa có hiệu lực). Riêng những người ứng cử đại biểu
Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân là cán bộ Quân đội, Công an thực hiện theo
độ tuổi quy định tại luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và luật Công an
Nhân dân.
Đối với những
trường hợp tuổi ứng cử cao hơn như Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các hội
theo Kết luận số 58-KL/TW của Ban Bí thư (về độ tuổi tham gia công tác hội) thì
do cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, quyết định. Cán bộ nữ thuộc đối
tượng nghỉ hưu ở tuổi cao hơn theo Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị định của
Chính phủ được tính tuổi công tác như nam. Cụ thể, tính đến tháng 5/2021, người
ứng cử lần đầu sinh từ tháng 01/1966, tái cử sinh từ tháng 7/1963 trở lại
đây...
* Thực hiện đúng
quy trình để tránh "chạy chức, chạy quyền"
Liên quan đến vấn
đề kiên quyết không để lọt những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội,
Hội đồng Nhân dân các cấp, chia sẻ với PV báo chí, ĐBQH Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Thường
trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: "Công tác tiếp xúc cử tri và
lắng nghe ý kiến cử tri là một điều rất quan trọng bởi một nhân sự bao giờ cũng
gắn với nơi công tác, nơi ở".
Theo ĐB Đỗ Văn
Sinh, cử tri sẽ là những người đánh giá đúng và chuẩn nhất về những nhân sự
được giới thiệu để bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp. Việc
tiếp thu ý kiến của cử tri trong cuộc tiếp xúc là điều rất quan trọng, từ đó
phát hiện ra những điều tốt hoặc không tốt của nhân sự được giới thiệu. Dân là
người giám sát, không ai qua mắt được dân. Nếu có biểu hiện tiêu cực, dù có
giấu kín tới đâu, che giấu điều gì thì cũng sẽ có thể bị bộc lộ dưới con mắt
của cử tri, của nhân dân. Do đó, việc tiếp thu ý kiến của cử tri trong cuộc
tiếp xúc là điều rất quan trọng, từ đó phát hiện ra những điều tốt hoặc không
tốt của nhân sự được giới thiệu.
Đối với vấn đề
kiên quyết không để lọt những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội,
Hội đồng Nhân dân các cấp, trao đổi với PV ĐS&PL, ĐBQH khóa XIII Bùi Thị An
cho rằng: Đó là mong mỏi của cử tri, người dân. Không phải ngẫu nhiên thực
trạng "chạy chức", "chạy quyền" lại được đề cập liên tục
trong các Nghị quyết của Đảng. Bởi lẽ, tình trạng này đã và đang diễn ra trong
thực tế, ở nhiều nơi, với nhiều hình thức, mức độ khác nhau, bằng mọi thủ đoạn,
mánh lới, lợi ích nhóm để giành được vị trí, quyền lợi như mong muốn. Mục đích
"chạy" cũng rất đa dạng: Chạy để lên chức, chạy vào biên chế, chạy
ghế, chạy bằng cấp, chạy thành tích, chạy luân chuyển...
Hình thức
"chạy" diễn ra trong "bóng tối", nơi bí mật, nên gần như
chỉ có người "chạy" và người được "chạy" biết mới nhau.
Chạy chức, chạy quyền cần xác định rõ vấn đề "chạy ai, ai chạy?".
"Ai chạy"- Đó là những phần tử cơ hội, muốn được bố trí, bổ nhiệm vào
chỗ này, chỗ kia có nhiều lợi lộc, danh giá, nhưng thiếu tiêu chuẩn, điều kiện
để bố trí, bổ nhiệm thì phải "chạy". Nhưng tệ hại là cái
"lệ" này còn làm cho cả những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện, rất
nghiêm túc cũng phải "chạy" mới yên tâm.
Chạy chức, chạy
quyền thực chất là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ như Nghị quyết
Trung ương 7 đã nhận định. Tham nhũng trong công tác cán bộ vừa có những điểm
chung của tham nhũng nói chung, vừa có những đặc thù về hành vi, về "vụ
lợi" so với tham nhũng trong các lĩnh vực khác, nhất là so với tham nhũng
trong lĩnh vực kinh tế.
"Cán bộ,
đảng viên có hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy
chức, chạy quyền liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ và các biểu hiện vi phạm
đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan
chức năng để xem xét, xử lý, nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính nội
bộ", bà An nói.
Cũng theo bà Bùi
Thị An, để lựa chọn được đúng nhân sự tiêu biểu thì trách nhiệm của đơn vị giới
thiệu ứng cử, qua giới thiệu của cử tri, nơi đơn vị ứng cử giới thiệu tiếp xúc
cử tri phải được thực hiện rất chặt chẽ, qua nhiều vòng, nhiều lần hiệp thương.
Nếu chúng ta thực hiện tốt theo đúng quy trình đã được định trước đảm bảo khách
quan, chặt chẽ thì sẽ cũng tránh để lọt được những trường hợp chạy chức, chạy
quyền.
ĐBQH khóa XIII
Bùi Thị An cho rằng, dù có nhiều quy định về tiêu chuẩn, những điều không được
làm, quy trình, quy hoạch khá bài bản, chặt chẽ nhưng trong chọn lựa cán bộ vẫn
còn để xảy ra không ít trường hợp cán bộ không đủ chuẩn vẫn vào bộ máy lãnh
đạo. Vì thế, quyết tâm từ bên trên đã có, vấn đề quan trọng cần làm là khâu tổ
chức thực hiện cũng phải bài bản, hiệu quả. Để làm được điều này, sự giám sát,
giúp đỡ của nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân trong công tác cán bộ là hết
sức cần thiết. Việc làm này trước nay cũng đã được tiến hành nhưng trong thời
gian tới cần làm tốt hơn nữa./.
Nhận xét
Đăng nhận xét