Một trong những mục
tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ ngày thành lập cách đây hơn 90
năm là xây dựng nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa (XHCN). Vậy XHCN
là gì? Con đường ấy ra sao? Đã có nhiều sách vở, công trình khoa học giải nghĩa
vấn đề này.
Mỗi học giả, nhóm tác
giả có cách tiếp cận riêng và đương nhiên mang lại hiệu ứng khác nhau. Theo
tôi, bài viết: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội
(CNXH) và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam" của GS, TS Nguyễn Phú Trọng,
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong những
bài viết có nét riêng, thuyết phục cả về lý luận và thực tiễn.
Trước hết, cách đặt
vấn đề của tác giả rất rõ ràng, thiết thực. Với góc độ là nhà khoa học xã hội
nhân văn, đồng thời là người đứng đầu Đảng ta, với bề dày thực tiễn, Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam là một
đề tài lý luận, thực tiễn rất cơ bản, quan trọng và rộng lớn, phong phú và phức
tạp cần có cách tiếp cận khác nhau. Song, bài viết này chỉ tập trung "đề
cập góc nhìn thực tiễn của Việt Nam". Cách đặt vấn đề như thế là khoa học,
biện chứng. Lấy Chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư
tưởng, kim chỉ nam cho hành động, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: CNXH
và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam "phong phú và phức tạp", do vậy
cần "có những cách tiếp cận khác nhau".
Đồng chí Tổng Bí thư
không đi sâu vào lý luận mà bằng thực tiễn cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng
Cộng sản Việt Nam, tác giả đề cập một cách thuyết phục khái niệm về CNXH. Đó là
CNXH khoa học dựa trên học thuyết Mác-Lênin. Tác giả bài viết chỉ rõ xã hội mà
chúng ta đang xây dựng bằng 5 điều "chúng ta cần":
Thứ nhất, chúng ta cần
một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người chứ không phải vì
lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người.
Thứ hai, chúng ta cần
sự phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải
gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất công, bất bình đẳng xã hội.
Thứ ba, chúng ta cần
một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến
bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công "cá lớn nuốt cá bé"
vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm.
Thứ tư, chúng ta cần
sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống
trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác,
chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường.
Thứ năm, chúng ta cần
một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do dân và phục
vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải cho một thiểu số giàu có.
Năm vấn đề "chúng
ta cần" mà tác giả bài viết nêu ra, phải chăng đó chính là "những giá
trị đích thực của CNXH và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ
Chí Minh, và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo
đuổi".
Không đi sâu vào lý
luận, bằng thực tiễn của sự nghiệp cách mạng, đặc biệt 35 năm công cuộc đổi
mới, bằng bút pháp chân thực, cụ thể, bài viết làm sáng rõ bản chất CNXH và con
đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Khái niệm "kinh tế thị trường định hướng
XHCN" được coi là bước đột phá rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta về lý
luận đã được tác giả lý giải một cách thuyết phục. Bài viết có những nhận định
xác thực về chủ nghĩa tư bản (CNTB). Tổng Bí thư thừa nhận: Vai trò của CNTB "chưa
bao giờ mang tính toàn cầu như hiện nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to
lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển
khoa học công nghệ”. Song, tác giả bài viết chỉ rõ: “Kinh tế suy thoái phơi bày
sự thật của những bất công xã hội trong xã hội tư bản chủ nghĩa; đời sống của
đa số cư dân lao động bị giảm sút nghiêm trọng, nạn thất nghiệp gia tăng,
khoảng cách giàu nghèo càng lớn, xung đột giữa các sắc tộc trầm trọng. Thị
trường tự do của CNTB không thể giúp giải quyết những khó khăn kinh tế; phong
trào phản kháng xã hội bùng nổ mạnh mẽ ở nhà nước tư bản phát triển...”. Đó là
bức tranh thực tế của CNTB.
Phương pháp tiếp cận
khoa học, biện chứng ấy giúp chúng ta hiểu thêm các vấn đề cốt lõi về xây dựng
đất nước, xây dựng Đảng mà các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản
Việt Nam đề ra. Đồng thời, giúp chúng ta củng cố niềm tin, có thêm sức mạnh để
góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước ta theo con đường mà Đảng, Bác Hồ
và nhân dân ta đã lựa chọn./.
Nhận xét
Đăng nhận xét