Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi.
Như VOV đã đưa
tin, mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm
2020. Trong phần báo cáo liên quan đến Việt Nam có một số nội dung đánh giá
tích cực hơn năm 2019, song chủ yếu vẫn có nhiều thông tin sai lệch về tình
hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, trong đó sử dụng nhiều thông tin do
“Uỷ ban cứu trợ người vượt biển” (BPSOS) cung cấp, thể hiện cách tiếp cận phiến
diện, đưa nhiều thông tin sai lệch, thiếu khách quan về tình hình tôn giáo, tín
ngưỡng của Việt Nam.
Ghi nhận tiến
triển tích cực về tự do tôn giáo ở Việt Nam
Trước hết, Báo
cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2020 đã ghi nhận một số tiến triển tích cực,
nhất là việc chính quyền quan tâm hơn đến đảm bảo tự do tôn giáo ở Việt
Nam.
Cụ thể, trong năm
2020, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tổ chức 46 khoá đào tạo cho hơn 8.800 cán bộ
Nhà nước và lãnh đạo tôn giáo, thanh tra việc thực thi Luật tín ngưỡng, tôn
giáo tại các địa phương như Nghệ An, Thanh Hoá, Quảng Ninh. Một số Uỷ ban
của của Quốc hội cũng gặp gỡ quan chức và lãnh đạo của các nhóm tôn giáo địa
phương để giám sát việc thực thi Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Bên cạnh đó, một số
tỉnh tại Tây Bắc, Tây Nguyên đã cấp đăng ký sinh hoạt cho hơn 2.200 chi hội và
công nhận 325 chi hội Tin lành. Các nhóm tôn giáo đã đăng ký được tạo điều kiện
thực hành tín ngưỡng mà ít bị chính quyền can thiệp.
Báo cáo tự do tôn
giáo quốc tế năm 2020 cũng ghi nhận một số nhà xuất bản được cấp phép để in
sách tôn giáo bằng tiếng Việt, Trung, Anh và tiếng dân tộc. Chính quyền cho
phép tù nhân tiếp cận tài liệu tôn giáo khi bị giam giữ nhưng có điều kiện kèm
theo. Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19, các cấp chính quyền vẫn thể
hiện sự quan tâm đối với những người theo đạo Phật và đạo Công
giáo nhân dịp các ngày Lễ trọng như Lẽ Phật đản, Lễ Giáng sinh.
Tuy nhiên, trong
báo cáo Tự do tôn giáo quốc tế năm 2020, Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục thể hiện
quan điểm thiếu khách quan về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và việc đảm bảo
quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Không có chuyện
“đàn áp, sách nhiễu” các hội, nhóm tôn giáo chưa được thừa nhận
Báo cáo đã trích
dẫn nhiều thông tin sai lệch của “Uỷ ban cứu trợ người vượt biển” (BPSOS) cho
rằng, chính quyền một số tỉnh Tây Nguyên đã chất vấn, đe doạ các thành viên của
một số nhóm Tin lành chưa đăng ký như “Hội thánh Tin lành đấng Christ”, “Hội
thánh truyền giảng Phúc âm”, “Hội thánh Đề ga quốc tế”. Báo cáo xuyên tạc cơ
quan chức năng Việt Nam “đàn áp, sách nhiễu” các hội, nhóm tôn giáo chưa được
thừa nhận, chưa đăng ký hoạt động, cáo buộc chính quyền địa phương “duy trì quy
trình đăng ký, công nhận không đúng với quy định”, cáo buộc chính quyền cấp
tỉnh “gây khó khăn” với các hội, nhóm tôn giáo ở vùng sâu, vùng xa hoặc vùng
các dân tộc thiểu số khi đăng ký hoạt động.
Trên thực tế, đến
tháng 12/2020, các cơ quan chức năng và địa phương ở Việt Nam đã cấp đăng ký
sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 3549 điểm nhóm Tin Lành trong cả nước, trong
đó khu vực Tây Bắc là 1037 điểm nhóm, khu vực Tây Nguyên là 1391 điểm nhóm
(chiếm tỷ lệ 68 %). Đối với các nhóm người theo tôn giáo chưa được công nhận về
mặt tổ chức hoặc chưa được cấp đăng ký hoạt động, chính quyền địa phương vẫn
bảo đảm việc sinh hoạt tôn giáo cho các tín đồ tại gia đình, điểm nhóm đã đăng
ký với chính quyền hoặc địa điểm hợp pháp theo quy định của Luật tín ngưỡng,
tôn giáo. Hiện nay, có hàng trăm điểm nhóm được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập
trung, trong đó có cả điểm nhóm của người nước ngoài.
Mặt khác, quyền
tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số được đảm bảo. Giáo hội
Phật giáo Việt Nam xây dựng Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer tại TP. Cần Thơ
để đáp ứng nhu cầu đào tạo của tu sỹ Phật giáo Nam tông Khmer. Kinh sách của
các tổ chức tôn giáo đã được phép xuất bản bằng 13 thứ tiếng dân tộc. Năm 2020,
có 5.000 bản in Kinh thánh bằng tiếng Ê đê, 3.000 bản in Kinh Thánh tiếng Jrai.
Tại khu vực các tỉnh Tây Nguyên, Bình Phước hiện có khoảng 583.000 tín đồ
Tin lành, sinh hoạt tôn giáo tại hơn 2.000 Hội thánh, điểm nhóm. Tại khu vực
miền núi phía Bắc có hơn 230.000 tín đồ là đồng bào dân tộc thiểu số sinh
hoạt tôn giáo tại 1.640 Hội thánh, điểm nhóm.
Không chấp nhận
việc lợi dụng giảng đạo để chống đối chính quyền
Báo cáo vu cáo
việc chính quyền gây cản trở và sách nhiễu khi có sự phân công và chuyển giao
công việc giữa các chức sắc tôn giáo ở các điểm nhóm địa phương chưa đăng ký
như trường hợp linh mục Nguyễn Đình Thục, Đặng Hữu Nam ở giáo phận Vinh, mục sư
Nguyễn Duy Tân ở giáo phận Xuân Lộc, Đồng Nai.
Ngày
14/2/2017, linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc (xã Quỳnh Lưu,
huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đã tổ chức cho giáo dân xứ Song Ngọc vào Tòa án
nhân dân thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh để nộp đơn khởi kiện Công ty Formosa Hà
Tĩnh đẫn đến xô xát với lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An, gây
mất an ninh trật trự. Ảnh: NTV
Về nội dung này,
theo tài liệu của các cơ quan chức năng, các linh mục kể trên thời gian qua có
nhiều hoạt động không phải là hoạt động tôn giáo thuần túy, đã lợi dụng việc
giảng đạo để chống đối chính quyền, có nhiều phát biểu đăng trên phương tiện
thông tin đại chúng xuyên tạc lịch sử Việt Nam. Những hành vi này đã vi phạm
Điều 5, Luật tín ngưỡng, tôn giáo, quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong
hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc
gia, trật tự an toàn xã hội, gây chia rẽ dân tộc, tôn giáo. Quy định này áp
dụng đối với mọi người hoạt động tôn giáo ở Việt Nam và hoàn toàn phù hợp với
khoản 3 Điều 18 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR).
Công ước này nêu rõ: Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị
giới hạn bởi pháp luật và khi giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật
tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do
cơ bản của người khác.
“Bàn thờ tôn giáo
có nhiều nhưng bàn thờ Tổ quốc có một”
Việt Nam là quốc
gia đa tín ngưỡng tôn giáo với 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, hơn
26,5 triệu tín đồ các tôn giáo (chiếm 27% dân số). Bên cạnh đó, Việt Nam cũng
là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều lưu giữ
những hình thức tín ngưỡng khác nhau với rất nhiều lễ hội truyền thống, dân
gian, tạo nên sự đa dạng trong đời sống tâm linh liên quan đến tín ngưỡng, tôn
giáo của người Việt. Tính đến ngày 31/12/2020, Việt Nam có 43 tổ chức
thuộc 16 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động, tăng 10
tôn giáo và 28 tổ chức so với trước khi thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn
giáo (2004).
Mỗi tôn giáo ở
Việt Nam tuy có lịch sử hình thành và đặc điểm khác nhau, nhưng đều tồn tại
trong lòng dân tộc. Lợi ích của từng tôn giáo cũng gắn liền với lợi ích của
quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc, tôn
trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo
là những chủ trương cơ bản của Đảng, Nhà nước ta về tín ngưỡng, tôn giáo.
Năm 2019, Thủ
tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đã có buổi gặp mặt biểu
dương các chức sắc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc tại thành phố Đà Nẵng. Tại cuộc gặp mặt, các tôn giáo bày tỏ sự
nhất trí đồng thuận với Đảng, Nhà nước và mong muốn được đóng góp công sức trong
sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền lãnh thổ. Đại
diện chức sắc Hội thánh Cao Đài phát biểu “Bàn thờ tôn giáo có nhiều nhưng bàn
thờ Tổ quốc có một”… khẳng định sự đoàn kết, đồng lòng của tôn giáo phản bác
luận điệu xuyên tạc của thế lực xấu. Dự kiến trong năm 2021, Thủ tướng Chính
phủ Phạm Minh Chính cũng sẽ chủ trì buổi gặp mặt biểu dương các chức sắc tôn
giáo có thành tích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và tham gia phòng
chống dịch bệnh Covid 19.
Những nỗ lực và
thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người
dân được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi. Việt Nam cũng sẵn sàng trao đổi
thẳng thắn, cởi mở trên tinh thần xây dựng về những hạn chế, bất cập trong quá
trình thực thi và bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Tuy nhiên, Việt Nam
không chấp nhận cách tiếp cận phiến diện, quy kết, thiếu khách quan về tình
hình tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam./.
Nhận xét
Đăng nhận xét