Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Kết luận Hội nghị lần thứ tư, Ban
Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ
thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến",
"tự chuyển hóa" (Kết luận số 21-KL/TW).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu
khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh:
TTXVN.
Kết luận được ban hành với mục tiêu đẩy
mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nhằm nâng cao năng
lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng; hiệu lực, hiệu quả hoạt
động của Nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu
quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội.
Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá
nhân, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển
hóa"; kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa "xây" và "chống",
xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp
bách, thường xuyên.
Tạo bước phát triển mới của Đảng về trí
tuệ, bản lĩnh chính trị, thực sự là đạo đức, là văn minh, ngày càng gắn bó mật
thiết với nhân dân, ngày càng được nhân dân tin tưởng; đủ uy tín và năng lực
lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự nghiệp xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc.
Mạnh tay trong công tác cán bộ
Theo đó, Trung ương đề ra một số nhóm
nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Cụ thể là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng
công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình; xây dựng đội ngũ cán bộ
các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ
chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tập
trung hoàn thiện cơ chế, chính sách; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ
luật đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử
lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ
quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội; thực sự dựa
vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững
mạnh.
Theo BCH T.Ư, cán bộ dù ở vị trí nào
cũng phải luôn ý thức đầy đủ về trách nhiệm, “đúng vai, thuộc bài”, thật sự
chuyên nghiệp, làm tốt nhiệm vụ được giao, phải gắn bó mật thiết với nhân dân,
được nhân dân tín nhiệm. BCH T.Ư thống nhất thực hiện thí điểm một số chủ
trương như, người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực
hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình. Cùng với đó, giao quyền cho
người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch, miễn nhiệm đối với cấp trưởng cấp
dưới trực tiếp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Đặc biệt, BCH T.Ư yêu cầu kịp thời miễn
nhiệm, cho từ chức, thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp, mắc sai phạm
mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Đối với công tác quy hoạch và
luân chuyển cán bộ, phải phù hợp với chức danh quy hoạch; bảo đảm cân đối, hài
hoà giữa luân chuyển cán bộ với phát triển nguồn cán bộ tại chỗ, luân chuyển
ngang và dọc, luân chuyển cán bộ MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội sang
các lĩnh vực khác và ngược lại.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương bố trí chức danh lãnh đạo
chủ chốt không phải là người địa phương. Cùng với đó, xây dựng cơ chế phát hiện,
lựa chọn, trọng dụng nhân tài, cán bộ có năng lực nổi trội, cán bộ trẻ để đào tạo,
bổ sung cán bộ cho Đảng; thu hút và khuyến khích cán bộ làm việc trong các cơ
quan, lĩnh vực, địa bàn đặc thù, phức tạp, trọng yếu.
Tăng cường kiểm soát tài sản, thu nhập
của cán bộ
Về công tác kiểm tra, giám sát, BCH T.Ư
yêu cầu tập trung vào tổ chức Đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những
lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực và có nhiều
khiếu kiện, khiếu kiện kéo dài.
Bên cạnh đó, quan tâm giải quyết dứt điểm những vụ việc gây bức
xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chú trọng công tác tự kiểm tra, tự
giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị, kịp
thời phát hiện từ nội bộ để chấn chỉnh ngay những vi phạm từ khi mới phát sinh,
không để vi phạm nhỏ tích tụ thành khuyết điểm, sai phạm lớn.
BCH T.Ư yêu cầu Ủy ban Kiểm tra các cấp
tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý, kỷ luật nghiêm minh đối với
cán bộ, đảng viên suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” ngay tại cơ sở,
chi bộ, không để kéo dài hoặc đùn đẩy lên cấp trên. Tăng cường kiểm tra, giám
sát việc tự phê bình và phê bình, thực hiện trách nhiệm nêu gương và khắc phục
khuyết điểm của tập thể, cá nhân.
Trong công tác phòng, chống tham nhũng,
BCH T.Ư yêu cầu chủ động phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh và kiên quyết thu hồi
tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ
việc liên quan đến tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội
quan tâm, nhất là những vụ án, vụ việc do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Tăng cường phối hợp đồng bộ, tạo sự chuyển biến rõ nét trong đấu
tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến cơ sở. Tăng cường kiểm
soát tài sản, thu nhập của cán bộ theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước,
trước hết là cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Trung ương giao Bộ Chính trị ban hành kế
hoạch thực hiện kết luận và tổ chức hội nghị toàn quốc để quán triệt đến cán bộ
chủ chốt; chỉ đạo mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng và hệ thống
chính trị để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII và kết
luận này.
Các tỉnh ủy, thành ủy, cơ quan tham
mưu, giúp việc của Trung ương, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc
Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức
nghiên cứu học tập, quán triệt, chủ động xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể của tổ
chức, địa phương, đơn vị mình để thực hiện kết luận của Ban Chấp hành Trung
ương và kế hoạch thực hiện của Bộ Chính trị.
Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng
Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thể chế hóa nội dung Nghị quyết Trung ương
4, khóa XII và kết luận này, nhất là những vấn đề về kiểm soát quyền lực;
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Các cơ quan tham mưu, giúp việc ở Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm
vụ tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chế có liên quan, ban
hành hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành, hướng dẫn và kiểm tra, đôn đốc việc
thực hiện./.
Nhận xét
Đăng nhận xét