Phát biểu bế mạc Hội
nghị Trung ương 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh 2 yếu tố tác động đến
đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đó là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, là suy thoái
về đạo đức, lối sống.
Điểm mới của Hội
nghị Trung ương 4 (khóa XIII) là đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng,
chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị đúng theo
tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cùng với “ngăn chặn, đẩy lùi”,
phương châm mới của Đảng “chủ động” phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý
nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi
tham nhũng, tiêu cực...
Tại Hội nghị này, Đảng
ta tiếp tục nhìn thẳng vào sự thật, tự soi những vấn đề còn bất cập, hạn chế
trong thực tiễn để tiếp tục đề ra nhiệm vụ, giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi,
kiên quyết xử lý cán bộ thoái hóa, biến chất, mắc sai phạm.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
nhấn mạnh 2 yếu tố tác động đến đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đó là sự phai nhạt
lý tưởng cách mạng, là suy thoái về đạo đức, lối sống. Phai nhạt lý tưởng cách
mạng là con “đường gần” dẫn đến suy thoái. Lý tưởng cách mạng đó là nhận thức
đúng Cương lĩnh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà
nước. Nếu như trước đây, lý tưởng cách mạng của Đảng đòi hỏi người đảng viên có
tinh thần dấn thân, xông pha vào nơi gian khổ, hiểm nguy thì nay, lý tưởng cách
mạng của Đảng yêu cầu cán bộ, đảng viên đề cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục
vụ nhân dân.
Trăn trở về những người đảng viên nắm giữ chức quyền, nếu như phai
nhạt lý tưởng, xa rời mục tiêu lý tưởng, chủ nghĩa cá nhân thì hậu quả sẽ khôn
lường, ông Trần Hữu Huỳnh, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam cho rằng: “Về tính
phai nhạt của mỗi đảng viên, tổ chức Đảng, tôi nghĩ điều đó đặt ra hoàn toàn
đúng. Bởi vì không giải quyết triệt để vấn đề này thì tính Đảng mất đi. Đảng ta
lo cho người dân là lo từ việc lớn đến nhỏ. Cho nên tính tiên phong, gương mẫu,
đức hy sinh của mỗi đảng viên phải trở thành lý tưởng. Nếu anh phai nhạt lý tưởng
đó thì không còn lý do gì để tồn tại, không còn tính chính danh của lãnh đạo”.
Còn theo Phó Giáo
sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bảo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, vấn đề lý tưởng,
vấn đề giác ngộ chính trị là điều hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh hội
nhập hiện nay, mặt trái kinh tế thị trường, chủ nghĩa cá nhân, lối sống ích kỷ,
vụ lợi, chạy theo đồng tiền... Hội nghị Trung ương 4 đã chỉ rõ: ham danh vọng,
ham chức tước, ham quyền lực. Những điều đó rất dễ làm cho cán bộ, đảng viên bị
tha hóa nếu như chúng ta không có lập trường, không có bản lĩnh, không trau dồi
lý tưởng chính trị của mình.
Vấn đề đặc biệt
quan trọng được Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) thảo luận, đó là chống tiêu cực
và nhấn mạnh đến suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Bởi tiêu
cực là “cái gốc” là nguồn để đi đến những suy thoái khác, đặc biệt là tham
nhũng.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ
Bùi Đình Phong, Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc
gia Hồ Chí Minh) cho rằng: “Hội nghị Trung ương 4 lần này nhấn mạnh câu chuyện
suy thoái. Xây dựng chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị. Bởi trước
đây chúng ta chỉ tập trung nói trong xây dựng Đảng. Nhưng Đảng ta là Đảng cầm
quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước, xã hội. Nếu chúng ta không có được một sự vững
vàng, trong sáng về chính trị tư tưởng thì rất dễ dùng quyền lực để tham
nhũng”.
Không chỉ là “ngăn
chặn, đầy lùi”, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã nhấn mạnh sự “chủ động”.
Đây là vấn đề mới trong phương châm chỉ đạo của Đảng, thể hiện quyết tâm chính
trị cao hơn nữa trong Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để kiên quyết đấu
tranh chống suy thoái, tiêu cực trong Đảng, trong đó có tham nhũng, không dừng
lại, không chùng xuống.
Tại Hội nghị Trung
ương 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định, sự gương mẫu của
Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng Ủy viên Trung
ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính
quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng
Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu cho rằng: “Với tư cách là một
Ủy viên Trung ương, tôi ý thức được mình cần phải tiếp tục xem lại bản thân
mình còn có vấn đề gì cần phải tự soi, tự sửa cho tốt hơn. Tôi nghĩ đã là đảng
viên, là cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược thì “Nói đi đôi với làm” là một trong
những yêu cầu cần thiết và bắt buộc. Còn đảng viên là lãnh đạo mà chỉ nói,
nhưng việc làm, hành vi không đúng như vậy thì đó là đảng viên không xứng
đáng”.
Điều mà dư luận xã
hội và các cán bộ, đảng viên kỳ vọng lần này là sự quyết tâm của Trung ương 4
phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể. Không chỉ là sự nêu gương mà cần
sự “chấm điểm” chính là giám sát việc thực hiện đối với người đứng đầu lãnh đạo
các cấp, trước tiên là Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung
ương Đảng. Sự chấm điểm, hay hài lòng của nhân dân chính là thước đo cho lòng
tin về sự lãnh đạo của Đảng cầm quyền. Khi ý Đảng được sự đồng thuận của nhân
dân, ắt sẽ thành công, phát triển. Nhân dân vào cuộc, góp ý cho Đảng thì công
cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng mới đem lại hiệu quả, gắn chặt giữa phòng và chống,
ngăn chặn và đẩy lùi./.
Nhận xét
Đăng nhận xét