“Chảy máu chất xám” là thuật ngữ dùng để
chỉ vấn đề di cư quy mô lớn của nguồn nhân lực có kiến thức và kĩ thuật từ một
nước qua những nước khác. Đây là vấn nạn mang tính toàn cầu, để lại những hệ lụy
cho nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển,
trong đó có Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong một bài
phát biểu cho biết xuyên suốt chiều dài lịch sử, cha ông ta luôn quý trọng hiền
tài, coi hiền tài là nguyên khí quốc gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã nói:
“Nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài.” Trong công cuộc
đổi mới và phát triển nước Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa,
vai trò của đội ngũ tri thức là vô cùng quan trọng, góp phần không nhỏ vào
thành công chung của dân tộc.
Tuy nhiên, hiện nay, một bộ phận không
nhỏ những lao động tri thức, chất lượng cao của nước ta đang cống hiến tại một
quốc gia khác. Hằng năm, người ta vẫn nhắc đi nhắc lại câu chuyện các quán quân
của chương trình truyền hình “Đường lên đỉnh Olympia” đã không quay trở về nước
phục vụ sau thời gian du học.
Hiện tượng này mỗi năm một khác nhưng
nguyên nhân chung vẫn là do lương thấp, thiết bị lỗi thời và tương lai không
sáng sủa. Hậu quả của hiện tượng “Chảy máu chất xám” có thể thấy ở các quốc gia
ở châu Phi, nơi thiếu nguồn nhân lực, dẫn tới nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật
không được áp dụng vào đời sống. Nếu không khắc phục tình trạng này, thật khó để
châu Phi có thể thoát nghèo dựa vào chính mình.
Đại hội Đảng lần thứ XII xác định con
người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự
phát triển; phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công
nghệ là quốc sách hàng đầu. Nhằm khắc phục tình trạng “Chảy máu chất xám”, thủ
tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ sẽ sớm có những chế độ, chính sách,
đãi ngộ nhằm thu hút nhân tài, phát triển đất nước. Tuy nhiên con đường “cầm
máu” phải tới từ hai phía, hy vọng trong tương lai không xa tinh thần của Lương
Định Của, Trần Đại Nghĩa ... sẽ được phát huy, mỗi cá nhân sẽ tự ý thức được
tinh thần trách nhiệm của mình trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam.
Nhận xét
Đăng nhận xét