Nghĩa vụ quân sự (NVQS) là nghĩa vụ vẻ
vang của công dân phục vụ trong QĐND. Thực hiện NVQS bao gồm phục vụ tại ngũ và
phục vụ trong ngạch dự bị của QĐND. Công dân trong độ tuổi thực hiện NVQS,
không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học
vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện NVQS theo quy định của pháp luật...
(Điều 4, Luật NVQS năm 2015).
NĂM 2022 KHÔNG GỌI CÔNG DÂN NỮ NHẬP NGŨ
Về độ tuổi, tiêu chuẩn đối với thanh
niên nhập ngũ; diện miễn, tạm hoãn gọi nhập ngũ năm 2022 cơ bản vẫn thực hiện
như những năm trước. Cụ thể, độ tuổi, tiêu chuẩn công dân gọi nhập ngũ được quy
định tại Điều 30, Điều 31; diện miễn, tạm hoãn gọi nhập ngũ được quy định tại
Điều 41, Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) năm 2015. Các nội dung này được hướng dẫn
chi tiết tại Thông tư số 148/2018/TT-BQP ngày 4-10-2018 của Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ; Thông tư liên tịch số
50/2016/TTLT-BQP-BCA ngày 15-4-2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng-Bộ trưởng Bộ
Công an quy định tiêu chuẩn chính trị tuyển chọn công dân phục vụ trong QĐND và
Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30-6-2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế-Bộ
trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện NVQS.
Theo đó, về độ tuổi gọi nhập ngũ, công
dân từ đủ 18 đến hết 25 tuổi; công dân nam được đào tạo trình độ cao đẳng, đại
học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời gian một khóa đào tạo của một
trình độ đào tạo thì tuyển chọn và gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi. Về tiêu chuẩn
sức khỏe, chủ yếu lấy sức khỏe loại 1, loại 2, nếu thiếu có thể lấy loại 3 (trừ
sức khỏe loại 3 về tật khúc xạ mắt; không gọi nhập ngũ công dân nghiện ma túy,
nhiễm HIV/AIDS).
Về diện tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ, Điều
5, Thông tư số 148/2018/TT-BQP quy định rất cụ thể, trong đó có một số điểm
chính như: Tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với công dân chưa đủ sức khỏe; là lao động
duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc
chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do
tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra; một con của bệnh binh, người
nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%; có anh, chị hoặc
em ruột là HSQ, BS đang phục vụ tại ngũ, HSQ, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham
gia Công an nhân dân; đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông, đang được đào tạo
trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ
chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của
một trình độ đào tạo...
Miễn gọi nhập ngũ đối với những công
dân: Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một; một anh hoặc một em trai của
liệt sĩ; một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả
năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm
khả năng lao động từ 81% trở lên...
Riêng đối với công dân nữ, theo quy định tại Điều 12, Luật NVQS, đối
tượng đăng ký nghĩa vụ phải đủ 18 tuổi trở lên, có ngành, nghề chuyên môn phù hợp
với yêu cầu của QĐND. Tuy nhiên, việc gọi công dân nữ nhập ngũ phụ thuộc vào
nhu cầu của quân đội. Năm 2022, không tuyển chọn, gọi công dân nữ nhập ngũ.
NHỮNG CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH THIẾT THỰC
Trong thời gian phục vụ tại ngũ, HSQ,
BS và thân nhân (bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp
pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp) được hưởng các chế độ, chính
sách theo quy định tại Nghị định số 27/2016/NĐ-CP ngày 6-4-2016 của Chính phủ
(Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có Thông tư số 95/2016/TT-BQP ngày 28-6-2016 hướng
dẫn thực hiện nghị định này).
Theo đó, HSQ, BS phục vụ tại ngũ từ
tháng thứ 13 trở đi thì được nghỉ phép hằng năm, thời gian nghỉ là 10 ngày
(không kể ngày đi, ngày về) và được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường
theo quy định hiện hành. HSQ, BS đã nghỉ phép năm theo chế độ, nếu gia đình
không may gặp thiên tai, hỏa hoạn nặng hoặc thân nhân từ trần, mất tích hoặc
HSQ, BS lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ thì được
nghỉ phép đặc biệt (không quá 5 ngày, không tính ngày đi, ngày về).
Ngoài chế độ phụ cấp quân hàm được hưởng
theo quy định, HSQ, BS phục vụ tại ngũ được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định
kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ thì từ tháng thứ 25 trở đi, hằng tháng được
hưởng thêm 250% phụ cấp quân hàm hiện hưởng. HSQ, BS nữ phục vụ tại ngũ, hằng
tháng được hưởng phụ cấp khuyến khích mức 0,2 so với mức lương cơ sở... Ngoài
ra, HSQ, BS còn được hưởng một số chế độ, chính sách khác như: Được miễn tiền
cước khi chuyển tiền, bưu phẩm, bưu kiện; được cấp 4 tem thư/tháng.
Trước khi nhập ngũ là thành viên hộ
nghèo, học sinh, sinh viên nếu vay tiền từ ngân hàng chính sách xã hội thì được
tạm hoãn trả và không tính lãi suất trong thời gian tại ngũ theo quy định hiện
hành. HSQ, BS tại ngũ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì được tham gia tuyển sinh
theo quy định của Bộ Quốc phòng và được cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh theo
quy định. HSQ, BS khi xuất ngũ được hưởng chế độ trợ cấp xuất ngũ một lần, phụ
cấp đi đường, trợ cấp tạo việc làm, thẻ học nghề...
Thân nhân của HSQ, BS tại ngũ được trợ
cấp khó khăn đột xuất trong một số trường hợp như: Khi nhà ở của HSQ, BS tại
ngũ gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến bị sập nhà, trôi nhà, cháy nhà; bị
ốm đau hoặc điều trị dài ngày tại bệnh viện. Đặc biệt, nếu thân nhân HSQ, BS
chưa tham gia bảo hiểm y tế thì sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí./.
Nhận xét
Đăng nhận xét