Đám đông cư dân mạng đang truyền tay
nhau việc ký tên vào một trang web nước ngoài, chuyên lên tiếng về các vấn đề
liên quan đến nhân quyền. Trong mẫu đơn ký tên có ghi là muốn một bản án “giết
người” thích đáng cho ba bé và bạn gái của ba bé mà không cần thông qua bất cứ
một trình tự xét xử, một trình tự pháp hay điều tra nào. Đám người này chia sẻ
rất tích cực thông tin này và yêu cầu các tổ chức, đơn vị nhân quyền nước ngoài
can thiệp vào Việt Nam.
Giá như đám người này ký tên vào các kiến
nghị gửi đến các Ủy ban thuộc Quốc hội Việt Nam như Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư
pháp, Ủy ban Xã hội… hay các cơ quan, tổ chức có tình pháp lý, hành chính nhằm
yêu cầu gia tăng các chế tài xử phạt bạo lực gia đình và bạo lực trẻ em thì tốt
quá. Hãy nhớ rằng, mặc dù chúng ta bức xúc với kẻ thủ ác, nhưng không được phép
đứng trên luật pháp, càng không được tạo cớ cho nước ngoài can thiệp và gây sức
ép đến Chính phủ Việt Nam.
Trong khi đó, báo chí, VTV, TTXVN,
Thông tin Chính phủ và một số cơ quan khác đã vào cuộc từ rất sớm. Công an phường
22 thuộc quận Bình Thạnh cũng đã vào cuộc ngay trong tối hôm bé gái tử vong,
ngay lập tức khám nghiệm tử thi và điều tra từ khi đó. Sau đó, tiến hành khởi tố
vụ án và điều tra mở rộng.
Tiếp nữa, đám người cuồng nộ này tấn
công bệnh viện Trưng Vương, đua nhau rate 1 sao trên trang fanpage của bệnh viện,
thả phẫn nộ vào các bài đăng của bệnh viện vì có luồng thông tin cho rằng ông nội
của bé đang là một lãnh đạo cấp cao của bệnh viện. Nhưng sự thực thì ông nội bé
hiện KHÔNG làm việc tại bệnh viện này.
Chưa hết, đám người này còn tấn công bằng
cách thức tương tự đến một công ty bảo hiểm tại TPHCM vì lý do là bác gái bé
gái làm tại đây. Một tài khoản facebook trùng tên với bố bé gái cũng bị dân mạng
tấn công, nhắn tin chửi mắng và miệt thị khiến anh này phải đăng thông tin đính
chính là không liên quan gì đến vụ việc, sau đó anh này thay đổi tên hiển thị
facebook, đặt tài khoản về chế độ riêng tư.
Lên án đúng người, đúng tội! Chứ không
phải cứ nhân danh công lý mà tự cho mình có quyền lên án bất cứ ai và bất cứ tổ
chức, đơn vị nào cũng được mặc cho những người đó, tổ chức, đơn vị đó không hề
có tý chút liên quan gì cả. Đây là một hình thức hùa theo bầy đàn, bất chấp
đúng sai.
Thêm nữa, không hiểu tại sao người ta lại
chia sẻ ảnh bé gái kèm theo câu chữ “con tha thứ cho thế giới độc ác này”. Tại
sao người lớn lại nhét chữ vào miệng bé như vậy? Tại sao trường hợp bé ra đi do
nghi vấn bị bạo hành lại nhét một câu chữ như là bé đang phẫn uất thế giới như
vậy? Câu nói vừa khiến cho người ta hiểu sai về bé, bi kịch hóa sự ra đi của bé.
Bé đâu có nói như vậy? Sự ra đi của bé là vì bố và bạn gái của bố bé bạo hành,
không phải do thế giới. Tại sao không nói rằng “thế giới tốt đẹp này đã mất đi
một thiên thần đẹp” hay “thế giới và những người còn sống sẽ đấu tranh mang lại
công bằng cho em và cho những đứa trẻ khác”?
Chúng nó thêu dệt câu chuyện em hiện hồn
trở về, báo mộng… thông qua một đoạn video không biết từ đâu. Chúng nói rằng
“em không biết mình đã ra đi nên hiện hồn về phòng và trốn sau cánh tủ”. Chẳng
lẽ các người lại đói nội dung đến mức đưa ra những thông rác rưởi, quy chụp,
xuyên tạc như vậy?
Người ta còn chỉ dựa vào những bình luận
trên mạng nói rằng bạn gái của bố bé “được bảo kê” nên vẫn yên vị trong cơ quan
điều tra, được tô son đánh phấn, ăn no ngủ kỹ, cười nói như thường. Khi được hỏi
là dựa vào đâu khi thông tin chưa công bố thì lại dựa vào “bạn trai làm công
an”, “có người quen là người thân cháu bé”... Các bạn có thấy kịch bản này quen
không? Quá quen đi chứ vì vụ việc nào ầm ĩ trên mạng cũng theo một mô típ như
này, nhưng cư dân mạng vẫn quá dễ dàng để bị dắt mũi.
Trên mạng thì tràn lan những kịch bản
được thêu dệt trong khi chưa có thông tin chi tiết và kết luận của cơ quan điều
tra. Như bạn gái bố bé hút mai thúy rồi bạo hành hay gia đình bên nội bắt bé
gái quỳ xuống hoặc bé bị tử vong từ trước đó mấy ngày rồi không ém vụ việc được
nên mới đưa đến viện và tạo chứng cứ giả…
Đấu tranh cho công lý luôn là một điều
tốt và chúng ta luôn cần những người dám dấn thân đấu tranh. Nhưng đấu tranh
cũng cần “trái tim nóng, cái đầu lạnh”, đấu tranh cũng cần “đúng người, đúng tội”,
đấu tranh cũng phải dựa trên pháp luật và hiến pháp, đấu tranh chứ không phải
là thừa cơ “móc đểu chính quyền là không biết bảo vệ trẻ em” - hàng chục triệu
trẻ em Việt Nam vẫn đang sống trong một xã hội an toàn, được tạo điều kiện cho
ăn học đầy đủ. Chính quyền đâu phải ngồi trước cửa nhà mỗi gia đình và phát hiện
và đấu tố ngay được? Hay lấy ví dụ như chính quyền của nước M nhé, mỗi năm có tới
1800 trẻ em bị thiệt mạng do lạm dụng, bạo hành và bỏ rơi, hơn 3000 trẻ em thiệt
mạng do súng ống.
Lấy trường hợp bố bé và bạn gái để cà
khịa “nền giáo dục Việt Nam”, nhưng khi có thông tin bố bé du học Úc thì lại ngậm
miệng như hến.
Hãy ngồi lại và suy nghĩ một cách thấu
đáo! Đừng đấu tranh chỉ vì “phong trào”, đừng đấu tranh trong khi thiếu hiểu biết,
đừng lợi dụng đưa tin thất thiệt…
Đấu tranh hay lên án cũng cần sự sáng
suốt, minh triết và rõ ràng.
Nhận xét
Đăng nhận xét