Loạt thông tin trên báo chí những ngày
này khiến dư luận bất bình, căm phẫn, dù đã đoán trước được chuyện gì đến rồi
cũng sẽ đến khi cách đây chưa lâu, giá kit test Covid-19 “nhảy múa” giữa lúc đại
dịch căng thẳng.
Đó là việc Cơ quan điều tra khởi tố bị
can, bắt tạm giam ông Phan Quốc Việt, tổng giám đốc công ty cổ phần công nghệ
Việt Á; ông Phạm Duy Tuyến, giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải
Dương và một loạt đồng phạm để điều tra những sai phạm trong việc nâng khống
giá bộ xét nghiệm Covid-19.
Trước đó, ngày 10/12, C03 Bộ Công an
cũng đã khám xét khẩn cấp 16 địa điểm tại 8 địa phương gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải
Dương, Thừa Thiên - Huế, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Nghệ An và triệu tập ghi
lời khai trên 30 đối tượng có liên quan.
Theo Cơ quan điều tra, Phan Quốc Việt
và các đối tượng của Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu
đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá, xác định giá bán là 470.000 đồng/kit;
thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh,
thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.
Cơ quan cảnh sát điều tra cho biết, Việt
Á đã cung ứng kit test Covid cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành
với doanh thu khoảng gần 4.000 tỷ đồng.
Trong lúc đó, chỉ riêng ông Phạm Duy
Tuyến (tỉnh Hải Dương) đã được Việt lại quả gần 30 tỉ đồng. Điều này khiến dư
luận đặt nghi vấn, CDC và các cơ sở y tế của 61 tỉnh thành khác liệu có “miễn dịch”
trước sức tấn công bằng bom tấn “hoa hồng” của Việt? hay cũng như vị giám đốc tỉnh
Hải Dương???
Táng tận lương tâm
30 tỉ, nếu là loại mệnh giá 500.000 đồng
thì sẽ có 600 cọc. Một núi tiền chất trước mặt khiến cho họ - những Phạm Duy
Tuyến ấy - lóa mắt, sẵn sàng rũ bỏ lương tâm thầy thuốc, chà đạp lên nỗi đau khổ
của người bệnh và đồng bào, bất chấp việc cả nước đang lao đao vì đại dịch.
Chúng ta bỗng liên tưởng đến câu nói của
Marx được học hồi còn sinh viên, đại ý: “Nếu lợi nhuận 100% thì nó chà đạp lên
mọi luật lệ của loài người, nếu lên đến 300% thì có treo cổ họ cũng sẽ vẫn
làm”. Họ ở đây là những nhà tư bản. Điều Marx muốn nói là một sự phủ định, nhà
tư bản sẵn sàng phủ định chính mình vì sự phát triển, và “lợi nhuận” chỉ là một
cách nói, một cách ví von về sự phát triển, lợi nhuận .
Câu nói ấy, trong bối cảnh ngày nay,
xem ra lại vận vào những kẻ nắm trong tay chút quyền lực nhưng tối mắt vì tiền.
Tháng 4 năm ngoái, Giám đốc CDC Hà Nội
Nguyễn Nhật Cảm bị khởi tố và bắt tạm giam vì vi phạm quy định về đấu thầu gây
hậu quả nghiêm trọng trong việc mua sắm máy xét nghiệm Covid-19.Những tưởng vụ
ông Cảm sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh, thế nhưng những kẻ rắp tâm lợi dụng dịch bệnh
móc túi người dân, đục khoét ngân sách nhà nước vẫn không hề biết sợ. Vài ba tỉ
vơ vét của ông Cảm nhờ nâng khống giá máy xét nghiệm chẳng thấm vào đâu so với
30 tỉ mà ông Tuyến thu gom từ hàng vạn kit xét nghiệm.
Họ quả là táng tận lương tâm giữa lúc
hàng triệu người dân khốn khổ, hàng ngàn cán bộ, nhân viên y tế, chiến sĩ quân
đội, công an, tình nguyện viên vào tâm dịch bất chấp hiểm nguy cứu giúp đồng
bào; giữa lúc dân mình, cả những người nghèo nhất cũng nhường cơm sẻ áo, góp từng
mớ rau, cân gạo, quả trứng… chia sẻ, động viên đồng bào nơi tâm dịch.
Họ táng tận lương tâm khi hàng trăm
nhân viên y tế - đồng nghiệp của họ - đang ngày đêm vật lộn với công tác chống
dịch đầy căng thẳng hiểm nguy nhưng mức lương được hưởng lại rất bèo. 5 đến 6
triệu đồng/tháng là mức lương của nhân viên y tế cơ sở hiện nay sau 15, 20 năm
công tác.
Lương thấp, chống dịch căng thẳng hàng
tháng trời nhưng tiền hỗ trợ chống dịch (dù chỉ từ 3-5 triệu đồng/tháng, tùy mức)
thì chưa thấy đâu. Sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, lương bèo bọt, chưa biết khi
nào có tiền hỗ trợ chống dịch… là những lý do khiến nhiều nhân viên y tế phường
ở quận 1, TP.HCM chuẩn bị xin nghỉ việc. Tại thành phố lớn nhất cả nước, năm
2020 có 597 nhân viên y tế xin nghỉ việc và chỉ 10 tháng đầu năm nay đã có thêm
968 trường hợp.
Theo báo chí, dự toán tổng kinh phí hỗ
trợ thu nhập theo số lượng nhân viên y tế hiện tại của TP.HCM là hơn 8,5 tỷ đồng/tháng,
tức chỉ nhỉnh hơn ¼ số tiền mà ông Phạm Duy Tuyến đút túi được từ thương vụ làm
ăn với Phan Quốc Việt.
Ngoài Hải Dương, một số tỉnh thành khác
cũng mua kit test của Việt Á với mức giá từ 470.000đ trở lên. Cụ thể, Bắc Ninh
mua 10.000 bộ với giá 470.000đ/kit, Nam Định mua 13.536 bộ giá 509.250đ/kit, Đà
Nẵng mua 70.000 bộ, giá 509.250đ/kit.
Xem ra, câu chuyện giá kit xét nghiệm
“nhảy múa” mấy tháng trước nay mới đến hồi cao trào. Cái kit xét nghiệm bé tí
mà có sức mạnh ghê gớm, nó làm rớt mặt nạ bao nhiêu kẻ đạo đức giả trước nhân
dân.
Nhận xét
Đăng nhận xét