Tấm ảnh chụp các cán bộ cao cấp của
quân đội dự lễ tốt nghiệp khoá học tại học viện Voroshilov, Liên Xô, năm 1961.
Học viên Voroshilov là học viện nổi tiếng
của Liên Xô cũng như của nước Nga. Đây là trường đào tạo sỹ quan cấp chiến dịch,
chiến lược cho quân đội Liên Xô và cho quân đội các nước đồng minh.
Từ phải qua trái.
Hàng đầu: Trung tướng Trần Văn Trà, phó
tổng tham mưu trưởng; thiếu tướng Lê Quang Đạo, phó chủ nhiệm tổng cục chính trị;
thiếu tướng Trần Độ; thiếu tướng Trần Sâm, phó tổng tham mưu trưởng; đại tá Lê
Trọng Nghĩa, cục trưởng cục tình báo.
Hàng thứ hai: đại tá Lê Đức Anh, cục
trưởng cục quân lực (người thứ hai), đại tá Cao Văn Khánh (người thứ tư), hiệu
trưởng trường sỹ quan lục quân; thượng tá Mai Xuân Tần, cục tác chiến.
Hàng thứ ba: đại tá Nguyễn Quyết, chính
uỷ quân khu Tả Ngạn và các cán bộ khác.
Năm 1960, để chuẩn bị đánh Mỹ, trung
ương cử hai đoàn cán bộ cao cấp đi học tập và tìm hiểu về Mỹ và quân đội Mỹ ở
Liên Xô và Trung Quốc. Đoàn đi Liên Xô do đại tướng Võ Nguyên Giáp và thượng tướng
Văn Tiến Dũng dẫn đầu và học tại học viện Voroshilov.
Các sỹ quan Việt Nam đều đã trải qua cuộc
chiến chống Pháp, dày dạn kinh nghiệm chiến trường nên được các giảng viên Liên
Xô rất nể trọng. Có sỹ quan làm bài tập được giáo sư khen, nhưng ông nói, học ở
đây thì tôi làm bài như vậy nhưng ở Việt Nam đánh Mỹ theo cách này có lẽ không
phù hợp. Vị giáo sư rất giận. Sau này có vị tướng nói với ông: "họ không
đuổi anh là may đó!"
Sau chuyến đi này, các sỹ quan lần lượt
vào nam trực tiếp chiến đấu cho đến 1975. Trung tướng Trần Văn Trà-tư lệnh, thiếu
tướng Trần Độ-phó chính uỷ, đại tá Lê Đức Anh-tham mưu trưởng, phó tư lệnh Quân
giải phóng miền Nam. Các ông Lê Quang Đạo, Nguyễn Quyết, Cao Văn Khánh tham gia
các trận đánh ác liệt ở các mặt trận Trị Thiên, Tây Nguyên, Nam Lào. Các ông
không thể ngờ rằng, sau cuộc chiến với Mỹ, quân đội Việt Nam còn phải vượt qua
2 cuộc chiến tranh nữa ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, không kém phần
khốc liệt. Ông Mai Xuân Tần chiến đấu bên ông Lê Đức Anh giải phóng Campuchia
khỏi nạn diệt chủng và giúp bạn xây đất nước.
Sau này, ông Lê Đức Anh là chủ tịch nước,
ông Lê Quang Đạo- chủ tịch quốc hội, ông Trần Độ-phó chủ tịch quốc hội, ông
Nguyễn Quyết-phó chủ tịch hội đồng nhà nước. Hai ông đại tướng là Lê Đức Anh và
Nguyễn Quyết (chủ nhiệm tổng cục chính trị). Ông Trần Văn Trà, ông Trần Sâm là
thượng tướng, thứ trưởng bộ quốc phòng.
Các ông là bộ đội thế hệ đầu tiên, là
những người viết nên trang sử oanh liệt quân đội nhân dân Việt Nam. Thời chiến
hay thời bình, hình ảnh anh bộ đội luôn đẹp đẽ trong tâm trí của người dân Việt
Nam.
Đúng 60 năm đã trôi qua và có rất ít
thông tin về khoá học này nên chắc chắn có những điểm chưa chính xác. Rất mong
bạn bè và những người liên quan bổ sung, góp ý những điểm còn thiếu và thiếu
sót của bài viết này.
Nhận xét
Đăng nhận xét