Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng
quân là tên của đội quân chủ lực của Mặt trận Việt Minh từ tháng 12-1944 đến
tháng 5-1945. Đây là tổ chức quân sự được công nhận là tiền thân của Quân đội
nhân dân Việt Nam. Ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân,
22-12-1944, sau này đã được chọn làm ngày thành lập của Quân đội nhân dân Việt
Nam...
1. Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng
quân:
Là tên của đội quân chủ lực của Mặt trận
Việt Minh từ tháng 12-1944 đến tháng 5-1945. Đây là tổ chức quân sự được công
nhận là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày thành lập Đội Việt Nam
Tuyên truyền Giải phóng quân, 22-12-1944, sau này đã được chọn làm ngày thành lập
của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bối cảnh ra đời: Trước đòi hỏi của tình
hình đấu tranh cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy đến lúc phải thành lập
một lực lượng vũ trang chủ lực, nòng cốt lấy từ các cán bộ, đội viên du kích
năng nổ. Bác và Ban thường vụ Trung ương Đảng chỉ định đồng chí Võ Nguyên Giáp
đảm nhiệm công việc thành lập lực lượng vũ trang tập trung. Trong “Chỉ thị
thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân” của Bác Hồ, đã nói rõ ý
nghĩa lịch sử, nhiệm vụ của đội quân chủ lực đầu tiên:
- Tên: Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải
phóng quân, nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền.
Vì muốn có kết quả thì về quân sự, nguyên tắc chính là tập trung lực lượng, cho
nên, theo chỉ thị mới của Đoàn thể, sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích
Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập
trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực.
Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân cần phải
động viên toàn dân, vũ trang toàn dân,cho nên trong khi tập trung lực lượng để
lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa
phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực
trái lại có nhiệm vụ dìu dắt các đội vũ trang của địa phương, giúp đỡ huấn luyện,
giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên.
- Đối với các đội vũ trang địa phương:
Đưa cán bộ địa phương về huấn luyện, tung các các bộ đã huấn luyện đi các địa
phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến.
- Về chiến thuật: Vận dụng lối đánh du
kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay đông, mai tây, lai vô ảnh, khứ vô
tung.
Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng
quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác.
Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ,
nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể
đi suốt từ Bắc chí Nam, khắp đất nước Việt Nam”.
2. Việt Nam Giải phóng quân:
Là tên gọi của QĐND Việt Nam từ tháng 5
đến tháng 11-1945. Việt Nam Giải phóng quân thành lập ngày 15-5-1945, tại Định
Biên Thượng (Chợ Chu, Thái Nguyên) trên cơ sở thống nhất từ các đơn vị Việt Nam
Tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu quốc quân cùng các tổ chức vũ trang cách mạng
tập trung của cả nước, theo nghị quyết của Hội nghị quân sự Bắc Kỳ (tháng
4-1945) họp tại Hiệp Hòa (Bắc Giang).
Bối cảnh lịch sử: Trong lúc cả nước ta
sục sôi không khí cách mạng thì Chiến tranh thế giới lần thứ 2 bước vào những
ngày kết thúc.
Ngày 7-5-1945, phát xít Đức - Ý đầu
hàng Đồng minh. Ngày 8-8-1945, Hồng quân Liên Xô đánh tan đạo quân Quan Đông,
chủ lực của phát xít Nhật; sự sụp đổ hoàn toàn của phát xít Nhật chỉ còn tính từng
giờ.
Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt
Nam được họp ở Tân Trào từ ngày 13 đến 15-8-1945 trong không khí hết sức khẩn
trương. Trên cơ sở phân tích tình hình thế giới và trong nước, Hội nghị quyết định
phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Theo lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung
ương Đảng, của Tổng bộ Việt Minh và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước
đứng dậy. 14 giờ ngày 16-8-1945, đơn vị chủ lực của Việt Nam giải phóng quân xuất
phát từ Tân Trào tiến đánh thị xã Thái Nguyên. Mục tiêu tiến công của Giải
phóng quân lúc này không còn là những đồn bốt, châu lỵ mà là những căn cứ chính
của địch, các thị trấn, thị xã. Lời căn dặn của Bác Hồ: “Lúc này thời cơ thuận
lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đôt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải
kiên quyết giành cho được độc lập”.
Ngày 21-8-1945, quân Nhật đầu hàng.
Tuyên Quang được giải phóng. Thắng lợi của cuộc đánh chiếm các tỉnh lỵ Thái
Nguyên, Tuyên Quang là thắng lợi của Quân giải phóng đã phối hợp chặt chẽ với lực
lượng chính trị, dùng cả quân sự, chính trị và binh vận để tiến công địch.
Chỉ trong vòng 12 ngày (từ 14 đến
25-8-1945), Tổng khởi nghĩa tháng Tám đã thắng lợi trong cả nước. Chính quyền
cách mạng của nhân dân được thành lập từ Trung ương đến khắp các thôn xã. Ngày
2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc
lập, tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời.
3. Vệ quốc đoàn (Vệ Quốc quân):
Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa
mới ra đời đã lâm vào tình thế hiểm nghèo, thù trong, giặc ngoài. Ở phía Bắc,
quân đội Tưởng Giới Thạch tiến vào giải giáp quân Nhật. Ở phía Nam, thực dân
Anh mở đường cho thực dân Pháp tiến vào với âm mưu biến Việt Nam trở về thời kỳ
thuộc địa. Lúc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta tiến hành sách lược mềm dẻo
“Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, để giữ vững nền độc lập non trẻ. Trước sức ép của
quân Tưởng Giới Thạch, ta linh động đưa Đảng ta vào hoạt động bí mật, Đảng
tuyên bố “tự giải tán”. Để đáp ứng yêu sách của quân Tưởng đòi giải tán quân đội
chính quy, tháng 11-1945, Việt Nam giải phóng quân đổi tên thành Vệ quốc đoàn
(còn gọi là Vệ quốc quân). Lúc này quân số quân đội ta khoảng 50.000 người, tổ
chức thành khoảng 40 chi đội ở hầu hết các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ. Một số chi
đội đã “Nam tiến” để giúp quân dân miền Nam chống lại thực dân Pháp đang tấn
công xâm lược trở lại ở Nam Bộ.
4. Quân đội Quốc gia Việt Nam:
Ngày 22-5-1946, theo Sắc lệnh 71/SL của
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vệ quốc đoàn đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam, được
đặt dưới sự chỉ huy tập trung thống nhất của Bộ Tổng tham mưu. Quân đội ta lúc
này tổ chức biên chế thống nhất theo trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội… Cùng với
việc xây dựng quân đội quốc gia, Chính phủ ta đặc biệt coi trọng việc xây dựng
lực lượng vũ trang quần chúng, lực lượng bán vũ trang, bao gồm: dân quân ở nông
thôn và tự vệ ở đô thị. Trong thời kỳ 1945-1950, có những người lính trong quân
đội thực dân, đế quốc sang xâm lược Việt Nam, bị cảm hóa bởi cuộc kháng chiến vệ
quốc chính nghĩa của quân dân ta đã tình nguyện gia nhập Quân đội ta, tham gia
chiến đấu và công tác ở nhiều lĩnh vực như chỉ huy, tham mưu, kỹ thuật, huấn
luyện, quân y, quân giới, tuyên truyền... Nhiều người được giao trọng trách và
phong quân hàm sĩ quan. Họ đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng Quân đội
Quốc gia Việt Nam trong buổi ban đầu xây dựng lực lượng.
5. Quân đội nhân dân Việt Nam:
Từ năm 1950, Quân đội Quốc gia Việt Nam
được đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam. Tên gọi "Quân đội nhân
dân" là do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt với ý nghĩa "từ nhân dân mà ra,
vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ".
Cũng thời gian này, các đại đoàn (đơn vị
tương đương sư đoàn) chủ lực quan trọng như các đại đoàn 308, 304, 312, 320,
316, 325, 351 lần lượt được thành lập, đến nay vẫn là những đơn vị chủ lực của
Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ một đội quân chỉ vài trăm người khi tham gia Tổng
khởi nghĩa, Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát triển thành quân đội với các sư
đoàn chủ lực mạnh, lập nên những chiến công lẫy lừng mà đỉnh cao là chiến thắng
Điện Biên Phủ lịch sử ngày 7-5-1954, đập tan mưu toan thiết lập lại chế độ thuộc
địa của thực dân Pháp.
Tên gọi Quân đội nhân dân Việt Nam trở
nên quen thuộc với nhân dân từ đó đến nay. Sau khi Hiệp định Giơnevơ năm 1954
được ký kết, đất nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền. Nhân dân Việt
Nam đứng trước hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc
và đấu tranh thống nhất đất nước. Nhiệm vụ của quân đội thời kỳ này là vừa xây
dựng chính quy, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa vừa tham gia đấu tranh giải
phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 15-2-1961, Quân Giải phóng miền Nam
Việt Nam, lực lượng quân sự của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam
được thành lập trên cơ sở thống nhất lực lượng vũ trang tại chỗ và lực lượng
tăng viện từ miền Bắc. Trước sự can thiệp trực tiếp của quân đội Mỹ, Quân đội
nhân dân Việt Nam đã sát cánh cùng với nhân dân và các lực lượng vũ trang khác,
tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài và gian khổ, lập nên những kỳ
tích mà tiêu biểu là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, chống
chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ ở miền Bắc mà đỉnh cao là
chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972; kết thúc thắng lợi bằng
chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào ngày 30-4-1975, thống nhất đất nước, mở ra
thời kỳ phát triển mới cho đất nước.
Như vậy, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam là một cái tên mới xuất
hiện, nhưng là một bộ phận không tách rời của Quân đội nhân dân Việt Nam. Thực
tế lịch sử cho thấy, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng,
Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh, vai trò lịch sử vẻ
vang của mình. Sau năm 1975, đất nước thống nhất, Quân giải phóng miền Nam Việt
Nam hợp nhất với Quân đội nhân dân Việt Nam, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược
của cách mạng Việt Nam: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Hiện nay, Quân đội nhân dân Việt Nam có
lực lượng thường trực gồm bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương với tổng quân số
khoảng hơn 450.000 người và lực lượng quân dự bị khoảng 5 triệu người. Bộ đội
chủ lực là thành phần nòng cốt của Quân đội nhân dân Việt Nam gồm lực lượng cơ
động của các quân đoàn, quân chủng, binh chủng, bộ đội chủ lực của quân khu và
bộ đội chuyên môn kỹ thuật. Bên cạnh các đơn vị huấn luyện sẵn sàng chiến đấu
và chiến đấu còn có hệ thống hoàn chỉnh các đơn vị bảo đảm hậu cần, kỹ thuật;
các học viện, viện nghiên cứu, các trường đào tạo sĩ quan và trường nghiệp vụ
các cấp.
Nhận xét
Đăng nhận xét