Mạng xã hội là dịch vụ chuyển tải thông
tin nhanh, tức thời, kết nối, lan tỏa rộng và được sử dụng phổ thông. Tuy
nhiên, bên cạnh những thông tin hữu ích, trên mạng xã hội còn xuất hiện nhiều
thông tin chưa được kiểm chứng, nhảm nhí, theo kiểu “bôi đen”, xấu độc, gây
nguy hại đối với người dùng và xã hội. Thông tin xấu độc trên mạng xã hội là những
thông tin bịa đặt, xuyên tạc, sai sự thật, bóp méo, vu cáo, làm cho đúng – sai
lẫn lộn, thay đổi bản chất vấn đề. Cũng có những thông tin có một phần sự thật
nhưng đã được khoét sâu những khía cạnh hạn chế, khuyết điểm kết hợp với những
bình luận, phân tích, có chủ đích, dụng ý xấu để hướng lái dư luận.
Thời gian qua, tình hình dịch COVID-19
diễn biến phức tạp, mọi thông tin liên quan đến dịch bệnh đều tác động đến tâm
lý, đời sống nhân dân. Lợi dụng cơ hội này, một số đối tượng đã tạo tin giả,
đăng tin sai sự thật trên các mạng xã hội khiến nhiều người hoang mang, lo sợ,
thậm chí còn có những hành động tiêu cực. Nhiều trang mạng, tài khoản facebook
còn đăng thông tin chưa được kiểm chứng về các ca bệnh lây lan trong cộng đồng,
những chính sách hỗ trợ của chính phủ, việc tiêm ngừa vaccine…. Những hành động
này chỉ nhằm mục đích gây sự chú ý, nhưng ảnh hưởng rất xấu đối với cộng đồng.
Và kèm theo là sự xuất hiện nhiều thông tin lợi dụng những hoạt động phòng chống
dịch, sau đó thổi phồng sự thật, bóp méo, tung lên mạng, kèm theo là những ý kiến
phân tích, thu hút các bình luận trái chiều, tạo nên sự bức xúc trong dư luận.
Một số còn kèm theo hình ảnh được xử lý cắt ghép gây nhiễu cho người tiếp nhận
thông tin.
Trong năm 2021, lực lượng chức năng quản lý nhà nước trên lĩnh vực thông tin và truyền thông tỉnh Thanh Hóa đã xử phạt vi phạm hành chính và mời làm việc gần 100 trường hợp có hành vi đưa thông tin sai sự thật lên trên mạng xã hội gây ảnh hưởng xấu đến các hoạt động, uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức.
Do đó, người dân khi sử dụng mạng xã hội không nên đăng tải, chia sẻ hoặc bình luận những thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin không chuẩn xác, gây hoang mang dư luận... Để nắm các thông tin về chính trị, kinh tế - xã hội, tình hình dịch Covid-19, chúng ta nên tham khảo các trang thông tin của các ban, bộ, ngành và cơ quan chức năng, thu thập, tiếp nhận thông tin ở các tờ báo chính thống, có uy tín. Quan trọng hơn, khi dùng mạng xã hội cần nâng cao cảnh giác, không vội tin vào những thông tin mang tính kích động, gây hoang mang dư luận mà cần đối chiếu, kiểm tra thông tin tại các trang thông tin chính thống của các cơ quan Đảng, Nhà nước; tuyệt đối không chia sẻ, bình luận, like các bài viết đăng tải những thông tin chưa được kiểm chứng có nội dung kích động, tuyên truyền sai trái. Làm được điều đó, chắc chắn tin giả, tin sai sự thật sẽ không còn tồn tại.
Nhận xét
Đăng nhận xét