“Chưa nói về chuyện có người tự nhận là
đồng tác giả của Tiến quân ca, gần 70 năm kể từ khi ra đời, ca khúc đã không ít
lần bị nhăm nhe thay thế hoặc sửa lời…”- nhà thơ, họa sĩ Văn Thao, con trai trưởng
của cố nhạc sĩ Văn Cao nhớ lại.
ĐÍCH THÂN BÁC HỒ CHỌN " LÀM QUỐC
CA
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đích thân chọn
Quốc ca cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 16/8/1945, trong dịp Đại hội
Quốc dân đồng bào họp ở Tân Trào chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa. Giữa 3 ca khúc:
Tiến quân ca, Chiến sĩ Việt Minh (sau đổi thành chiến sĩ Việt Nam) của nhạc sĩ
Văn Cao và ca khúc Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi; Bác Hồ đã chọn Tiến quân
ca.
“Bác nói rằng, lời bài Diệt phát xít ngắn
gọn, dễ hát, dễ phổ cập, tuy nhiên chế độ phát xít đã tan rã, nếu lấy bài Diệt
phát xít làm quốc ca sẽ không hợp thời. Bác nói, bác thích bài Chiến sĩ Việt
Minh nhất, đặc biệt là đoạn cuối:…Hận thù bao năm căm lòng đất nước tan tác
/Xương máu đang khơi ngòi/Tiếng than nơi nơi/Tháng năm dần trôi/Thề phục quốc.
Tiến lên Việt Nam!/Lập quyền dân. Tiến lên Việt Nam!...
Nhưng Bác không chọn ca khúc này làm Quốc
ca vì cho rằng lời dài, khó hát. Bác còn nói vui rằng, nếu chọn ca khúc này làm
Quốc ca để hát chào cờ thì nhân dân…đứng mỏi chân.
Theo Bác, đưa Tiến quân ca trở thành Quốc
ca là phù hợp nhất. Ca khúc thể hiện được ý chí, khát vọng của dân tộc lại gắn
gọn, dễ thuộc lời, đầy đủ về ý nghĩa, giai điệu lại hùng tráng…”, nhà thơ, họa
sĩ Văn Thao kể.
Dù không được chọn làm Quốc ca nhưng
sau đó, Diệt phát xít và Chiến sĩ Việt Minh đều được yêu thích và phổ biến rộng
rãi trong công chúng.
Con trai trưởng của cố nhạc sĩ tài hoa
Văn Cao vẫn còn nhớ sự xúc động thật sự xen lẫn niềm hạnh phúc trên gương mặt
người cha của mình khi Tiến quân ca vang lên mọi ngóc ngách đường phố cùng lá cờ
đỏ sao vàng bay phấp phới.
Ông nhớ lại, ngày 2/9/1945, ca khúc Tiến
quân ca chính thức được cử hành trong ngày Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường
Ba Đình bởi ban nhạc Giải phóng quân do nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên chỉ huy. Trước
ngày biểu diễn, cùng với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên trao đổi
với Văn Cao thống nhất sửa hai chữ trong Tiến quân ca, cụ thể là rút ngắn độ
dài của nốt rê đầu tiên ở chữ "Đoàn" và nốt mi ở giữa chữ
"xác" giúp cho bản nhạc hào sảng hơn.
Từ khi được đích thân Bác Hồ chọn cho đến
năm 1955, Quốc ca giữ nguyên lời của bài Tiến quân ca. Sau năm 1955, Quốc hội mời
nhạc sĩ Văn Cao tham gia sửa chữa một số chỗ về phần lời và trở thành bài Quốc
ca như hiện nay. Tuy nhiên, lúc sinh thời nhiều lần Văn Cao đã cảm thấy luyến
tiếc vì một số chữ bị sửa đã làm vơi đi khí thế hào hùng của ca khúc.
VĂN CAO CÓ KHẢ NĂNG TIÊN ĐOÁN, ĐI TRƯỚC
THỜI ĐẠI
Nghệ sĩ Văn Thao cho biết, thuở nhỏ,
nhiều lần ông được đấng sinh thành kể về hoàn cảnh ra đời ca khúc Quốc ca ngày
nay. Nhạc sĩ Văn Cao đã sáng tác ca khúc này trên căn gác nhỏ ở phố Nguyễn Thượng
Hiền vào khoảng tháng 10/1944. Trước đó, Văn Cao có gặp lại Vũ Quý, một cán bộ
Việt Minh từng hoạt động tại Hải Phòng ở ga Hàng Cỏ. Khi rủ nhau đến quán cơm
Văn Phú ở phố Lê Duẩn bây giờ, Vũ Quý đã khích lệ nhạc sĩ viết ca khúc khơi dậy
lòng yêu nước cho thanh niên, học sinh…
Trong cuốn hồi ký Tại sao tôi viết Tiến
quân ca, nhạc sĩ Văn Cao cũng đã kể rằng: “Tin từ Nam Định lên, cho biết mẹ tôi
và các em tôi đang đói. Họ đang tìm mọi cách để sống qua ngày, như mọi người
đang chờ đợi một cái chết thật chậm, tự ăn mình như ngọn nến. Tiếng kêu cứu của
mẹ tôi, các em, các cháu tôi vọng cả căn gác, cả giấc ngủ chiều hôm. Tất cả
đang chờ đợi tôi tìm cách giúp đỡ. Tôi chưa được cầm một khẩu súng, chưa được
gia nhập đội vũ trang nào. Tôi chỉ đang làm một bài hát. Tôi chưa được biết chiến
khu, chỉ biết những con đường ở phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ theo thói
quen tôi đi…”.
Chính hoàn cảnh đói khổ của người thân,
của những sinh mạng leo lắt mà ông từng chứng kiến, cứ miên man như thế, một
giai điệu trong ông bỗng dâng trào và hòa quyện cùng lời ca như bật ra:“Đoàn
quân Việt Minh đi (sau này đổi là Đoàn quân Việt Nam đi)…
Cũng theo nhà thơ, họa sĩ Văn Thao, người
cha của ông có khả năng tiên đoán, đi trước thời đại ngay từ khi đặt bút viết
Tiến quân ca. Năm 1944, thời điểm đó chỉ có lá cờ búa liềm, mãi đến năm 1945-
Cách mạng tháng 8 thành công ra đời Quốc dân đồng bào mới chọn lá cờ đỏ sao
vàng làm Quốc kỳ. Vậy mà Văn Cao đã viết: “Đoàn quân Việt Minh đi/Sao vàng phấp
phới/Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than…”.
Không chỉ dự cảm về thành công của Cách
mạng, cố nhạc sĩ tài hoa còn khẳng định giá trị lịch sử đúng đắn của ca khúc và
có niềm tin vào ca khúc được lòng dân yêu mến. “Ông có lòng tin “đứa con tinh
thần” của mình đã sống được gần 40 năm, nó đã khẳng định được sức sống, giá trị
lịch sử của nó. Đã là lịch sử thì làm sao xóa được…”, Văn Thao nhớ lại lời khẳng
định của người cha kính yêu ở những năm 80- khi lần đầu tiên Quốc ca đứng trước
nguy cơ bị thay thế.
SỐ PHẬN THĂNG TRẦM CỦA TUYỆT PHẨM ĐI
VÀO LÒNG DÂN
Nhìn lại ca khúc gắn liền với chiều dài
lịch sử, tài sản tinh thần thiêng liêng của người cha quá cố; người con trai nhạc
sĩ giờ cũng đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy trầm tư khi điểm lại những thăng
trầm, sóng gió mà số phận Quốc ca từng trải qua.
“Chưa nói về chuyện có người tự nhận là
đồng tác giả của Tiến quân ca, gần 70 năm kể từ khi ra đời, ca khúc đã trải qua
nhiều biến cố thăng trầm, không ít lần bị nhăm nhe thay thế hoặc sửa lời…”, nghệ
sĩ Văn Thao trầm tư.
Năm 1981, chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ
nghĩa Việt Nam dự định thay đổi Quốc ca. Một cuộc thi được mở ra nhưng sau hơn
một năm, cuộc thi này không được nhắc tới nữa và cũng không công bố kết quả. Nhớ
lại, Văn Thao cho biết thời điểm đó cha của ông đã rất buồn khi “đứa con tinh
thần” của mình bị phủ nhận…
“Không chỉ đến những năm 80, mà trước đó đã có cá nhân đề cập việc
đổi Quốc ca với Bác Hồ. Bác đã nói, sao các chú lại bàn chuyện đổi Quốc ca ở
đây? Lá cờ đỏ sao vàng tung bay ở đâu, lời Quốc ca vang lên đến đó. Nếu các chú
muốn xóa lá cờ đỏ sao vàng, xóa cách mạng thì hãy tính tới chuyện đổi Quốc ca”,
nhà thơ, họa sĩ Văn Thao nói.
Và gần đây nhất, ý kiến của một đại biểu
quốc hội cho rằng cần sửa lại một số ca từ không còn phù hợp trong Quốc ca như
“Đường vinh quang xây xác quân thù” lại làm dấy lên nhiều luồng ý kiến về việc
có nên hay không nên sửa lời Quốc ca? Trước thông tin này, nhà thơ, họa sĩ Văn
Thao cho biết đó chỉ là ý kiến của một cá nhân và gia đình ông không có ý kiến
gì.
Con trai trưởng của tác giả ca khúc Quốc
ca chỉ chia sẻ: “Đối với nhiều người thì Quốc ca đã đi vào lịch sử, đi vào lòng
dân và là hồn của đất nước, mà đã là lịch sử thì không thể sửa hoặc thay đổi.
Và lời Bác Hồ vẫn còn đó…”
BÁC HỒ CHỈNH SỬA LỜI CA KHÚC TIẾN QUÂN
CA
Năm 1945, trước khi họp Quốc dân Đại hội
tại Tân Trào để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, Ban
Tổ chức trình lên Bác Hồ hai bài hát để Bác xem xét, trình Quốc dân Đại hội để
làm Quốc ca.
Đó là bài “Diệt phát xít” của Nguyễn
Đình Thi và bài “Tiến quân ca” của Văn Cao. Bác đọc xong, nói: “Bài của chú
Nguyễn Đình Thi cũng hay nhưng phát xít đã diệt xong rồi nên không thể dùng nữa.
Còn bài của chú Văn Cao thì dùng được nhưng phải sửa mấy chỗ”.
Theo Bác thì Quốc ca phải sâu sắc về nội
dung và đẹp về lời ca. Bác đồng ý chọn bài “Tiến quân ca”, một bài hành khúc
nghiêm trang hào hùng, nhịp lại thông thả, dễ hát. Bác tham gia ý kiến sửa lại
lời hát ở một số câu cho chính xác hơn, đẹp hơn, phù hợp với Quốc ca: “Đoàn
quân Việt Minh…” sửa là “Đoàn quân Việt Nam”; “Thề phanh thây uống máu quân
thù” sửa lại là “Đường vinh quang xây xác quân thù”…
Tác giả, nhạc sĩ Văn Cao, cho biết năm
1944, Vũ Quý giao cho Văn Cao nhiệm vụ sáng tác bài hát cho khóa quân chính
kháng Nhật. Văn Cao viết bài “Tiến quân ca” trên căn gác hẹp nhà số 45, Nguyễn
Thượng Hiền, Hà Nội, Nguyễn Đình Thi rất vui thích khi cầm “Diệt phát xít”, còn
Văn Cao thì viết thêm bài “Chiến sĩ Việt Nam”… Cuối năm 1944, chính tay Văn Cao
viết lên đá in bài “Tiến quân ca”. Bài hát được nhanh chóng truyền bá rộng rãi.
Trong cuộc mít tinh của giới viên chức
Hà Nội ngày 17 tháng 8 năm 1945, khi lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện công khai thì
bài “Tiến quân ca” cũng vang lên” Hai hôm sau, 19 tháng 8 năm 1945, ngày tổng
khởi nghĩa, “Tiến quân ca” lại được dàn đồng ca “Thiếu niên tiền phong” hát mở
đầu cuôc mít tinh trước nhà hát lớn Hà Nội.
Ngày 2-9-1945, “Tiến quân ca” chính thức
thành Quốc ca Việt Nam, vang lên trên quẩng trường Ba Đình lịch sử.
Nhận xét
Đăng nhận xét