Ở trong một gia đình, chúng ta luôn cảm
thấy hạnh phúc khi con cháu thành đạt, nhà cửa ổn định, công việc thăng tiến.
Chúng ta cũng luôn tự hào về các bậc ông bà, cha mẹ đã nuôi dưỡng, giáo dục
chúng ta nên người, là người thắp lửa cho thế hệ trẻ, là người giữ nếp nhà cho
chúng ta. Đó là sự hướng tới tương lai nhưng vẫn giữ cái lề của quá khứ, của
truyền thống, định hướng đường đi đúng đắn, không lai căn, pha tạp, hòa nhập chứ
không hòa tan trong thời kỳ hội nhập, trong cuộc sống hiện đại.
Vậy mà, sau một hồi loay hoay cải cách,
chuẩn bị tới đây, môn lịch sử sẽ trở thành một môn tự chọn trong chương trình
giáo dục phổ thông. Thực trạng ngại học sử luôn được báo động trong thế hệ trẻ
ngày nay. Người ta chỉ ra rằng, không phải học sinh quay lưng lại với môn lịch
sử mà do cách dạy sử, cách tiếp cận lịch sử với giới trẻ chưa phù hợp, chưa
kích thích sự ham học hỏi từ học sinh. Vậy mà, ngành giáo dục lại chọn cách thấy
khó thì bỏ qua. Nhẹ thì xem đây là một sự sai sót, nặng thì có thể xem đây là
chúng ta đã rơi vào ý đồ của ngoại bang.
Bởi, lịch sử, văn hóa truyền thống dân
tộc là sự khẳng định chủ quyền mạnh mẽ nhất đối với sự tồn tại của một dân tộc,
một đất nước chứ không phải là đường biên. Hơn 1 ngàn năm Bắc thuộc, văn hóa
làng xã, tiếng Việt của chúng ta đã kiên cường chống lại sự xâm lăng, đồng hóa
của các triều đại phương Bắc. Những câu chuyện Thánh gióng đánh giặc Ân trước hết
không phải lưu truyền qua sử sách mà trước hết là những câu chuyện hằng đêm của
mỗi nóc nhà người Việt. Một câu chuyện không để ru trẻ em ngủ mà một câu chuyện
giáo dục về lòng yêu nước, tinh thần đánh giặc ngoại xâm của cha ông ta. Để khi
đủ lực, đủ sức thì dân tộc ta đứng lên giành lại đất nước, khẳng định chủ quyền,
kiên cường chống giặc.
Sẽ như thế nào nếu thế hệ trẻ mai sau mơ
màng về nguồn cội, không hiểu được giá trị hòa bình, độc lập, thống nhất hôm
này là xương máu của hàng triệu đồng bào đi trước để nỗ lực học tập, nỗ lực lao
động sản xuất, nỗ lực xây dựng quê hương. Để khi có kẻ thù xâm phạm đất nước
thì một tấc không đi, một ly không dời, họ chiến đấu với tất cả lòng tự tôn dân
tộc, lòng tự hào về lịch sử truyền thống và với khát vọng, hi vọng vào tương
lai tốt đẹp.
Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh chắc cũng được phát động rầm rộ trong ngành giáo dục.
Tuy nhiên, tiếc rằng nó lại không được các nhà làm chương trình giáo dục phổ
thông thấm nhuần, để rồi không nhớ đến những câu thơ ngắn gọn, súc tích mà vô
cùng ý nghĩa của Bác:
“Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc
tích nước nhà Việt Nam”.
Nhận xét
Đăng nhận xét