XỎ MŨI CIA, DẮT MŨI MẬT THÁM PHÁP, QUA
MẶT HOA NAM TÌNH BÁO CỤC - CHÂN DUNG CHIẾN SĨ TÌNH BÁO, ĐIỆP VIÊN HUYỀN THOẠI
PHẠM NGỌC THẢO QUA TÁC PHẨM ĐIỆN ẢNH KINH ĐIỂN "VÁN BÀI LẬT NGỬA"
KHÔNG THỂ TIN NỔI, 40 NĂM ĐÃ TRÔI QUA,
ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM KHÔNG CÓ NỔI MỘT TÁC PHẨM ĐIỆN ẢNH ĐỦ TẦM CỠ SÁNH NGANG VỚI
"VÁN BÀI LẬT NGỬA"
Ván bài lật ngửa là bộ phim nhựa trắng
đen 8 tập về đề tài gián điệp do Xí nghiệp phim Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh
(nay là Hãng phim Giải Phóng) sản xuất trong những năm 1982–1987.
Bộ phim mô phỏng quãng đời hoạt động của
các nhân vật tình báo có thật ngoài đời của Đảng Lao động Việt Nam hoạt động
trong lòng địch trong kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là tình báo viên Phạm Ngọc
Thảo. Bộ phim do Nguyễn Trương Thiên Lý (Trần Bạch Đằng) viết kịch bản, do Khôi
Nguyên (Lê Hoàng Hoa) làm đạo diễn, có sự tham gia diễn xuất của các diễn viên
Nguyễn Chánh Tín (vai Nguyễn Thành Luân), ca sĩ Thanh Lan và Thúy An (vai nữ điệp
viên tình báo Thùy Dung – vợ của Nguyễn Thành Luân).
Nên nhớ rằng, bộ phim được sản xuất vào
năm 1982, đất nước vừa mới giải phóng được vài năm, điều kiện còn vô vàn khó
khăn thiếu thốn, khó khăn đủ thứ, thiếu thốn đủ thứ, vậy mà vẫn sản xuất và cho
ra mắt được bộ phim xuất sắc như thế này. Bộ phim như một tượng đài kinh điển,
đứng sừng sững suốt 40 năm, mà cho đến tận bây giờ chưa có nổi một tác phẩm điện
ảnh nào đủ sức ngang tầm với bộ phim này.
Đừng thấy đây là phim đen trắng mà đánh
giá thấp bộ phim này, nên nhớ thời điểm nó sản xuất, chưa có bất kỳ cái gì gọi
là kỹ xảo điện ảnh hay CGI, hay diễn viên đóng thế, tất cả đều phải làm thủ
công, diễn thật, làm thật, ăn thật, tất cả đều phải cố gắng hết sức bằng thực lực
của mình. Phim hay bởi kịch bản cực hay, chặt chẽ, cuốn hút. Những màn đối đầu
nảy lửa đầy kịch tính, những đoạn hội thoại dò xét nhau hồi hộp gay cấn, ý tại
ngôn ngoại, những nút thắt mở tình tiết hợp lý, cắt dựng phim, chuyển cảnh mượt
mà, xuất sắc. Phim kết hợp cả những đoạn phim tư liệu lịch sử nên cho cái nhìn
chân thật, không khí phim căng thẳng hồi hộp gấp gáp khiến người xem như được sống
trong thời khắc lịch sử đó.
Vào thời điểm đó, Ván bài lật ngửa phô
diễn tất cả những trang thiết bị xe cộ tối tân sành điệu nhất, những chiếc xe
hơi đắt tiền, bóng loáng, mui trần, nếu để so sánh với thời đại ngày nay thì nó
phải tương đương với những chiếc siêu xe 30-40 tỷ. Vào thời điểm đó mà đã huy động
được trực thăng, máy bay, tăng thiết giáp, xe chở quân, súng đạn, bom rơi đạn nổ,
vô cùng hoành tráng chân thật để đóng phim, những thiết bị tối tân nhỏ gọn như
máy nghe lén, thiết bị chụp ảnh siêu nhỏ, đủ thứ cũng được đưa vào để làm tăng
tính chân thật cho phim.
Phim ảnh thời đó cũng tỏ ra rất thoáng,
các diễn viên nam nữ hôn nhau cuồng nhiệt, bikini 2 mảnh phô diễn hết đường
cong của các nữ diễn viên, thời đó chưa có internet như bây giờ, không phải lúc
nào cũng có thể ngắm được những đường cong tuyệt mỹ khúc nào ra khúc đấy như vậy.
Các diễn viên nữ chính vô cùng xinh đẹp, vẻ đẹp phồn thực, ấn tượng với cô nhà
báo nữ Helene Fanfani do diễn viên Lan Chi thủ vai, không biết bây giờ bà đang ở
đâu làm gì. Ngoài ra còn có diễn viên thủ vai Thùy Dung, và nhất là người vào
vai Trần Lệ Xuân, ghê gớm, đanh đá, đáo để, bốc đồng, góp một phần không nhỏ
dìm chết chế độ VNCH bằng những lời lẽ sôi sục đổ dầu vào lửa.
Phim cũng có cái nhìn khá khách quan về
chế độ VNCH thời kỳ Diệm Nhu. Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu không phải là những kẻ
cục súc võ biền mà là những chính trị gia lão luyện, những bộ óc sừng sỏ, với
những toan tính cẩn thận, luôn luôn nghi ngờ tất cả, nhưng cuối đời lại phạm phải
hết sai lầm này đến sai lầm khác. Phim cũng lý giải rất rõ ràng, tại sao chế độ
phi nghĩa VNCH chắc chắn phải sụp đổ, tại sao Diệm Nhu phải c.h.ế.t, nhận viện
trợ của Mỹ, dựa vào Mỹ, mà dám bật lại Mỹ, thì chỉ có một kết cục, không còn
con đường nào khác. Ngô Đình Nhu và Nguyễn Thành Luân vừa là đối thủ vừa là bạn
bè của nhau, vừa đối đầu nhau, vừa tôn trọng nhau. Diễn viên Lâm Bình Chi vào
vai Ngô Đình Nhu một cách xuất thần, thâm trầm, kín đáo, sâu sắc, lạnh lùng tàn
nhẫn dứt khoát.
Đạo diễn cũng rất chăm chút các khung
hình, không chỉ các cảnh hành động, bắn súng, đấu trí, phản gián mà đạo diễn
còn rất coi trọng vấn đề văn hóa, những phòng trà quán bar, những bản nhạc xưa,
được những điệu múa cung đình ở Lào, Campuchia, những cung điện đền đài, thánh
đường cầu nguyện, những buổi lễ của mỗi tôn giáo khác nhau, những sắc màu lễ hội
của các dân tộc Tây Nguyên cũng được đạo diễn rất chú trọng trong phim.
Không thể không kể đến linh hồn của bộ
phim đó là cố diễn viên NSƯT Nguyễn Chánh Tín, kể cả bây giờ điện ảnh Việt Nam
kiếm đâu ra được diễn viên có được cái thần thái như nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín
ngày ấy. Dáng người dong dỏng cao, mũ phớt, áo măng tô, con nhà võ, tóc rẽ ngôi
bồng bềnh lãng tử, lạnh lùng, quyết đoán, tỉnh táo phán đoán, nói năng từ tốn
thuyết phục, điềm đạm tự tin, bật lửa châm điếu thuốc cũng đầy chất nghệ sĩ.
Khung cảnh đầu phim, khi Nguyễn Thành Luân bước ra từ chiếc ô tô, khoác măng
tô, đội mũ phớt, đi vào rừng dưới lá cây rơi rào rạc, trong ánh chiều tà, có lẽ
là một phân cảnh kinh điển nhất của điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Nguyễn Chánh Tín thể hiện xuất sắc nhà
tình báo Phạm Ngọc Thảo, một con người, có lẽ chăng nên được xếp vào top 10
tình báo viên xuất sắc nhất mọi thời đại. Hoạt động một mình đơn tuyến, độc lập
tác chiến, đi giữa rừng gươm và biển giáo, giữa muôn trùng vây, thập diện mai
phục, mà vẫn hiên ngang bất khuất, đi thẳng vào lòng địch, tung hoành ngang dọc.
Đối đầu với những đối thủ sừng sỏ, cả tình báo phòng nhì Pháp, Cục tình báo
Trung ương Mỹ CIA, rồi cả Hoa Nam tình báo cục Trung Quốc, Sở mật vụ của VNCH,
rồi có cả các đối tượng thành phần khác như Cao Miên, Fulro, đôi khi còn bị ám
sát nhầm bởi chính các chiến sĩ của mình (do các chiến sĩ của mình không biết),
vậy mà Đại tá Nguyễn Thành Luân - Phạm Ngọc Thảo vẫn bình tĩnh quyết đoán khôn
khéo, xử lý hết tất cả mọi công việc một cách bình thản, vừa có lợi nhất cho sự
nghiệp cách mạng, vừa cứu được các chiến sĩ cách mạng khỏi tù đày, vừa chuyển
được những tin tức mật báo cho cách mạng, vừa lấy được sự tin tưởng của chính
quyền ngụy VNCH, vừa không bị các đối thủ khác nghi ngờ phát giác thân phận lai
lịch của mình.
Đỉnh cao nhất của nghề tình báo có lẽ
là thực hiện đảo chính, thay đổi cả chế độ của quân địch, chia rẽ, gây rối loạn
nội bộ hàng ngũ của quân địch. Một mình Đại tá Phạm Ngọc Thảo thực hiện những kế
sách mang tầm vóc chiến lược, quyết định cục diện chiến tranh, ngang với một đạo
quân hàng vạn người. Xem phim mới biết được, hòa bình độc lập thống nhất đất nước,
không phải tự nhiên mà có được, không ai mang đến cho, mà phải tự chúng ta đứng
lên dành lấy bằng máu của mình, máu của hàng triệu người Việt, của những anh
hùng thương binh liệt sĩ đã đổ xuống để có được nền hòa bình độc lập tự chủ thống
nhất như ngày hôm nay.
Các bạn trẻ hiện nay, có lẽ sinh ra
trong thời bình nên mặc nhiên hòa bình là điều đương nhiên phải có. Nhưng để có
được nền hòa bình chưa bao giờ là dễ dàng. Cuộc sống chưa bao giờ dễ dàng, nếu
bạn thấy nó dễ dàng thì đó là có người đã thay bạn gánh vác phần khó khăn đó.
Phim đôi khi hơi khó xem, do kịch bản lời
thoại của các diễn viên đôi khi thêm vào nhiều từ tiếng Tây, cả Anh, cả Pháp, rồi
cả tiếng Hoa, kiến thức dữ liệu lịch sử rất nhiều làm bạn choáng ngợp, bạn nên
hết sức tập trung chăm chú theo dõi, lắng nghe lời thoại, kết hợp với cả việc
tra cứu lịch sử, để hiểu rõ hơn mới thấy đây là một bộ phim cực hay.
40 năm trở lại đây cho đến hiện nay, 40 năm rồi đấy, đời người được
mấy cái 40 năm. Điện ảnh Việt Nam bây giờ đang làm gì, ngoài mấy bộ phim truyền
hình và điện ảnh chiếu rạp quanh đi quẩn lại yêu đương nhăng nhít, hài nhảm vớ
vẩn, tiểu tam giật chồng, đánh ghen lố lăng, mẹ chồng nàng dâu, LGBT, sốc, sếch,
sến, sẩm, câu view lăng nhăng. Đến bao giờ điện ảnh Việt Nam mới có một bộ phim
đủ tầm vóc như Ván bài lật ngửa được ra rạp. Cần gì phải remake làm lại phim ở
đâu xa, cần gì phải lấy bản quyền phim của nước ngoài. Cứ lấy kịch bản phim Ván
bài lật ngửa làm lại cũng là quá tốt rồi.
Lịch sử Việt Nam với hàng nghìn năm dựng nước giữ nước, trăm năm đối
đầu với những cường quốc siêu cường hàng đầu thế giới, đánh Mỹ, chống Pháp, hất
cẳng Nhật, diệt Ngụy, phang Tàu, cứu Cam, hàng trăm trận đánh, oai hùng biết mấy,
hàng trăm anh hùng, oanh liệt biết bao. Chất liệu lịch sử phong phú biết bao,
ngồn ngộn những tư liệu lịch sử với hàng trăm ngàn câu chuyện, nhân vật anh
hùng, có thể chuyển thể thành hàng vạn kịch bản phim, hàng vạn bộ phim điện ảnh,
hấp dẫn mãn nhãn đẹp mắt kịch tính, vô cùng phong phú mà không bộ phim nào giống
bộ phim nào.
Thế nhưng hiện nay, không ai chịu làm phim điện ảnh về đề tài lịch
sử chiến tranh cách mạng.
Nếu bây giờ chúng ta không làm thì đành phải để cho các nước khác
làm phim về chiến tranh tại Việt Nam cho chúng ta xem thôi.
Đương nhiên, nước ngoài làm phim về chiến tranh tại Việt Nam thì
phải theo góc nhìn của họ, theo quan điểm của họ. Áp đặt về văn hóa, thay đổi về
nhận thức, tự diễn biến, tự chuyển hóa là từ đây chứ từ đâu nữa.
Phim ảnh lịch sử chính là cách truyền tải nhanh nhất, ngắn nhất
thông điệp lịch sử đến khán giả. Phim ảnh lịch sử gieo vào lòng người xem lòng
tự hào dân tộc, khơi dậy tinh thần tự tôn dân tộc, đoàn kết dân tộc, gắn kết quốc
gia, giúp đất nước vượt qua khó khăn thử thách.
Nhận xét
Đăng nhận xét