Số liệu khảo sát của Bộ LĐTB-XH mới đây cho thấy, ở Việt Nam, có đến 89% trẻ em (12-17 tuổi) truy cập, sử dụng internet. Đáng lo ngại, hiện nay có không ít trẻ nghiện và bắt chước một số hành động tiêu cực trên các nền tảng mạng xã hội (MXH).
5-7 giờ mỗi ngày
vào mạng xã hội
Ngoài thời gian
cho việc học, trẻ thường dành trung bình 5-7 giờ/ngày vào MXH. Trẻ dùng
smartphone, máy tính bảng… không chỉ để chơi game mà còn tham gia vào nhiều nền
tảng MXH, thậm chí có hiện tượng nghiện MXH. Mới đây, sau thời gian học online
tại nhà, một bé gái học lớp 1 tại Hà Nội đã nhờ cha mẹ quay các đoạn video ngắn
để đăng tải TikTok. Thấy con ngày càng mê mẩn, mê MXH mà bỏ bê việc học, gia
đình phải đưa con đến Bệnh viện Tâm thần Mai Hương nhờ bác sĩ tư vấn, thăm khám.
Chị Nguyễn Bình
An, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM, cũng cảm thấy lo lắng khi con gái mới học lớp 5
đã có dấu hiệu nghiện MXH, thậm chí vào mỗi bữa ăn, cháu phải ngồi lướt điện
thoại mới chịu ăn. Gia đình chị đã thử mọi biện pháp khuyên ngăn nhưng đều không
thành công. “Gần đây, tôi thấy con hay bắt chước các hành động, điệu nhảy hoặc
câu nói theo xu hướng trên mạng. Nhiều câu nói có phần thô tục, không phù hợp
với độ tuổi của con. Gia đình cũng làm mọi cách khuyên ngăn nhưng không hiệu
quả”, chị Bình An lo lắng.
Em Vũ Hạ Anh, học
sinh lớp 6 (quận Gò Vấp, TPHCM), cho biết, trung bình mỗi ngày em có khoảng
5giờ lướt TikTok, Facebook, Zalo với mục đích giải trí và liên lạc bạn bè.
Trong lớp hầu như bạn nào cũng dùng điện thoại và MXH để giải trí, liên lạc với
nhau. Ngoại trừ giờ học, còn lại thời gian ở nhà em được sử dụng MXH khá thoải
mái.
Đảm bảo an toàn
môi trường mạng
Nghiên cứu mới từ
Kaspersky dựa trên dữ liệu ẩn danh được người dùng Kaspersky Safe Kids cung
cấp, cho thấy, tại Việt Nam, Zalo, YouTube và TikTok đang đứng đầu tốp ứng dụng
phổ biến nhất. Cụ thể, Zalo trở thành ứng dụng nhắn tin được trẻ em sử dụng
nhiều nhất với 26,37%. YouTube vẫn là ứng dụng giải trí hàng đầu ở hầu hết các
quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam (16,33%). TikTok cũng thu hút sự quan
tâm của nhiều trẻ em (11,24%). Đứng ở vị trí tiếp theo trong số ứng dụng phổ
biến nhất là Facebook (10%).
“Không ngạc nhiên
khi trẻ em Việt Nam dành nhiều thời gian trên các thiết bị di động, song chúng
tôi vẫn khuyến khích các bậc cha mẹ luôn cập nhật thông tin và trao đổi một
cách cởi mở với con về cách sử dụng các nền tảng MXH. Đó là cách hiệu quả để
giúp cho trẻ sử dụng MXH an toàn và có trách nhiệm”, bà Sandra Lee, Giám đốc
điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Kaspersky, cho biết.
Nhiều năm qua, để
đảm bảo trẻ em có trải nghiệm trực tuyến theo hướng tích cực, nhiều tổ chức xã
hội và các công ty bảo mật đã khuyến nghị phụ huynh nên dành thời gian tìm hiểu
thêm về thói quen, sở thích trực tuyến của trẻ. Cần tìm hiểu các xu hướng, trò
chơi và những kênh mới nổi để hiểu chúng có thể ảnh hưởng như thế nào đến hoạt
động phát triển của trẻ. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần hướng dẫn trẻ cách
chặn và báo cáo khi thấy hoặc trải nghiệm có vấn đề trên MXH…
Ở thời đại cách
mạng công nghiệp 4.0, trẻ em rất dễ đối mặt với các nguy cơ về bắt nạt trên
mạng; tiếp cận những nội dung, thông tin không phù hợp với lứa tuổi; khó phân
biệt đâu là thật đâu là giả hoặc thông tin cá nhân vô tình bị phát tán với chủ
đích xấu. Trước thực trạng đó, Google Việt Nam vừa đưa ra chương trình “Be
Internet Awesome - Em an toàn hơn cùng Google”. Dự án với bộ tài liệu Be
Internet Awesome - Em an toàn hơn cùng Google dành cho giáo viên, phụ huynh và
trẻ em với nội dung đa dạng, cung cấp trải nghiệm học tập thú vị, phù hợp với
trẻ 6-13 tuổi… Đây là một tài liệu mà phụ huynh cần lưu tâm để bảo vệ con trẻ
trước môi trường internet hiện nay.
Ngoài ra, theo
Th.S Phan Thị Cẩm Giang, giảng viên ngành Tâm lý học, Trường Đại học Quốc tế
Sài Gòn, hiện nay, trẻ em có xu hướng a dua, bắt chước theo các xu hướng mới
nổi trên MXH. Đây là hiện tượng bình thường trong sự phát triển tâm lý con
người. Việc nghiện MXH sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể chất, tinh thần, tâm
lý, các mối quan hệ xã hội, học tập của trẻ; nhất là giai đoạn trẻ chưa nhận
thức chính xác được hành vi, thông tin sai lệch trên MXH. Do vậy, phụ huynh cần
giám sát, giải thích để nâng cao nhận thức của trẻ về tác hại của việc quá lạm
dụng MXH, phân bổ thời gian hợp lý như lên lịch trình cho việc học của trẻ,
giúp trẻ tham gia các hoạt động xã hội, phát triển thể chất, quản lý thời gian
sử dụng thiết bị điện thoại, tham gia MXH có chọn lọc...
Nhận xét
Đăng nhận xét