Ngày 18-10, trong khuôn khổ Diễn đàn “Hợp tác Quản trị an ninh phi truyền thống khu vực ASEAN”, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức tọa đàm “An ninh phi truyền thống và thách thức đặt ra”.
Nhận diện những vấn đề thuộc về an
ninh phi truyền thống, theo Trung tướng, GS, TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng
Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia
Hà Nội), ngoài những vấn đề an ninh truyền thống là an ninh quân sự, an ninh
chính trị thì tất cả những mối đe dọa, những vấn đề làm cho nền kinh tế phát
triển không bền vững, môi trường sống xã hội không an toàn, lương thực không
được đảm bảo, du lịch không được phát triển tốt để phục vụ cho người dân… đều
gọi đó là phạm trù an ninh phi truyền thống.
Những vấn đề thuộc về an ninh phi truyền thống có thể làm mất ổn
định xã hội hoặc quốc gia từ những mối đe dọa phi quân sự, ví dụ như an ninh
kinh tế, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh mạng hoặc an ninh năng
lượng, an ninh lương thực...
PGS, TS Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia Tội
phạm học, Phó viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và
Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá, những thách thức của an ninh phi
truyền thống nếu không được giải quyết, không được ứng xử đúng, không được ngăn
ngừa, ngăn chặn thì tất yếu sẽ chuyển hóa thành vấn đề an ninh truyền thống. Có
nghĩa là chúng tác động trực tiếp đến sự ổn định, vững mạnh của một Nhà nước,
một chế độ xã hội, sự phát triển, độc lập, thống nhất và chủ quyền lãnh thổ của
quốc gia.
Chia sẻ với quan điểm này, PGS, TS
Hoàng Đình Phi, Hiệu trưởng Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà
Nội) cho rằng, nếu chúng ta không có cách nhìn toàn diện, kiến thức, có công cụ
quản trị, hoạch định được chính sách, kế hoạch phòng ngừa rủi ro phi truyền thống,
để nó trở thành khủng hoảng thì rõ ràng một gia đình không thể phát triển được,
một doanh nghiệp bị rơi vào khủng hoảng, mất khả năng thanh khoản.
Việc nghiên cứu, học tập, nhận thức và
hành động cụ thể trong quản trị tốt rủi ro của bản thân, gia đình, doanh nghiệp
và đất nước giúp giảm thiểu rất nhiều rủi ro, để những rủi ro đó không thể trở
thành khủng hoảng nặng, không gây thiệt hại. Có như vậy, chúng ta mới phát
triển bền vững được.
Đối với việc phòng ngừa các vấn đề an
ninh phi truyền thống trên môi trường mạng, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó tổng
giám đốc VNPT Vinaphone nhìn nhận, đầu tiên cần có bước đào tạo, hướng dẫn
người sử dụng và người dân. Gần đây nhất, chúng ta đã hình thành các tổ chuyển
đổi số cộng đồng với nhiệm vụ không chỉ truyền đạt, truyền thông về công nghệ
mới mà còn hướng dẫn cho người dân về nhận thức, cách sử dụng các dịch vụ công
nghệ thông tin, ứng xử trên môi trường mạng để bảo đảm các hoạt động khi tương
tác với Chính phủ, với doanh nghiệp một cách thông minh nhất, phòng tránh rủi
ro, giảm thiểu nhiều nguy cơ từ cộng đồng.
Để giải quyết các mối đe dọa về an
ninh phi truyền thống, GS, TS Nguyễn Xuân Yêm nhấn mạnh, cần có đầy đủ và ngày
càng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, đường lối, chủ trương… đối với
việc phòng ngừa, ứng phó trong lĩnh vực này. Vấn đề thứ hai là như Nghị quyết
Đại hội Đảng lần thứ XIII có nêu, phải tăng cường quản trị quốc gia, quản trị
an ninh phi truyền thống.
Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo
nguồn nhân lực, tập huấn những kỹ năng, kiến thức về quản trị an ninh phi
truyền thống cho đội ngũ cán bộ cốt cán. Đồng thời, cần đầu tư nghiên cứu khoa
học và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Nhận xét
Đăng nhận xét