Đám đông cả trăm ngàn người chen chúc,
giẫm đạp lên nhau ở Itaewon (Seoul) khiến khoảng 150 người thiệt mạng là một
bài học, một lời cảnh báo đến với tất cả chúng ta.
Hồi năm 2016, cả trăm người già, trẻ
em đã bị ngất xỉu trước cái nắng nóng, sự chen chúc khủng khiếp vào hôm dâng lễ
chính của lễ hội Đền Hùng. Ước tính hôm ấy có khoảng gần triệu người tham dâng
lễ. Đến khi khai hội, hàng rào bị đoàn người phá tung, bị đạp nát bét, khi
chính thức cho người dân vào dâng hương, đoàn cơ quan chức năng phải lên trước
để tránh đám đông lao tới mất kiểm soát…. Có nhiều cháu bé bị lạc bố mẹ, bị mất
nước, thiếu dưỡng chất, đói lả đi sau vài tiếng đồng hồ đứng nẹt cứng ở mặt
sân...
Năm nào cứ đến lễ xin ấn Đền Trần cũng
có nhiều người bị thương, ngất xỉu, xô xát từ nhẹ đến nặng… Khuôn viên chật hẹp
của Đền Trần phải chứng kiến vài chục ngàn người xin ấn. Họ leo lên cả mái đền,
đu lên những cây cột, vắt vẻo trèo từ bên ngoài rồi đáp xuống bên dưới cố tìm
một chỗ đứng. Tại Yên Tử vào mùa lễ, thi thoảng lại có những vụ trượt chân do
chen chúc rơi xuống vực phía bên dưới. Nếu ai đã từng ghé qua Chùa Đồng, sẽ
biết rằng có cái vực sâu ở ngay đằng sau chùa Đồng, vào những ngày lễ, đám đông
sẽ lên đó cầu tài cầu lộc mà khuôn viên chùa Đồng thì có nhiều nhặn gì, nhìn
bức ảnh những cái lan can oằn mình chịu sức nặng, liệu một ngày đen đủi, thảm
cảnh liệu có xảy ra?
Năm ngoái, có hơn chục ngàn người chen
chúc trên hai cây cầu dẫn đến một ngôi chùa trong quần thể chùa Tam Chúc. Cây
cầu được nén chật cứng người, ai cũng muốn được chen vào ngôi chùa, được bái
tượng Phật… Nói không may, nếu xảy ra một vụ việc tai nạn gì đó thì sẽ là một
khung cảnh đau thương mặc dù mức nước ở bên dưới không sâu, nhưng khả năng
hoảng loạn, dẫm đạp lên nhau, mắc kẹt là hoàn toàn có thể xảy ra.
Dẫn chứng về những hình ảnh chen chúc,
chật cứng người tại các lễ hội, dịp đặc biệt ở Việt Nam đã có rất nhiều, đã có
nhiều tai nạn xảy ra, đã có rất nhiều người ngất xỉu… và thật may là chưa có
tai nạn vì người. Nhưng “chưa có” không có nghĩa là “không có”... khi trong
tương lai, dân số thì ngày một đông, các lễ hội chỉ có đông hơn chứ không có
giảm đi, thực trạng mê tín dị đoan vẫn còn tồn đọng, sự ham vui bất chấp sức
khỏe của trẻ em và người già….
Nhớ cách đây ít lâu, dân mạng lên đồng
chửi chính quyền vì phạt ca sĩ Tuấn Hưng biểu diễn ở ban công không phép thu
hút cả ngàn người tham gia. Nhưng chẳng mấy ai đặt tâm thế ở phía chính quyền
rằng phải đảm bảo an ninh, an toàn cho một buổi biểu diễn đông người giữa không
gian phố đi bộ. Rồi có vụ gì xảy ra như đánh nhau, ồn ào, trộm cắp… lại đổ vạ
cho chính quyền không biết quản lý.
Có lẽ đã đến lúc, chúng ta cần nhìn trường hợp ở Itaewon và những
tiền lệ đã có ở Việt Nam, chúng ta cần tham gia các lễ hội hay dịp đặc biệt một
cách văn minh, nên lựa chọn những thời điểm thích hợp để đi. Vì không phải lúc
nào cũng “càng đông càng vui”, đông cũng đồng nghĩa với chật chội, chen chúc,
giá cả dịch vụ được đẩy lên cao và trải nghiệm cũng giảm đi nhiều.
Nên nhớ rằng, cảnh vật và không khí
thì không mất đi đâu cả, cơ hội trải nghiệm vẫn còn nhiều.
Cũng vì đôi khi, chúng ta không biết rằng liệu có điều gì không vui đang chờ đợi chúng ta ở trong những ngày lễ hội đông đúc ấy.
Nhận xét
Đăng nhận xét