Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, tác động mạnh mẽ, toàn diện đến tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng những thách thức, nguy cơ và cả những mặt trái của nó đem lại cũng không nhỏ, nhất là với đối tượng thanh thiếu niên, học sinh. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh chóng về công nghệ thông tin, số lượng người sử dụng Internet và mạng xã hội rất lớn, trong đó thanh thiếu niên, học sinh chiếm tỷ lệ đa số.
Thanh thiếu niên,
học sinh rất năng động, sáng tạo, nhanh chóng tiếp cận cái mới, tuy nhiên, ở
lứa tuổi này, các em còn hạn chế về kinh nghiệm sống, bồng bột, nóng vội và dễ
bị kích động. Lợi dụng những đặc điểm này, các thế lực thù địch, phản động tăng
cường lôi kéo các em tham gia vào các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, nhất
là trên không gian mạng.
Để giúp cho thanh
thiếu niên, học sinh nhận diện được bản chất âm mưu của các thế lực thù địch,
tỉnh táo, bản lĩnh, không để chúng lôi kéo, kích động, cần thực hiện một số
giải pháp như sau:
Một là, tăng cường
tuyên truyền, giáo dục việc chấp hành Luật An ninh mạng cho thanh thiếu niên,
học sinh. Các tổ chức chính trị - xã hội và nhà trường cần tuyên truyền, giáo
dục thanh thiếu niên, học sinh tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, nhất là Luật An
ninh mạng. Quán triệt để các em nhận thức được mọi hành vi vi phạm pháp luật về
an ninh mạng sẽ bị xử lý kịp thời, nghiêm minh, như: Sử dụng không gian mạng để
tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo,
huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc
lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc,
xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; thông tin sai
sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã
hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công
vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác… Đồng
thời, trang bị kỹ năng để các em nhận diện, phát hiện, chủ động phòng ngừa, đấu
tranh ngăn chặn làm thất bại mọi hoạt động sử dụng không gian mạng để chống phá
Đảng, nhà nước.
Hai là, tổ chức các
cuộc thi tìm hiểu về Luật An ninh mạng thu hút đông đảo thanh thiếu niên, học
sinh tham gia. Một trong những giải pháp đưa Luật An ninh mạng đến gần thanh
thiếu niên, học sinh, đó là các tổ chức, các nhà trường tổ chức các cuộc thi để
các em có cơ hội tìm hiểu, vận dụng Luật An ninh mạng vào các tình huống thực
tiễn, như thi hái hoa dân chủ, hỏi-đáp về Luật An ninh mạng, trong đó, tập
trung vào các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng, vai trò, trách nhiệm của
các em trên không gian mạng. Ngoài ra, có thể tổ chức thi thuyết trình về văn
hóa sử dụng mạng xã hội; tổ chức thi sân khấu hoá, biểu diễn tiểu phẩm với chủ
đề “Thanh thiếu niên, học sinh đấu tranh, ngăn chặn thủ đoạn lợi dụng mạng xã
hội để chống phá Đảng, Nhà nước", để các em trình bày những quan điểm, suy
nghĩ của mình về mạng xã hội, nêu ra những tình huống thực tiễn trong đời sống
xã hội. Từ đó, các em sẽ nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong
công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm
sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Ba là, sử dụng mạng
xã hội Facebook, Zalo để tập hợp, thông tin, tuyên truyền, định hướng cho thanh
thiếu niên, học sinh. Khuyến khích thanh thiếu niên, học sinh theo dõi các
trang, nhóm mạng xã hội của nhà trường, tổ chức đoàn thanh niên,… để tiếp cận
thông tin chính thống kịp thời. Bên cạnh đó, khai thác hiệu quả tính năng tạo
nhóm của mạng xã hội Zalo, tuyên truyền, định hướng nhanh chóng, đảm bảo thông
tin đến đối tượng cần tuyên truyền.
Không một quốc gia
nào có thể đứng ngoài xu thế toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do
đó, tận dụng những lợi thế của nó và có những biện pháp phù hợp sẽ giúp chúng
ta ngăn chặn thủ đoạn lợi dụng mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước, góp
phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai
trái, thù địch trong tình hình mới.
Nhận xét
Đăng nhận xét