Những ngày này, các cơ quan, đơn vị đang tổ chức tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2023.
Việc đánh giá đúng
người, đúng việc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm 2022, chính là đánh giá
thực chất những kết quả, thành tích đã đạt được, đồng thời “bắt mạch” đúng,
trúng những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém, chỉ ra nguyên nhân khách quan, chủ quan;
đề ra các giải pháp khắc phục và triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2023 tốt
hơn.
Tuy nhiên, trong
quá trình triển khai nhiệm vụ tổng kết vẫn còn có hiện tượng tô hồng thành
tích, làm mờ khuyết điểm, né tránh mặt yếu kém; đánh giá một cách chung chung, đại
khái, không đụng chạm tới ai, thành tích là do cá nhân, khuyết điểm, hạn chế là
lỗi của tập thể, hoặc đổ lỗi cho khách quan, đổ lỗi cho cơ chế.
Đối với từng con
người cụ thể, thời gian qua, có một số cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ
quan, đơn vị, thậm chí có cả cán bộ do Trung ương quản lý mắc sai phạm nhưng tổ
chức đảng, đảng viên không phát hiện ra. Khi bị phát hiện, nhiều cán bộ chịu
hình thức kỷ luật, thậm chí bị cách hết tất cả các chức vụ trong Đảng, phải hầu
tòa, truy cứu trách nhiệm hình sự, mà trước đó cán bộ, đảng viên đều được xếp
loại hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; tổ chức đảng ở nơi xảy ra vi
phạm nhiều khi lại được xếp loại là tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.
Khi đánh giá không
đúng người, đúng việc sẽ dẫn đến việc đưa ra các giải pháp triển khai nhiệm vụ
trong thời gian tới, khắc phục khuyết điểm, yếu kém một cách mơ hồ, thiếu tính
khả thi, không sát thực tiễn, có thể làm trì trệ cho sự phát triển kinh tế-xã
hội và đời sống chính trị của địa phương, đất nước, làm suy giảm niềm tin của
nhân dân với Đảng, với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp. Khi sự việc, bản
chất con người bị che đậy mà tập thể không đủ dũng khí, sáng suốt nhận diện, sẽ
dẫn đến những nhận xét, đánh giá thiếu khách quan, chính xác. Đặc biệt, trong công
tác cán bộ, việc đánh giá không đúng thực chất sẽ dẫn đến cán bộ có năng lực,
có phẩm chất nhiều khi bị bỏ sót; ngược lại, những trường hợp năng lực hạn chế
nhưng có tham vọng, thậm chí có sai phạm lại có cơ hội "trèo cao, chui
sâu” dẫn đến làm giảm niềm tin của nhân dân vào cơ quan công quyền, làm sai
lệch các chuẩn mực xã hội.
Để khắc phục tình
trạng đánh giá không đúng người, đúng việc trong công tác tổng kết ở các cấp,
trước hết cần phải tuân thủ phương pháp đánh giá một cách toàn diện, nhìn nhận
khách quan, phân tích thấu đáo, hợp lý, hợp tình và hơn cả phải dùng tâm để
thấu tâm. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ ra một trong những biểu hiện về
suy thoái đạo đức, lối sống là: Mắc bệnh "thành tích", háo danh, phô
trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên
tuổi; thích được "đề cao, ca ngợi”; “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”,
“chạy danh hiệu”. Tại hội nghị chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng, Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặc biệt nhấn mạnh: Phải rất tỉnh táo, tinh tường
trong lựa chọn cán bộ: “Đừng thấy đỏ tưởng là chín”, đừng chỉ thấy “cái mã bên
ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong”.
Trung thực, khách
quan, nghiêm túc trong đánh giá đúng người, đúng việc để thấy rõ được chất
lượng của tổ chức, cá nhân ở mức nào, từ đó mới có giải pháp đúng, trúng,
khuyến khích cổ vũ tổ chức, cá nhân phấn đấu, phát huy ưu điểm; khắc phục yếu
kém. Đối với mỗi con người cụ thể, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên cần đánh
giá đúng mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị, phẩm chất, đạo đức; trình độ,
năng lực, từ đó mới có quy hoạch sắp xếp, sử dụng đúng với chuyên môn nghiệp
vụ, theo đúng nguyên tắc “Dụng nhân như dụng mộc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi
cán bộ được sử dụng đúng chỗ, đúng việc, đúng chuyên môn, sở trường sẽ phát huy
mặt mạnh, hạn chế mặt yếu, đồng thời thúc đẩy công việc chung phát triển, có
như thế mới giữ vững và tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, với các cấp
chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Nhận xét
Đăng nhận xét