Không khí bên thềm mùa Xuân mới Quý Mão 2023 đang bắt đầu nhộn nhịp cùng với sự háo hức của mọi người. Tuy nhiên, để có thể đón một cái Tết thực sự vui vẻ, an toàn, mọi người dân cần nắm vững và chú ý không thực hiện những hành vi bị cấm về pháo (được quy định tại Điều 5 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo) như sau:
Một là, nghiên cứu,
chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng
hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc
phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu,
xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định.
Hai là, nghiên cứu,
chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng
trái phép pháo hoa, thuốc pháo.
Ba là, mang pháo,
thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.
Bốn là, lợi dụng,
lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã
hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ
chức, cá nhân.
Năm là, trao đổi,
tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc
pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo
đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.
Sáu là, chiếm đoạt,
mua, bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả,
sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo.
Bảy là, giao pháo
hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy
định.
Tám là, hướng dẫn,
huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép
pháo dưới mọi hình thức.
Chín là, cố ý cung
cấp thông tin sai lệch về quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo; không báo cáo
hoặc báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin về việc mất,
thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo, thuốc pháo.
Nếu người dân nào
vi phạm một trong những điều cấm nêu trên thì tùy vào hành vi và mức độ vi phạm
có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tết Nguyên đán
Quý Mão là thời gian cao điểm mà các lực lượng chức năng sẽ siết chặt công tác
quản lý và sử dụng pháo... Do vậy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị
cần tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết
cho người dân về các quy định của Nghị định 137 để không vi phạm vào những điều
cấm về pháo, nhất là giúp người dân phân biệt rõ loại pháo hoa được phép sử
dụng và các loại pháo hoa nổ bị cấm để tránh tình trạng vi phạm đáng tiếc cũng
như đảm bảo an toàn cháy nổ, an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân. Qua đó,
giúp cả nước đón một cái Tết thực sự vui tươi, an toàn, tiết kiệm.
Nhận xét
Đăng nhận xét