Còn hơn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão nhưng nhiều nơi trên cả nước đã xảy ra những chuyện buồn từ pháo tự chế. Từ xưa đến nay, sau tiếng pháo nổ thường là tiếng cười nói sảng khoái để biểu thị niềm vui, niềm hạnh phúc của con người trong những sự kiện quan trọng như: Đám cưới, lễ, tết, khai trương... Nhưng thời gian qua, sau tiếng pháo nổ lại là những cảnh tang thương, mất mát.
Đáng nói là chiều
25-12-2022, 6 cháu nhỏ từ 9 đến 12 tuổi đã tập trung tại một gia đình ở thôn
Quỳnh Tân 3, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk để làm pháo nổ
từ bột màu trắng và màu vàng (lưu huỳnh) được mua trên mạng xã hội. Làm pháo tự
chế, các cháu đã gây ra một vụ nổ lớn khiến 2 cháu thiệt mạng, 4 cháu khác bị
thương phải đưa đi điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP Hồ Chí Minh và bệnh
viện địa phương.
Pháo nổ là sản phẩm
chứa thuốc pháo được chế tạo bằng nhiều công nghệ khác nhau, khi có tác động
của các kích thích về cơ, nhiệt, hóa, điện sẽ gây nên tiếng nổ. Hiện nay, chỉ
có các cơ sở hay nhà máy có công nghệ tiên tiến, bảo đảm đầy đủ các biện pháp
an toàn và được cấp phép của cơ quan chức năng mới được sản xuất pháo nổ. Tuy
nhiên, do việc tạo ra pháo nổ khá đơn giản nên nhiều người, nhất là thanh,
thiếu niên thích tò mò, ham vui muốn tạo ra sản phẩm riêng cho mình. Chỉ cần
vào mạng xã hội gõ từ khóa "cách làm pháo" hoặc "làm pháo"
thì trên công cụ tìm kiếm Google sẽ xuất hiện hàng loạt video hướng dẫn cách
làm các loại pháo khác nhau. Các loại hóa chất dùng để tự chế pháo nổ cũng rất
dễ dàng tìm mua riêng lẻ tại các cửa hàng hoặc trên các trang thương mại điện
tử.
Những năm qua, các
vụ tai nạn từ pháo tự chế đã gây ra bao thảm họa thương tâm cho các gia đình.
Có gia đình bị cháy nhà, cháy đồ đạc. Có gia đình những người tham gia làm pháo
bị thương vong. Hậu quả của pháo tự chế không chỉ gây tai nạn, làm tổn thất về
con người, vật chất và tinh thần ở thời điểm xảy ra sự cố mà di chứng nó để lại
còn đeo bám dai dẳng các gia đình nhiều năm tháng sau đó.
Tai nạn do pháo tự
chế gây ra rất nghiêm trọng. Do tiếp xúc gần nên khi hóa chất phát nổ, con
người dễ bị các tổn thương nặng ở vùng mặt, mắt, tay, cổ, ngực... Vùng tổn
thương có thể nhanh chóng phù nề, cản trở hô hấp, gây suy hô hấp. Vết bỏng nặng
gây nhiễm độc và để lại những di chứng nặng nề về thẩm mỹ như sẹo xấu, sẹo co
kéo, nặng hơn là ảnh hưởng tới cơ, xương, gây khó khăn trong việc tái hòa nhập
cộng đồng của nạn nhân. Hội chứng sóng nổ lớn còn gây đa chấn thương sọ não,
ngực, bụng, gãy xương tay, chân...
Mặc dù các cơ quan
chức năng đã cảnh báo liên tục nhưng đến nay, tai nạn do pháo tự chế vẫn không
giảm, nhất là vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán. Nhằm ngăn chặn những hiểm họa
do pháo tự chế gây nên, trước hết, các gia đình cần khuyên bảo, nhắc nhở và
kiên quyết không để người thân tự ý mua hóa chất về làm pháo nổ. Các nhà trường
phải thường xuyên giáo dục học sinh, sinh viên tự giác chấp hành nghiêm những
quy định về quản lý pháo, không tự ý chế tạo, sử dụng pháo nổ, nếu tự ý chế tạo
và sử dụng pháo nổ là vi phạm pháp luật. Ngoài ra, các cơ quan chức năng như công
an, dân phòng, tổ an ninh tự quản ở các địa phương cũng cần tăng cường kiểm
tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi chế tạo và sử
dụng pháo nổ trái phép.
Ngày Tết Nguyên đán
là phải an toàn, vui tươi, đoàn tụ và no ấm. Vì thế, ngăn chặn những hiểm họa
do pháo tự chế gây ra sẽ làm cho Tết Quý Mão thêm hạnh phúc, đủ đầy và sum
vầy./.
Nhận xét
Đăng nhận xét