Bộ Quy tắc ứng xử của người
hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa ứng xử của nghệ sĩ được Bộ Văn
hoá, Thể thao và Du lịch ban hành và có hiệu lực hơn một năm nay. Mặc dù đã có
quy chuẩn nhưng đến nay, ứng xử của nghệ sỹ, nhất là trên môi trường mạng vẫn
là vấn đề "nóng".
Bàn
về văn hóa ứng xử của nghệ sĩ với công chúng hiện nay, NSND Thanh Trầm, nguyên
Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh mở rộng giao lưu, hội nhập
quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của Internet, mạng xã hội, nghệ sĩ có nhiều cơ hội
để xây dựng hình ảnh, tạo sức ảnh hưởng với những người hâm mộ.
Với
nghệ sĩ nổi tiếng, mỗi lời nói, hành động trong đời thường hay một status,
comment, hình ảnh đăng trên trang cá nhân có thể tạo ra những hiệu ứng xã hội rất
lớn, không chỉ với những người thường xuyên theo dõi mà với cả cộng đồng. Tuy
nhiên, mặt trái của công nghệ, mạng xã hội cũng đặt ra cho nghệ sĩ những áp lực,
thách thức lớn. Nếu "lỡ lời", viết những câu từ thiếu văn hóa, đụng
chạm đến lòng tự trọng, danh dự của người khác, cộng đồng mạng sẵn sàng "dậy
sóng", tẩy chay nghệ sĩ.
Một
số nghệ sĩ chưa ý thức rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, chưa thấy được mối
quan hệ giữa người nghệ sĩ - công dân nên thường để cho cái tôi cá nhân, chủ
quan lấn át, chi phối, hành động theo cảm tính, thói quen, để cho những cảm xúc
bồng bột, nhất thời chi phối, thậm chí chạy theo tâm lý, xu hướng đám đông, đua
"trend", tạo scandal ảo để gây chú ý của cộng đồng, đánh bóng tên tuổi.
Họ thiếu hiểu biết về pháp luật và kỹ năng ứng phó, xử lý thông tin, truyền
thông, để cho những vụ việc vốn đơn giản trở nên phức tạp.
Những
vụ việc gây ồn ào dư luận và cộng đồng mạng thời gian qua liên quan đến câu
chuyện nghệ sĩ quyên góp, làm từ thiện, quảng cáo sai thực tế, nghệ sĩ sa vào tệ
nạn xã hội, cờ bạc, lô đề, livestream "bóc phốt" đồng nghiệp, xúc phạm,
công kích lẫn nhau vì sự ghen ghét, đố kị cá nhân đang làm "ô nhiễm"
môi trường, không gian mạng xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý tiếp nhận,
tư tưởng, tình cảm của công chúng. Những vụ việc, hiện tượng đó, dưới sức mạnh
của truyền thông, mạng xã hội, làm dấy lên những lo ngại về những góc khuất
trong đời tư nghệ sĩ sau ánh đèn sân khấu.
Theo
TS Cao Ngọc, nhà phê bình sân khấu cho hay, nghệ sĩ hiện đang có nhiều nguồn
thu nhập hơn ngoài lĩnh vực chính của họ là biểu diễn, sáng tác. Khi người nghệ
sĩ nổi tiếng, bản thân họ trở thành "thương hiệu", được nhiều nhãn
hàng mời quảng bá cho sản phẩm của mình. Một số nghệ sĩ vì lợi nhuận, vì thu nhập
đã không ngần ngại quảng cáo sai sự thật về sản phẩm, gây ra những phản ứng
tiêu cực trong xã hội. Những nghệ sĩ này đã vi phạm quy tắc ứng xử văn
hóa - quy tắc cần thiết cho những gương mặt đại diện văn hóa nghệ thuật
nước nhà.
Cũng
theo TS Cao Ngọc, ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc có những chế tài
khá mạnh với các hành vi quảng cáo sai sự thật như phạt hành chính rất nặng, cấm
tham gia quảng cáo. Nhật Bản cũng yêu cầu nghệ sĩ khi quảng cáo phải có trách
nhiệm cung cấp thông tin khách quan. Tuy nhiên, ở Việt Nam, quy định hay chế
tài xử phạt cho những sai phạm trong việc quảng cáo vẫn chưa đủ nghiêm và mạnh.
NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên
hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội cũng nhận định, văn hóa ứng xử của người nổi tiếng
trên mạng xã hội rất đáng báo động. Những phát ngôn phóng túng theo kiểu văn
hóa "chợ búa" trên không gian mạng đã khiến nhiều nghệ sĩ mất điểm
trong lòng công chúng. Hiện tượng "lệch chuẩn" trong văn hóa ứng xử của
một số văn nghệ sĩ trên không gian mạng thời gian qua là một chỉ báo cho thấy cả
nhận thức, đạo đức và lối sống của họ đang đáng báo động. Công chúng luôn theo
sát các hoạt động của các nghệ sĩ, kể cả trong đời thực và trên không gian mạng
nên có không ít nghệ sĩ đã phải trả giá cho những lời nói, hành vi "lệch
chuẩn" của mình. Có không ít nghệ sĩ bị xử phạt vì đăng tải những thông
tin thiếu kiểm chứng… Tuy nhiên, hình phạt nặng nề nhất đối với người nghệ sĩ
là sự coi thường, mất niềm tin, "tẩy chay" của người hâm mộ.
Cũng theo NSND Trần Quốc Chiêm, nghệ sĩ
là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, có vai trò, vị trí đặc biệt
quan trọng trong đời sống cộng đồng. Bằng tài năng, tình yêu quê hương đất nước,
trách nhiệm với Tổ quốc, những tác phẩm của họ có thể ví như những ngọn đuốc
"soi đường cho quốc dân đi".
Để
phát huy truyền thống vẻ vang của nền văn nghệ cách mạng mà các nghệ sĩ đi trước
dày công xây dựng, khắc phục những hạn chế trong đời sống nghệ thuật, nhất là
những hành vi "lệch chuẩn" của một số nghệ sĩ, các cơ quan, ban,
ngành cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Các bộ, ngành trực tiếp quản lý hoạt
động sáng tạo nghệ thuật, các cấp hội văn học nghệ thuật ở trung ương và địa
phương cần nắm bắt tốt tâm tư, nguyện vọng nghệ sĩ, làm tốt công tác giáo dục,
định hướng tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trách nhiệm nghề nghiệp, ý thức
công dân cho đội ngũ văn nghệ sĩ.
Cần
phát hiện kịp thời những tư tưởng, hành vi lệch chuẩn, vi phạm thuần phong mĩ tục,
đạo đức xã hội, chuẩn mực nghề nghiệp của một số nghệ sĩ để uốn nắn, chấn chỉnh
và nghiêm khắc xử lý. Về phía nghệ sĩ cần thực hiện tốt nghĩa vụ, quyền hạn của
một người công dân, tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật, lối sống lành mạnh, ứng
xử phù hợp với quy tắc, chuẩn mực đạo đức của cộng đồng, xã hội.
Nghệ
sĩ cũng cần phải có những kiến thức về công nghệ thông tin, làm chủ thông tin,
hiểu biết pháp luật, tuân thủ những quy tắc ứng xử văn hóa trên không gian mạng;
phải cẩn trọng, suy nghĩ trước khi phát ngôn, bình luận, khi chia sẻ thông tin,
hình ảnh với công chúng và phải lường trước được hậu quả, phải chịu trách nhiệm
trước dư luận, công chúng và pháp luật về những hành vi của mình.
Bên
cạnh đó, các cơ quan, ban, ngành cần phối kết hợp chặt chẽ trong việc định
hướng, kiểm soát, thẩm định thông tin; có những phản hồi, cảnh báo cho người
"đưa tin" và người tiếp nhận về những nguy cơ mất an toàn thông tin;
kịp thời gỡ bỏ những thông tin xấu độc trên môi trường mạng, những lượng
"rác" lớn trên không gian mạng đến từ những hành vi thiếu văn hóa,
kém văn minh của một số người dùng, trong đó có nghệ sĩ…
Nhận xét
Đăng nhận xét