Sau 3 năm phải tạm dừng tổ chức
vì đại dịch Covid-19, mùa lễ hội 2023 đã khởi động trở lại trong không khí sôi
nổi, háo hức của cộng đồng. Sau tiếng trống khai hội Gò Đống Đa mùng 5 Tết Quý
Mão, một loạt lễ hội truyền thống trên đất Thăng Long - Hà Nội cũng mở ra mang
đến không khí tươi vui của mùa xuân trẩy hội đầy náo nức, sau một thời gian dài
chịu cách ly và hạn chế đi lại vì dịch bệnh.
Đặc biệt, đầu tháng hai âm lịch
là lễ hội làng truyền thống đã trở thành một phần không thể thiếu được ở Hà Nội.
Chẳng hạn, lễ hội năm làng Mọc xưa gồm các làng Giáp Nhất, Chính Kinh, Cự Lộc,
Quan Nhân và Phùng Khoang; sau Cự Lộc và Chính Kinh nhập lại thành Cự Chính nên
còn bốn làng: Giáp Nhất, Cự Chính, Quan Nhân và Phùng Khoang, diễn ra từ ngày
mùng 10 đến ngày 12 tháng Hai (Âm lịch) để rước các Thánh du xuân, thưởng lãm cảnh
quan năm làng và cầu cho quốc thái dân an.
Hành động trong lễ hội không
đơn giản chỉ là tái hiện những mô thức văn hóa cổ xưa mà qua đó, thể hiện một
khát khao của con người hiện tại được tiếp nối và phát huy sức mạnh, sự toàn
năng của thiên nhiên hay thần linh, hay các anh hùng trong lịch sử.
Cùng tham dự một lễ hội, người
ta cảm thấy như muốn gắn kết với nhau hơn, như muốn được chia sẻ hơn, như được
tiếp thêm sức sống. Vì thế mà thời điểm lễ hội được coi là “thời điểm mạnh”
trong đời sống hội tụ những nét tích cực nhất của một trình độ tổ chức; hội tụ
những trạng thái tình cảm thăng hoa, vui vẻ và cũng là thời điểm hội tụ những
hình thức lễ nghi và những trò diễn dân gian đặc sắc nhất.
Cho nên, lễ hội chính là sự
kết tinh của một quá trình tiếp biến văn hóa lâu dài, bền bỉ. Qua hình ảnh lễ hội
sẽ nhìn thấy ước mơ, nguyện vọng của cả một cộng đồng hướng về những điều tốt đẹp.
Tuy nhiên, hiện nay việc tổ
chức lễ hội cũng còn nhiều bất cập nếu như các cơ quan quản lý không làm tròn
chức năng thì rất dễ sinh ra sự lộn xộn. Chẳng hạn như lễ hội làng Mọc nêu
trên, việc rước lễ là một phần quan trọng của hội nhưng những người trong Ban tổ
chức và chính quyền cần tính toán hợp lý thời gian rước kiệu để tránh ảnh hưởng
đến sinh hoạt chung của cộng đồng.
Đơn cử như vừa qua, từ việc rước lễ hàng đoàn dài và
đông, lại chọn đúng thời điểm cao điểm giao thông nên đã dẫn tới tình trạng ùn
tắc giao thông cục bộ ở khu vực quân Thanh Xuân và Hà Đông, Hà Nội, khiến cho
không ít người bị ảnh hưởng. Cho nên, bên cạnh việc hành lễ theo nghi thức tín
ngưỡng thì cũng cần có sự tính toán linh hoạt để ngày lễ hội vừa vui vẻ, nghiêm
trang, ý nghĩa nhưng không để ảnh hưởng tới cộng đồng.
Nhận xét
Đăng nhận xét