Tòa án nhân dân TP Hà Nội vừa mở phiên
xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Lân Thắng (sinh năm 1975; trú tại phường
Thịnh Quang, quận Đống Đa, TP Hà Nội) 6 năm tù và quản chế 2 năm sau khi chấp
hành xong hình phạt tù về tội “Làm, tàng trữ, tán phát hoặc tuyên truyền thông
tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự.
Bản án nghiêm minh này cũng là lời cảnh
tỉnh cho những kẻ cố tình lợi dụng tự do ngôn luận để chống phá Nhà
nước.
Theo nội dung cáo trạng, trong khoảng
thời gian từ ngày 13-6-2018 đến 31-12-2020, bị cáo Nguyễn Lân Thắng đã trực tiếp
tham gia trả lời phỏng vấn các trang mạng, đăng tải lên internet nhiều video có
nội dung tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam.
Trong đó có 11 nội dung tuyên truyền
thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, phỉ báng chính
quyền nhân dân; 8 nội dung tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin
bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; 4 nội dung xuyên tạc, vu khống, xúc phạm
uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân…
Ngoài ra, bị cáo Thắng còn tàng trữ 2
tài liệu dạng sách có 3 nội dung tuyên truyền thông tin xuyên tạc, 14 nội dung
tuyên truyền thông tin bịa đặt, 12 nội dung xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự
và nhân phẩm của cá nhân…
Theo Điều 117 Bộ luật Hình sự, người
nào có một trong những hành vi sau nhằm chống Nhà nước sẽ bị phạt tù 5-12 năm:
Làm, tàng trữ, tán phát hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm
có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân hoặc có nội dung bịa đặt,
gây hoang mang trong nhân dân hoặc gây chiến tranh tâm lý.
Phạm tội trong trường hợp đặc biệt
nghiêm trọng bị phạt tù 10-20 năm; người chuẩn bị phạm tội này bị phạt tù 1-5
năm. Căn cứ vào quy định trên, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên mức án với bị
cáo Nguyễn Lân Thắng là phù hợp.
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, Nguyễn Lân Thắng đã bị xử lý
nhiều lần về các hành vi liên quan đến tuyên truyền bịa đặt, sai sự thật, chống
phá Đảng, Nhà nước, chế độ; từng bị tạm giữ vì có hành động phá hoại Đảng Cộng
sản Việt Nam. Những tưởng sau khi bị xử lý theo quy định của pháp luật, Thắng sẽ
ăn năn, hối cải, nhưng đối tượng này lại “ngựa quen đường cũ”, tiếp tục có các
hành vi chống phá Đảng, Nhà nước. Điển hình là: Thắng đòi giải tán Quốc hội vì
không đáp ứng yêu cầu xóa bỏ Điều 4 của Hiến pháp; kêu gọi “phản đối Quốc hội
thông qua sửa đổi Hiến pháp năm 1992”; lập fanpage “Hội những người không đồng
ý Quốc hội thông qua bản Hiến pháp năm 1992 sửa đổi”… trên internet, đặc biệt
là trên Facebook, Twitter…
Ngoài ra, Nguyễn Lân Thắng còn kích động,
kêu gọi người dân không đi xem bắn pháo hoa; kêu gọi người dân phải dùng cái chết
để đấu tranh như cách tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức; đối tượng còn cực
đoan đến mức thù ghét bất cứ ai mặc áo có gắn cờ Việt Nam. Đặc biệt, Thắng nhiều
lần xúc phạm lãnh tụ Hồ Chí Minh nhằm
tạo sự chú ý của cộng đồng mạng. Vì hành vi này, nhiều lần Thắng đã bị người
dân kéo đến tận nhà yêu cầu phải xin lỗi…
Để lôi kéo “con nhang đệ tử”, đồng thời
tạo sự tác động lớn đối với dư luận, quá trình hoạt động chống phá, Nguyễn Lân
Thắng luôn tìm cách “đánh bóng” bản thân để mọi người lầm tưởng mình là
nhà báo tự do. Đi đâu Thắng cũng kè kè chiếc máy ảnh để sẵn sàng chớp những khoảnh
khắc, hình ảnh phản cảm, tiêu cực, sau đó “thêm mắm thêm muối” nói xấu chế độ,
quy chụp, phỉ báng chính quyền.
Cứ ở đâu có sự kiện “nóng”, thu hút sự quan tâm của dư luận là Thắng
có mặt, đưa tin tiêu cực, hô hào, kích động. Có khi, do thiếu “sự vụ”, Nguyễn
Lân Thắng sẵn sàng áp dụng chiêu thức “Chí Phèo”, liều lĩnh xông vào cơ quan chức
năng để chụp hình, tán phát thông tin sai lệch, nói xấu lực lượng vũ trang, điển
hình như vụ vu khống Công an trại Lộc Hà đánh người…
Qua những vụ việc đó, “hư danh” của Thắng
càng nổi, tạo được sự quan tâm, chú ý của các đối tượng, trang mạng chống đối,
“lề trái”. Được đà, Thắng càng ảo tưởng mình là “vĩ nhân”, nhiều lần trả lời
các đài, báo để huênh hoang “phán” về cái gọi là “sự nghiệp đấu tranh dân chủ,
nhân quyền”… Chứng kiến các hành vi vi phạm pháp luật của Nguyễn Lân Thắng,
không ít người dân yêu nước mong muốn cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm minh
đối tượng này để răn đe, cảnh tỉnh cho những kẻ đang có hành vi tương tự, từ đó
dọn bớt những thông tin “rác” trên mạng xã hội.
Như vậy, xâu chuỗi các hoạt động của
Nguyễn Lân Thắng, có thể khẳng định đây là đối tượng chống phá Nhà nước có chủ
đích, trong thời gian dài, với biểu hiện ngày càng ngang nhiên, quyết liệt,
không có sự ăn năn, hối cải.
Chính vì vậy, việc Tòa án nhân dân TP
Hà Nội tổ chức xét xử, tuyên phạt mức án nghiêm minh đối với Nguyễn Lân Thắng
là hết sức cần thiết. Qua đó thể hiện thông điệp hết sức rõ ràng: Phản biện xã
hội để đất nước tốt đẹp, văn minh hơn là cần thiết, đáng trân trọng. Song, nếu
xúc phạm, bôi nhọ, xuyên tạc, chống phá Nhà nước thì rõ ràng vi phạm pháp luật,
không thể dung tha. Mong rằng, sau phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Lân Thắng,
những đối tượng đang chống phá Nhà nước sẽ tỉnh ngộ, không lợi dụng tự do ngôn
luận để làm điều sai trái.
Nhận xét
Đăng nhận xét