“Trách nhiệm” được hiểu theo nghĩa
chung nhất là “việc phải làm, việc phải gánh vác, việc phải nhận lấy về mình”.
Mỗi chức danh cán bộ đều có quyền lực, quyền uy nhất định.
Nhưng quyền lực chỉ được thể hiện, phát
huy hiệu lực, hiệu quả và mang tính nhân văn khi người sử dụng, thừa hành quyền
lực đó phải bảo đảm trách nhiệm cá nhân tương xứng với vị trí, chức trách được ủy
quyền.
Tuy nhiên, thời gian qua, vì nhận thức
không thấu đáo, hành xử không đúng mực về hai chữ “trách nhiệm” nên một bộ phận
cán bộ đã tự mình hại mình!
Làm cán bộ lãnh đạo, ai cũng có vẻ thuộc
làu làu nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Tập thể ở đây là ban
thường vụ và cấp ủy. Trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương, “ông thường
vụ” có quyền hành to lắm. “Ông” có quyền chỉ đạo, cho ý kiến và nhiều khi quyết
định những vấn đề hệ trọng như: Nhân sự, tài chính, dự án đầu tư kinh tế... của
cơ quan, địa phương mình. Những chủ trương, quyết sách đó nếu đúng đắn, phù hợp,
mang lại hiệu quả thì nhân dân được nhờ. Nhưng những quyết sách đó có bất cập,
sai sót, kém hiệu quả thì lỗi này thường bị quy là do tập thể lãnh đạo, chứ đâu
phải lỗi cá nhân! Đó là thái độ đùn đẩy trách nhiệm.
Quy trình bổ nhiệm cán bộ, tuyển dụng
nhân sự do ban thường vụ, cấp ủy thông qua, nhưng ký quyết định bổ nhiệm lại là
cá nhân người đứng đầu. Nếu cán bộ được bổ nhiệm bảo đảm đủ điều kiện, tiêu chuẩn
về trình độ, năng lực, kinh nghiệm, tuổi tác và được dư luận “tâm phục, khẩu phục”
thì không sao. Còn nếu cán bộ chưa đủ độ chín; tuổi tác, kinh nghiệm và năng lực
chưa tương xứng với vị trí được giao, lại bị dư luận phê phán và sau đó bị cơ
quan chức năng cấp trên bãi bỏ quyết định bổ nhiệm trước đó, thì người đứng đầu
lại “thanh minh, thanh nga” rằng quyết định nhân sự đúng sai đều do thường vụ
thông qua, chứ bản thân họ cũng chỉ có một lá phiếu như các ủy viên thường vụ
khác. Đó là biểu hiện thoái thác trách nhiệm cá nhân.
Tự thân cán bộ lãnh đạo không có quyền
lực, mà đó là quyền lực của nhân dân, của tập thể ủy quyền, giao cho, nhưng nhiều
người cứ ảo tưởng đó là quyền của riêng mình, thế nên lúc nào cũng nghĩ mình
như “ông vua con”, tự tạo cho mình “lãnh địa riêng, tài sản riêng” theo kiểu
“anh hùng nhất khoảnh”, rồi tự do tung hoành, thậm chí “tác oai, tác quái”, làm
biến dạng, méo mó quyền lực công. Nếu cán bộ thể hiện trách nhiệm với đất nước,
cộng đồng, tập thể thì ít, mà lại vun vén, co kéo lợi ích cho cá nhân thì nhiều,
đó là hành vi vô trách nhiệm.
Hai chữ “trách nhiệm” nói thì dễ, nhưng
thể hiện hiệu quả, triệt để trong công tác lãnh đạo, quản lý lại không đơn giản
như người ta thường nghĩ. Tình trạng đua nhau đưa “con ông cháu cha” vào bộ máy
công quyền; thi nhau “chạy” những dự án kinh tế béo bở để rồi gây thất thoát
hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước; vấn nạn “mua quan bán chức” và mối quan hệ
thân hữu quan chức-doanh nghiệp thiếu lành mạnh... nổi cộm thời gian gần đây bị
dư luận lên án, là sự tích hợp từ nhiều lý do, nhưng có một lý do không thể xem
thường là nhiều nơi, nhiều chỗ đã lơ là, buông lỏng trách nhiệm giám sát, kiểm
soát quyền lực của tập thể lãnh đạo và cá nhân người đứng đầu.
Lỗ hổng này nếu không được “vá” bằng một
cơ chế trách nhiệm đến nơi đến chốn thì tình trạng đùn đẩy, trốn tránh, đổ vấy
và thoái thác trách nhiệm của một bộ phận quan chức sẽ còn tiếp tục xảy ra, kéo
theo biết bao hệ lụy khôn lường và ảnh hưởng đến sự an nguy của Đảng và chế độ.
Mặt khác, nếu một bộ phận quan chức vẫn tự cho mình được hưởng “cái quyền to”,
nhưng lại thể hiện “trách nhiệm nhỏ” trong thừa hành việc công; hoặc để cái
bóng quyền lực khuếch trương như người “khổng lồ”, mà cán bộ lại thể hiện trách
nhiệm với dân, với nước nhỏ con như “tí hon” thì nguy cơ thoái hóa, biến chất,
thậm chí dẫn tới “thân bại danh liệt” là khó tránh khỏi.
Nhiều quan chức, kể cả quan chức cấp
cao sở hữu quyền lực “nổi đình nổi đám” một thời nay đã bị “đứt gánh giữa đường”
và vướng vòng lao lý, chắc hẳn ít nhiều sẽ thức tỉnh những quan chức nào đó
đang tự nhập nhằng, bào mòn, mọt ruỗng trách nhiệm chân chính của người cộng sản!
Nhận xét
Đăng nhận xét